Ngập úng nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà
Mưa lớn kéo dài khiến nước sông Bằng, sông Hiến dâng cao, tràn vào các nhà dân ở nhiều phường, xã tại TP Cao Bằng. Người dân phải sống chung với lũ lụt nhiều ngày qua.
Chiều 25/8, TP Cao Bằng (Cao Bằng) vẫn có mưa, nhiều khu vực ngập chìm trong nước. Trong 4 ngày qua, TP Cao Bằng hứng nhiều đợt mưa rất lớn khiến mực nước các sông dâng cao, tràn vào các nhà dân. Thống kê đến hiện tại, toàn thành phố có đến 193 nhà dân bị ngập nước, gần 400ha hoa màu, cây cối bị ảnh hưởng. Cơ quan khí tượng cho biết, đây là trận lũ lớn nhất trong vòng 20 năm qua ở Cao Bằng.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng, mưa lớn gây sạt lở đất thiệt hại 55 nhà ở, ngập lụt gây ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của 407 hộ dân; 1.319,79 ha lúa và hoa màu bị ngập nước. Có tới 69 tuyến đường giao thông nông thôn tại các huyện bị sạt lở đất đá nghiêm trọng. Hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi do lũ.
Các sông, suối trên địa bàn thành phố Cao Bằng đã xuất hiện lũ, lũ lớn gây ngập sâu khu vực ven sông Bằng của huyện Hòa An và thành phố Cao Bằng, khu vực thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tỉnh Cao Bằng có hơn 400 ngôi nhà bị ngập lụt. Trong đó, thành phố Cao Bằng có 178 ngôi nhà bị lụt; huyện Hà Quảng có 55 nhà bị ngập lụt; huyện Hòa An có gần 200 ngôi nhà bị ngập lụt, sạt lở. Trong đó, ngôi nhà của gia đình ông Nông Văn Cử, ở xóm 8 Bế Triều, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An bị sập đổ do sạt lở đất.
Nước lũ dâng cao gây ngập gần 1.500ha hoa màu của người dân. Về giao thông, nhiều tuyến đường ở các huyện Hòa An, Hà Quảng, Trùng Khánh, Quảng Hòa, Thạch An và ở thành phố Cao Bằng bị sạt lở, gây ách tắc giao thông.
Tại Điện Biên, mưa lớn, sạt lở đất tại tỉnh Điện Biên trong 2 ngày qua đã khiến 34 ngôi nhà ảnh hưởng, trong đó có 13 ngôi nhà phải di dời người dân khẩn cấp; Ước tính thiệt hại do mưa lũ khoảng 1,1 tỷ đồng.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, mưa lớn trong 2 ngày 24-25/8 đã khiến 34 ngôi nhà bị ảnh hưởng. Trong đó có 5 ngôi nhà bị thiệt hại nặng từ 30-50% ở huyện Mường Ảng; 16 ngôi nhà bị thiệt hại một phần dưới 30% ở các huyện Nậm Pồ, Mường Ảng và thành phố Điện Biên Phủ; Có 13 ngôi nhà phải di dời người dân khẩn cấp ở huyện Nậm Pồ và huyện Mường Ảng.
Mưa lớn cũng khiến 15,24 ha cây trồng bị thiệt hại. Trong đó có 0,2 ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn trên 70% (huyện Nậm Pồ); 4 ha lúa bị thiệt hại rất nặng từ 50-70% (huyện Mường Ảng); 10,4 ha lúa bị thiệt hại nặng (thành phố Điện Biên Phủ); 0,2ha cây nho bị thiệt hại từ 30-50% (thành phố Điện Biên Phủ); 0,04 ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại trên 70% (huyện Nậm Pồ); 0,4 ha bí xanh bị thiệt hại trên 70% (huyện Nậm Pồ).
Có tới 13 tuyến đường bị sạt lở ách tắc và 1 cây xăng bị cháy do ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở ở tỉnh Điện Biên. Tổng ước tính thiệt hại khoảng 1,1 tỷ đồng.
Cơ quan khí tượng thủy văn Quốc gia cũng cho biết, tại tỉnh Điện Biên, các huyện Mường Nhé, Tủa Chùa, TX Mường Lay, Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Ảng, Điện Biên, Điện Biên Đông, TP.Điện Biên Phủ cũng được cảnh báo có nguy cơ nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá trong 6 giờ tới.
Mưa bão tập trung cao điểm vào tháng 9
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, hai ngày qua, nhiều tỉnh phía Bắc xảy ra mưa lớn đã gây ngập lụt và sạt lở ở nhiều địa phương miền núi và trung du. Với sự dịch chuyển của dải hội tụ nhiệt đới, các tỉnh Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ là nơi có mưa lớn trong giai đoạn tháng 9 tới đây. Người dân cần cập nhật thông tin cảnh báo thường xuyên để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản khi xảy ra thiên tai.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ tháng 9, La Nina tác động trùng với thời điểm mưa bão, lũ ở miền Trung. Với sự ảnh hưởng này, tình hình mưa bão, lũ ở Trung bộ khả năng xảy ra dồn dập trong khoảng nửa cuối tháng 9 và tháng 10 - tháng 11 năm nay.
"Đáng lưu ý, khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn ở khu vực Trung Bộ, nhất là trong các tháng mùa thu. Vì vậy, các địa phương cần chủ động thường xuyên rà soát các điểm xung yếu về lũ quét, sạt lở đất trước mùa mưa bão và trước các đợt mưa lớn để đảm bảo an toàn cho nhân dân", ông Hưởng cho hay.
Vào những năm La Nina tác động thì diễn biến mưa bão lũ khốc liệt hơn so với những năm bình thường. Gần đây nhất là năm 2020 cũng có kịch bản ENSO tương đồng khi đầu năm trạng thái El Nino và cuối năm chuyển sang pha La Nina. Năm 2020 là năm kỷ lục của nhiều loại hình thiên tai. Số lượng bão/áp thấp nhiệt đới nhiều hơn bình thường, mùa mưa dồn dập hơn ở Trung Bộ. Có những điểm ở miền Trung có tổng lượng mưa cao vượt lịch sử (lượng mưa cao gấp 3 - 4 lần so với trung bình nhiều năm).
Với những bài học kinh nghiệm từ những năm La Nina như vậy, người dân cần theo dõi bản tin dự báo từ xa từ sớm và kết hợp với những bản tin cảnh báo thời hạn ngắn từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia để có phương án ứng phó kịp thời. Về phía cơ quan khí tượng, chúng tôi cũng cập nhật thường xuyên, liên tục những diễn biến mới để người dân nắm thông tin sớm.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 26/8 | SKĐS