Tháng 3 Tây Nguyên

15-03-2015 08:00 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Sẽ không ai lý giải được, rằng là tại sao Tây Nguyên lại chọn tháng 3 là mùa đẹp nhất của mình.

Sẽ không ai lý giải được, rằng là tại sao Tây Nguyên lại chọn tháng 3 là mùa đẹp nhất của mình. Và cũng sẽ chịu nếu chẻ hoe ra rằng tại sao lại là tháng 3 mà không là các tháng khác, để những gì tinh túy nhất của Tây Nguyên dồn về đấy.

Nó là vẻ đẹp tinh khiết của đất trời, của tự nhiên, cái vẻ đẹp không trau chuốt, vờn tỉa, nó cứ bừng lên, thanh tân lên, cứ văn vắt xanh, nồng nàn trắng và rỡ ràng vàng nắng trên nền bazan như một phối màu tuyệt hảo để dựng nên một tuyệt tác thiên nhiên khiến con người phải ngẩn ngơ mà tự thấy mình đã vô cùng may mắn được lạc vào bức tranh thiên tạo tuyệt sắc ấy.

Tây Nguyên mùa lễ hội.

Nhưng nó còn là sự dồn tụ của các sự kiện. Trọn trong tháng 3 năm 75 ấy, một loạt các tỉnh ở Tây Nguyên được giải phóng. Không chỉ là sự giải phóng đơn thuần, mà nó mở đầu cho Đại chiến dịch Hồ Chí Minh để kết thúc chiến tranh, Bắc Nam thống nhất. Có sự liên kết nào chăng giữa cái nồng nã tháng 3 tự nhiên với những sự kiện cũng tháng 3 do con người tạo ra. Có một đoạn thơ như thế này ra đời từ đầu những năm 80 thế kỷ trước:

Tháng 3 mùa xuân chở mây trôi trên sông

ai thả tơ rưng vờn mặt nước

tháng 3 núi xanh như câu hát

tiếng chiêng lay mặt trời sáng đêm

Tháng 3 đẹp như thơ

mà cháy lòng người đến thế

những sư đoàn áo xanh màu cỏ

thắp lên tháng 3 bằng lửa trái tim mình…

Những sư đoàn áo xanh màu cỏ ấy, giờ đang là chủ nhân ông của tháng 3 này.

Chỉ riêng Gia Lai, một thành phố, 2 thị xã và hàng loạt trung tâm huyện thị, xã phường… xuất hiện từ sau cái tháng 3 năm 75 ấy, mở ra một diện mạo vô cùng mới cho Gia Lai phát triển. Chỉ cần so sánh tháng 3 của mươi năm trước với tháng 3 này ta sẽ thấy sự thay đổi là vô cùng lớn.

Hôm kia, ngồi với nhà giáo Trần Hoàng - giảng viên Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, ông nói mỗi năm ông không về Pleiku được ít nhất một lần là ông rất khó chịu. Ông cũng kể rằng biết chuyện tôi đã từng vài lần có điều kiện để về những thành phố tốt hơn, nhưng rồi đã không về, vẫn cứ bám trụ lại đây, như một định mệnh, như duyên nợ…

Rất nhiều người có tuổi, từng sống ở Pleiku, giờ luôn luôn có dịp là “ký ức” lại, là tìm mọi cách để về lại, như về với chính mình, với những gì tốt đẹp nhất mà mình đã trải qua, dù sự tốt đẹp ấy có thể không song hành với những tiện nghi, điều kiện sống thuận lợi một thời. Thậm chí những gì họ đã trải qua là vô cùng khó khăn vất vả, nhưng có lẽ vì thế chăng mà giờ đây nó trở thành dịu ngọt. Sự dịu ngọt được chưng cất từ sự từng trải, từ những tháng ngày gian khó và sự vượt gian khó để tồn tại và trưởng thành. Họ thương và quý một thời của họ, của nơi họ đã sống…

