GS. Hoàng Văn Minh quê ở làng Phù Lưu, Phủ Từ Sơn (nay là thành phố Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Ông được sinh ra trong một gia đình trí thức, đã hấp thụ được nét tinh hoa của đất Kinh Bắc văn hiến cũng như của gia đình truyền thống y học.
Ông là con trai thứ hai của Bác sĩ Hoàng Thuy Ba, một trong hai bác sĩ khóa đầu tiên của Trường Đại học Y Hà Nội, bảo vệ luận án bác sĩ tại Paris (Pháp) năm 1927.
Năm 1963, chàng sinh viên Hoàng Văn Minh tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, chuyên ngành ngoại khoa. Theo tiếng gọi "Thanh niên 3 sẵn sàng" của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, ông xung phong vào Thanh Hóa công tác, nơi ngành y tế có rất nhiều khó khăn.
Năm 1964, Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc, đầu tiên ở Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An. Để đối phó với chiến tranh phá hoại, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đã đề ra chủ trương "Ngoại khoa hóa cán bộ", "xây dựng mạng lưới cấp cứu chiến thương" để cấp cứu tại chỗ, giảm thương vong tới mức thấp nhất ở những điểm nóng.
Thanh Hóa là một tỉnh bị đánh phá ác liệt, vì nằm ở vị trí trọng điểm nằm trên trên con đường chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Khi đó, GS Hoàng Văn Minh đang là Trưởng Khoa mổ Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chữa bệnh và nhiệm vụ xây dựng mạng lưới cấp cứu tại chỗ. Sau gần 4 năm xây dựng, Thanh Hóa đã được công nhận là tỉnh điển hình toàn miền Bắc về mạng lưới cấp cứu phòng không. Do làm việc quá sức ông bị lao phổi.
Năm 1967, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch điều động ông về Viện Lao và Bệnh Phổi Trung Ương, làm trợ lý riêng cho Bộ trưởng. Từ đó, ông luôn đi theo Bộ trưởng đến kiểm tra các vùng trọng điểm. Năm 1968, Bộ trưởng vào chiến trường miền Nam công tác, ông lại đi cùng, làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng.
Ông làm nhiệm vụ cứu chữa bệnh nhân, giảng dạy tại Trường Y sĩ của Ban Dân Y miền Nam, và nghiên cứu khoa học. Ông nghiên cứu các thương tích do bom đạn, nghiên cứu làm cao dán từ nhựa cây chai để chữa vết thương phần mềm do bom đạn, do bỏng. Sau khi hoàn thành việc xây dựng đề án "chi viện và phát triển y tế miền Nam" do Bộ trưởng giao cho tại miền Nam, ông được điều ra Bắc, về lại Viện Lao và Bệnh Phổi Trung Ương công tác cho đến khi qua đời.
Chỉ ít ngày sau khi ra Bắc, ông đã báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Phạm Văn Đồng về tình hình công tác và GS. Phạm Ngọc Thạch ở miền Nam. Băng ghi âm bài nói chuyện trước Hội nghị cán bộ dân y toàn miền và cuốn sổ tay ghi chép công việc của GS Phạm Ngọc Thạch sau khi GS mất đã được chuyển đến tay Thủ tướng.
Những năm sau đó, ông còn được gặp Thủ tướng một số lần khác. Lần nào Thủ tướng cũng ân cần căn dặn, cho ý kiến , động viên khiến ông rất xúc động, ghi sâu trong tâm trí.
Không chỉ là một thầy thuốc cả đời vì người bệnh, Hoàng Văn Minh còn là một thầy giáo, nhà nghiên cứu tận tụy, hết lòng. Ông tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Y Hà Nội và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, hướng dẫn nhiều luận án Tiến sĩ, Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa, nội trú, viết trên 50 cuốn sách,150 bài báo. Ông cộng tác chặt chẽ với Nhà xuất bản Y học, các báo Nhân dân, Báo Sức khỏe và Đời sống v…v…
Bên cạnh việc viết các tài liệu giảng dạy, nghiên cứu khoa học, ông có một mục đích xuyên suốt là viết để phổ biến kiến thức về sức khỏe để mọi người có thể tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Đó là một việc rất nhân văn.
