Tháng 7/2023 có phải là tháng nóng nhất trong lịch sử ở Việt Nam?

30-07-2023 16:45 | Xã hội
google news

SKĐS - Tháng 7/2023, trên phạm vi cả nước đã xảy ra một số đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng, thậm chí một số nơi giá trị nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ.

14 biện pháp phòng cháy, chữa cháy mùa nắng nóng cần ghi nhớ14 biện pháp phòng cháy, chữa cháy mùa nắng nóng cần ghi nhớ

SKĐS - Trước những diễn biến phức tạp, bất thường của thời tiết nắng nóng kéo dài cộng với nhu cầu sử dụng điện gia tăng dễ dẫn đến tăng nguy cơ xảy ra cháy nổ tại hộ gia đình. Để bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, người dân cần ghi nhớ 14 nguyên tắc dưới đây.

Tháng 7 nóng nhất trong lịch sử của thế giới

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho rằng biến đổi khí hậu kết hợp với sự xuất hiện của kiểu thời tiết El Nino trong năm 2023, làm ấm lớp nước bề mặt ở phía đông và trung tâm Thái Bình Dương, đã thúc đẩy nhiệt độ phá kỷ lục tại nhiều nơi trên toàn thế giới trong thời gian gần đây.

Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo môi trường quốc gia Mỹ (NCEP), nhiệt độ trung bình ngày trên toàn cầu vào ngày mùng 4-5/7/2023 cùng đạt giá trị là 17,18 độ C, là giá trị cao kỷ lục quan sát được từ trước tới nay và giá trị này cũng đã vượt qua mức kỷ lục trước đó một ngày là 17,1 độ C vào ngày 3/7/2023.

Đánh giá của Trung tâm khí hậu Tokyo (TCC) thuộc Tổ chức khí tượng Nhật Bản (JMA) cũng cho thấy kể từ năm 2014-2022 là 9 năm liên tiếp có giá trị nhiệt độ trung bình toàn cầu cao nhất kể từ khi quan trắc được từ năm 1891 đến nay.

Trong cảnh báo đưa ra vào ngày 27/7 vừa qua, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) nhận định rằng tháng 7/2023 có thể được ghi nhận là tháng nóng nhất trong lịch sử thế giới và có thể là tháng nóng "chưa từng thấy" trong hàng nghìn năm qua.

Tháng 7/2023 có phải là tháng nóng nhất lịch sử ở Việt Nam? - Ảnh 2.

Tháng 7 ghi nhận là tháng nắng nóng kỷ lục của thế giới.

Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cảnh báo nắng nóng cực đoan kéo dài sẽ trở thành mô hình khí hậu của thế giới trong tương lai. "Thật đáng buồn là biến đổi khí hậu đã gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến hàng triệu người dân trên thế giới trong tháng 7 này và hình thái thời tiết này sẽ tăng mạnh trong tương lai", ông nói.

Kể từ cuối những năm 1800, thế giới đã chứng kiến nhiệt độ toàn cầu nóng lên khoảng 1,2 độ C. Mức nhiệt này đang gia tăng ở quy mô và tần suất lớn hơn do con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch. Kèm theo những đợt sóng nhiệt như vậy là sự gia tăng xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa bão và lũ lụt.

Nhiều địa phương ở Việt Nam đo được giá trị nắng nóng kỷ lục

Ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, tại Việt Nam, trong các bản tin dự báo thời tiết gần đây của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng cho thấy xu thế nhiệt độ trung bình tháng 7/2023 tại các khu vực trên toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C. Riêng tại khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung bộ, nhiệt độ phổ biến cao hơn từ 0,5-1 độ C, có nơi cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Thực tế, trong tháng Bảy vừa qua đã xảy ra một số đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng; thậm chí một số nơi đã quan trắc được giá trị nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ. Đơn cử như tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nhiệt độ ngày 7/7/2023 ghi nhận lên tới 40,8 độ C trong khi giá trị nhiệt độ lịch sử cùng thời kỳ của năm 2015 (cách đây 8 năm) là 40,2 độ C.

Hay như tại tỉnh Lào Cai, nhiệt độ ngày 17/7/2023 lên tới 40,4 độ C vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ trong năm 2015 là 40,2 độ C; nhiệt độ cùng ngày tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái ghi nhận 40,5 độ C vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ năm 2010 là 38,8 độ C; tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, nhiệt độ ngày 13/7/2023 là 39,7 độ C vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ năm 2020 là 39,1 độ C.

