Tháng chín bão rươi, tháng mười bão ra
Đấy là câu tục ngữ rất quen thuộc ở quê tôi. Tháng chín, cái tháng cuối cùng của mùa thu, ở miền Bắc lúc này đã có gió heo may thổi về từng đợt, tiết trời se se lạnh, các trận bão từ ngoài biển không còn rình rập nữa. Tuy thế ở cái vùng Nam châu thổ sông Hồng như quê tôi thì cái từ “bão” vẫn được người ta nhắc đến, ấy là “bão rươi” và “bão ra”.
Vào thời kỳ lúa mùa bắt đầu vào mẩy, hạt đỏ đuôi, bông uốn câu; có thửa lúa sớm đã gặt, trời đang nắng màu sáp ong, tự dưng mây đen ùn ùn kéo đến nổi dông nổi gió; kèm theo những hạt mưa xiên chéo, lạnh ngắt; ấy là cơn bão báo mùa rươi đã đến. Ngoài sông cái đã kiệt phù sa; bây giờ là con nước thủy triều màu lam dềnh lên, chảy luồn qua những cái máng, cái cống vào đồng vào bãi. Nước thủy triều tràn vào đến đâu, rươi xuất hiện đến đấy. Người có kinh nghiệm, ban đêm lấy tay vục nước đưa lên miệng nếm, có vị tanh, ấy đích thị là nước rươi.
Món chả rươi. |
Săn bắt rươi có hai cách. Cách thứ nhất là dùng săm đóng bằng vải màn, tìm một cái máng hoặc dòng kênh, đợi cho nước thủy triều lên mãn và bắt đầu ròng thì đóng săm xuống kênh hoặc máng. Rươi bơi theo dòng chảy chui vào săm. Nếu nhiều rươi cứ đầy bồng săm lại nhấc săm lên đổ rươi vào xô hoặc nồi. Cách thứ hai là vớt rươi. Người ta dùng cái rá vo gạo hoặc cái vợt bằng vải màn; một tay cầm vợt hoặc rá, một tay xách xô, vừa lội ruộng hoặc bãi vừa vớt rươi.
Rươi đem về, nhặt rác, rửa qua nước sạch, tra vỏ quýt thái nhỏ, hành ớt, hạt tiêu, riềng giã nhỏ, muối, rồi dùng đũa quấy đều cho rươi vỡ hết. Nếu nấu thì nấu với rau cải bông hoặc cải thìa là hợp khẩu vị. Ngon nhất là món rươi nướng. Người ta đổ chỗ rươi đã tra gia vị vào những tấm lá chuối tây trải dưới đất, úp cái vung lên rồi dùng trấu đốt. Khi nào than trấu dầy lên thì để vùi vài ba tiếng đồng hồ cho nhừ, rươi kết lại thành bánh màu sẫm, mới đưa ra ăn, không cần chấm gì cả kẻo mất mùi rươi. Món rươi nướng có thể tỏa hương thơm rất xa. Nướng rươi ở đầu xóm; cuối xóm cũng ngửi thấy hương thơm. Một mùi hương rất đặc biệt, trong đó có cái tinh túy nồng nàn chắt ra từ hương đất.
Món nữa là mắm rươi. Vẫn pha chế gia vị như trên, bỏ muối vừa đủ mặn, rồi đổ vào một cái nải hoặc cái chóe. Để ở chỗ thoáng gió, có ánh mặt trời thường xuyên chiếu thì rất tốt. Khoảng ba tháng là ăn được. Mỗi lần ăn, người ta múc ra cho vào xoong bắc lên bếp trưng khoảng 5 phút, khi mùi thơm bốc dậy lên là ăn được. Mắm rươi dùng để chấm rau diếp, rau xà lách, pha thêm chút rau cải bẹ xanh thì rất ngon.
Ở thành phố, người ta mua rươi về rồi đập cả trứng gà trứng vịt vào nữa, và cho thế là ngon. Nhưng dân quê tôi không ăn kiểu ấy, vì người ta cho rằng tra thêm trứng vào như thế, rươi không còn giữ được cái hương vị rất riêng của rươi nữa.
Lê Hoài Nam