Có thể kể đến các tác phẩm: "Giải đáp về bệnh Lao" đã được Nhà xuất bản Y học in và tái bản năm 1996, 1999, 2000. "Những điều cần biết về Lao" (NXB Y học1998, 1999, 2000) "Bệnh Lao và nhiễm HIV/AIDS" (NXB Y học1998, 1999) và các quyển: "Giải đáp về các bệnh phổi - phế quản thường gặp", "Phát hiện, xử trí một số bệnh hô hấp tại nhà", "Xử trí một số bệnh hô hấp tại cộng đồng". Những cuốn sách này giản dị gần gũi, dễ đọc, dễ hiểu, giúp mọi người có thể đọc tham khảo và tự chăm sóc sức khoẻ cho mình.
GS. Hoàng Văn Minh còn một mảng viết khác: viết về các người thầy thuốc tài danh. Ông viết nhiều bài báo, cuốn sách về các Giáo sư, Bác sĩ Hồ Đắc Di, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Vũ Văn Cẩn v..v… Đến khi qua đời năm 2003, Hoàng Văn Minh có thể là người viết nhiều sách y học nhất trong nước. Đồng nghiệp trìu mến gọi ông là "Người viết sử ngành Y". Có nhiều sách báo đã viết về ông, tiêu biểu như quyển "Những bông hoa đời thường" (Hoàng Ngọc Bính, NXB Hội Nhà Văn, 2016).
Từ năm 1998, ông mắc bệnh xơ tủy, tủy xương không sản xuất được các tế bào máu mới, nên phải truyền máu nhiều lần để có thể sống. Có những tháng phải truyền máu tới 1-2 lần. Sức khỏe suy sụp, Hoàng Văn Minh vẫn công tác, vẫn làm tốt nhiệm vụ Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, vẫn viết. Ông tâm sự với người anh ruột : "Sức em đã kiệt, em làm được gì có ích cho mọi người thì vẫn cố làm…".
GS. Hoàng Văn Minh có một gia đình hạnh phúc, người vợ hiền, nhà giáo Nguyễn Thị Hải Đường, hai con: Hoàng Minh Ngọc, Hoàng Minh Quân được đào tạo và học tập ở Đức và đã về nước làm việc.
BS Hoàng Minh Ngọc nối nghiệp cha, công tác tại Bệnh viện Phổi Trung ương cùng với chồng là Tiến sĩ y học Nguyễn Kim Cương, Phó giám đốc Bệnh viện… Những người con của ông nối nghiệp cha và luôn giữ tròn y đức, noi gương người cha kính mến.
Cuối đời, những khi nằm bệnh viện, GS. Hoàng Văn Minh đều mang theo tài liệu để viết khi có thể. Ngày cuối, trên giường bệnh của ông vẫn còn mấy bản thảo chuẩn bị gửi cho báo Nhân Dân, và còn mấy bài viết dở sắp xong cho Báo Sức khỏe và Đời sống như "Làng văn hóa - sức khỏe và việc xã hội hóa ngành y tế ". Sau đó, em trai ông đã làm tròn nhiệm vụ đưa bài đến báo Nhân Dân, Báo Sức khoẻ & Đời sống để đăng. Bài viết cuối cùng trên giường bệnh đã thấm những hơi thở cuối cùng của Hoàng Văn Minh trước khi ra đi mãi mãi.
GS.TS Hoàng Văn Minh đã có một cuộc đời hết lòng vì người bệnh, tận tâm với học trò, nhân ái với mọi người, làm việc hết mình phục vụ sức khỏe nhân dân.