Tại Hà Giang, nhiệt đô ngày 17/7 vừa qua lên tới 39,5 độ C vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ của 58 năm về trước (tức năm 1965) là 38,6 độ C. Tại Mộc Châu (Sơn La), nhiệt độ ngày 8/7 ghi nhận 33,5 độ C vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ năm 1983 là 32,8 độ C.

Nhìn lại mùa hè 2023 ở miền Bắc và Trung bắt đầu sớm bằng đợt nắng nóng gay gắt kéo dài ba ngày (22-24/3) với 18 kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ. Nền nhiệt trung bình tháng 3 tại Bắc, Trung và Trung Trung Bộ cao hơn trung bình nhiều năm 0,5-1 độ, riêng Đông Bắc Bộ cao hơn 1-1,5 độ C. Nhiệt độ cao nhất trong tháng được ghi nhận ở Kim Bôi (Hòa Bình) ngày 22/3 với 41,4 độ, vượt mốc lịch sử năm 1996 là 3,3 độ C. Cùng ngày, Cao Bằng nóng 36,7 độ C, vượt qua kỷ lục gần 60 năm trước.

Tháng 5 nóng nhất mùa hè 2023 với 5 đợt gay gắt và đặc biệt gay gắt trên diện rộng. Riêng Bắc và Trung Bộ trải qua 16 ngày trên 35 độ, chủ yếu 38-40 độ C. 44 kỷ lục nhiệt độ được ghi nhận trong tháng này, riêng Bắc Bộ có 22 tập trung ở Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Hà Nội và Ninh Bình. Ngày 6/5, Lạc Sơn (Hòa Bình) nóng 43,4 độ, vượt mốc lịch sử năm 1966 khoảng 1,4 độ C. Ngày 17/5, trạm Hà Đông (Hà Nội) ghi nhận 41,3 độ C, cao hơn kỷ lục ba năm trước gần nửa độ.

Các kỷ lục ở miền Trung được ghi nhận từ Thanh Hóa đến Quảng Trị. Trong đó, ngày 7/5 Tương Dương (Nghệ An) nóng 44,2 độ C, cao nhất lịch sử quan trắc ở Việt Nam, vượt qua kỷ lục cũ bốn năm trước tại Hương Khê (Hà Tĩnh) 43,4 độ C.

Tháng 6, nhiệt độ giảm, các đợt nắng nóng bị chia nhỏ do có năm đợt mưa lớn diện rộng. Cả tháng có bốn đợt nắng nóng, trong đó đợt dài nhất ở Bắc Bộ 5 ngày, các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên là 13 ngày. Có 21 kỷ lục nhiệt độ được ghi nhận trong tháng 6, tất cả ở Bắc Bộ, tập trung ở Sơn La với 7 kỷ lục. Ngày 1/6, Mường La (Sơn La) nóng 43,8 độ, vượt kỷ lục cách đây hai năm 3 độ. Cùng ngày, điểm cao trên 1.500 m so với mực nước biển là Sa Pa (Lào Cai) lên 29,4 độ, cao hơn kỷ lục cách đây 45 năm 1,5 độ C.

Chuyên gia nhận định, mùa hè 2023 có nhiều kỷ lục nhiệt độ được ghi nhận, trong đó tháng 5 nắng nóng đỉnh điểm do tác động của việc nóng lên toàn cầu chứ chưa phải là tác động của El Nino. El Nino bắt đầu từ tháng 6, đạt cường độ mạnh nhất từ cuối năm 2023 (khoảng tháng 10) đến đầu năm 2024 (tháng 2/2024). Tại Việt Nam, El Nino tác động mạnh nhất tới Tây Nguyên và Nam Bộ.

Nắng nóng gay gắt ở miền Bắc sẽ tái xuất vào đầu tháng 8Nắng nóng gay gắt ở miền Bắc sẽ tái xuất vào đầu tháng 8

SKĐS - Trong nửa đầu tháng 8, thời tiết tiếp tục khô hạn, nắng nóng, ít mưa ở khu vực Bắc Trung Bộ, ven biển miền Trung, và Nam Trung Bộ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Rùng Mình Lời Khai Gã ‘Chồng Hờ’ Cuồng Ghen Sát Hại Dã Man Người Phụ Nữ Bán Cá Ở Bình Dương | SKĐS



Tô Hội
Ý kiến của bạn