Tháng 7/2023 là tháng nóng nhất hành tinh, nhiệt độ cao kỷ lục

09-08-2023 16:28 | Quốc tế
google news

SKĐS - Theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của EU, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 7/2023 được xác nhận là cao chưa từng thấy.

Tháng 7 có thể là tháng nóng nhất trong 120.000 nămTháng 7 có thể là tháng nóng nhất trong 120.000 năm

SKĐS - Theo các nhà khoa học, tháng 7/2023 là tháng nóng nhất hành tinh cho đến nay, và có thể là tháng nóng nhất trong khoảng 120.000 năm qua.

Cơ quan Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 8/8 (theo giờ châu Âu) thông tin, tháng 7/2023 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái đất với nhiệt độ cao bất thường ở cả đất liền và trên biển. Đồng thời, Copernicus cũng cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng đối với hành tinh do nhiệt độ tăng cao bất thường.

Tháng 7/2023 ghi dấu ấn bằng các đợt nắng nóng và hỏa hoạn trên toàn thế giới. Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào tháng 7 vừa qua cao hơn 0,33 độ C so với kỷ lục được thiết lập vào tháng 7/2019. Khi đó, kỷ lục nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng nóng nhất hành tinh cao nhất là 16,63 độ C.

Theo Phó giám đốc Copernicus - Samantha Burgess, trong 120.000 năm qua, chưa bao giờ thời tiết nóng như thế này. Chuyên gia khí hậu này cho biết, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 7 năm nay được xác nhận là cao nhất.

Tháng 7/2023 là tháng nóng nhất hành tinh, nhiệt độ cao nhất từng ghi nhận - Ảnh 2.

Cháy rừng ở Khu bảo tồn Quốc gia Mojave, California, Mỹ do nắng nóng khốc liệt, nhiệt độ lên tới 50 độ C.

Nhiệt độ trong tháng 7/2023 cao hơn 1,5 độ C so với mức nhiệt độ trung bình toàn cầu giai đoạn từ năm 1850-1900. Và nhiệt độ trong tháng qua cũng ấm hơn 0,72 độ C so với mức trung bình của tháng 7 hàng năm từ năm 1991-2020.

Theo Copernicus, tháng 6 năm nay cũng phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ so với tháng 6 của các năm trước.

Sự nóng lên toàn cầu đã khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng thêm 1,2 độ C kể từ cuối những năm 1800 do quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch.

Trái đất ấm lên khiến cho các đợt nắng nóng kéo dài khốc liệt và thường xuyên hơn, kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan khác như bão và lũ lụt.

Hiện tượng sóng nhiệt đã bao phủ nhiều khu vực ở Bắc bán cầu, đặc biệt ở Nam Âu. Cơ quan khí hậu Copernicus của EU cũng cho biết, nhiệt độ đã cao hơn mức trung bình kể cả ở một số quốc gia Nam Mỹ và xung quanh Nam cực.

Mức nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2023 cho tới nay là mức cao thứ 3 được ghi nhận, cao hơn 0,43 độ C so với giai đoạn 1991-2020. Kỷ lục về nhiệt độ trung bình toàn cầu cả năm được xác nhận là năm 2016, cao hơn 0,49 độ C so với giai đoạn 1991-2020.

Tuy nhiên, năm 2023 vẫn còn hơn 4 tháng nữa, nên rất có thể sẽ còn nhiều thay đổi. Thời gian còn lại của năm 2023 được dự đoán tương đối ấm áp do hiện tượng El Nino.

Tháng 7/2023 là tháng nóng nhất hành tinh, nhiệt độ cao nhất từng ghi nhận - Ảnh 4.

Nền nhiệt cao kỷ lục ở Địa Trung Hải từ ngày 21-25/7. Điển hình, nhiệt độ ở Tunis (Tusinia) có ngày lên tới 47 độ C, nhiệt độ ở Palermo (Italia) có ngày lên tới 43 độ C.

Kỷ lục nhiệt độ toàn cầu cao nhất trong một ngày từng được ghi nhận vào năm 2016. Tuy nhiên, kỷ lục này liên tục bị phá vỡ kể từ tháng 7 năm nay. Từ ngày 3/7 năm nay, mỗi ngày của tháng 7 đều vượt qua kỷ lục cũ của năm 2016.

Các đại dương trên thế giới cũng thiết lập những kỷ lục mới về nhiệt độ, làm dấy lên lo ngại về tác động đối với hệ sinh thái biển và các cộng đồng dân cư ven biển. Theo Copernicus, nhiệt độ của bề mặt đại dương đã tăng lên 20,96 độ C vào ngày 30/7. Kỷ lục trước đó là 20,95 độ C vào tháng 3/2016.

Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:

Các biện pháp phòng tránh sốc nhiệt trong thời tiết nắng nóng


Nguyễn Vân
(theo Al Jazeera)
Ý kiến của bạn