Tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,18%

29-07-2019 21:25 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 chỉ tăng 0,18%, nguyên nhân là do lương cơ sở tăng, giá xăng tăng. Có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá, trong đó, thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2019 tăng 0,18% so với tháng trước, tăng 1,59% so với tháng 12/2018, tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng đầu năm 2019, CPI tăng 2,61% so với cùng kỳ năm 2018 - mức tăng bình quân 7 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Cơ quan thống kê so sánh năm 2019 với cùng kỳ năm trước: CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2017 tăng 3,91%; bình quân 7 tháng đầu năm 2018 tăng 3,45%.

Tổng cục Thống kê cho biết, giá một số nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng trở lại, mức lương cơ sở tăng, ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là những yếu tố làm cho CPI có diễn biến như thời gian qua.

Xăng tăng giá thời gian qua góp phần làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng

Có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 9 nhóm hàng tăng giá: nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có mức tăng cao nhất, tăng 0,94%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,33%; giáo dục tăng 0,22%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,15%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,12%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,1%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; bưu chính viễn thông tăng 0,01%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%.

Có 2 nhóm hàng giảm giá là: giao thông giảm 0,03%; nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng giảm 0,03%.

Các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 7 năm 2019, tính đến ngày 24/7/2019, dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (còn lại duy nhất tỉnh Ninh Thuận chưa phát hiện dịch) với đàn lợn bị tiêu hủy khoảng 3,7 triệu con.

Ngoài số lượng lợn bị chết do dịch, nhiều hộ chăn nuôi quy mô lớn đã tạm ngừng tái đàn hoặc giảm quy mô nuôi so với trước đây, do vậy tổng đàn lợn tiếp tục giảm mạnh làm cho giá thịt lợn tháng 7/2019 tăng 0,81% so với tháng trước, CPI chung tăng 0,03%.

Thời tiết nắng nóng kéo dài gây hạn hán tại một số địa phương nên nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng cũng làm cho chỉ số giá điện tăng 0,76% so với tháng trước.

Ngoài ra các loại giá giá xăng dầu tăng, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng làm cho chỉ số giá điện tăng 0,76% so với tháng trước. Cụ thể, giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng vào ngày 2/7/2019 và ngày 17/7/2019, với tổng cộng giá xăng A95 tăng 1.110 đồng/lít, xăng E5 tăng 1.050 đồng/lít, dầu diezen tăng 340 đồng/lít, làm CPI chung tăng 0,002%.

Mức lương cơ sở tăng 100.000 đồng/tháng từ ngày 1/7/2019 theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2019 cùng làm chỉ số giá nhóm bảo hiểm y tế tăng 6,67% so với tháng trước, tác động đến mức tăng CPI chung.

Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng do nhu cầu xây dựng tăng cùng với chi phí đầu vào tăng nên giá một số mặt hàng vật liệu tăng theo…

Ở chiều ngược lại, các nguyên nhân làm giảm CPI tháng 7 năm 2019 là: giá gas trong nước, giá gạo, giá ô tô giảm kìm đà tăng CPI.

Tổng cục Thống kê cũng tính toán lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 7/ 2019 tăng 0,23% so với tháng trước, tăng 2,04% so với cùng kỳ; 7 tháng đầu năm 2019 so cùng kỳ tăng 1,89%.

Bình quân 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giáo dục.

Lạm phát cơ bản 7 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ ở mức 1,89% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.

 


HY
Ý kiến của bạn