Tôi không dây mơ rễ má gì Gia Lai, cũng không phải bị bắt lên đây công tác, mà là sự tự nguyện, sự dấn thân vô tư của tuổi trẻ một thời, để giờ trở thành công dân ở đây đã gần 40 năm và như phần đông bạn bè nhận xét: có thể tôi sẽ gắn bó trọn đời với nơi đây. Bởi chính nơi đây tôi đã có những ngày vô cùng vất vả khó khăn nhưng lại cũng ngọt ngào nhất. Nó trở thành nỗi nhớ ngay từ khi chưa chia xa, thành ký ức ngay khi mình đang sống, thành kỷ niệm ngay lúc mình đang quay quắt tồn tại. Sự nặng nợ xuất phát từ chính những tháng ngày hết mình, sống không vô nghĩa, sống để chứng tỏ mình tồn tại, sống để không bị lãng quên, sống để mình có ích…

Và tôi phát hiện, mảnh đất này, rất nhiều người nổi tiếng đã từng sống, từng có thời gian dài là công dân. Và họ tự hào về điều ấy, họ coi những ngày ở đất này là những ngày đáng nhớ. Họ găm vào ký ức những tươi non mưng mở của những ngày tháng Pleiku hào hoa và vất vả, ám ảnh và hoài niệm, đột nhiên và bất biến… để giờ, mỗi lần về lại, nhớ lại hoặc chỉ là viết ra…, họ coi đấy là những tháng ngày vừa thiêng liêng vừa gần gụi ấm cúng, vừa ngưng tụ vừa tan chảy…

Nhưng cũng từ đất này, hiện nay, bao nhiêu thanh niên ưu tú đã ra đi, đa phần là xuôi Nam, vào TP. Hồ Chí Minh. Những thanh niên giỏi nhất của đất này vào đấy học, rồi ở lại. Chỉ còn lại đây những người già, như tôi, như bạn tôi, như các bậc đàn chú đàn anh của tôi, sống với ký ức, với yêu thương nhưng bất lực trước những mới mẻ, trước những sức bật trẻ và mới, trước những đòi hỏi khắc nghiệt và chính đáng của ngày hôm nay.

Có lần tôi đã trình bày với một lãnh đạo chủ chốt của tỉnh rằng, chúng ta cần phải có chính sách thế nào để các cháu sinh viên, đặc biệt là sinh viên giỏi, ra trường quay lại Gia Lai công tác, chứ nếu không, Gia Lai chỉ còn toàn những người già, cũ. Môi trường thông thoáng của TP. Hồ Chí Minh, của các tỉnh phía Nam đã hút hết nhân lực giỏi về họ. Và ngay Đà Nẵng gần ta đây thôi, với chính sách thu hút nhân tài thứ thiệt, chứ không phải chỉ trên giấy tờ và trong… nghị quyết, rất nhiều trí thức giỏi đã về với họ. Và chính họ, đã là những nhân tố giúp cho Đà Nẵng trở thành “thành phố đáng sống” như hôm nay.

Và cũng cần chính sách như thế nào đó với những người đã một đời cống hiến và gắn bó ở mảnh đất này. Để họ không thấy bị bỏ rơi. Những người đã ra đi, họ có điều kiện để trở về, để hoài niệm, để xúc động. Còn những người đã gắn bó cả đời với mảnh đất này, họ có chỗ nào để gửi ký ức?...

Đã lâu rồi không nghe lại bài hát Tháng  3 Tây Nguyên của Văn Thắng và Thân Như Thơ. Nhân tháng 3 này, bạn thử nghe lại đi. Ta không chỉ thấy sự hào hùng một thuở mà ta nghe được cả những vang vọng của ngày mai, những ngày mai khởi nguồn từ cái tháng 3 lâng lâng như rượu này…

Nhưng không phải những tháng 3 như thế tự đến. Nó là máu, là nước mắt, là sự hy sinh, là những đau đớn và cả những sai lầm ngộ nhận một thời, là những bi kịch của kiếp người, những lặng lẽ khuất lấp cam chịu bên cạnh những hiển lộ tưng bừng, là rất nhiều những mảng màu đối lập, là những nỗi đau không thể bù đắp… biết bao cuộc đời, biết bao số phận, biết bao những điều chưa biết, những điều không biết. Rừng xanh thăm thẳm kia, còn bao nhiêu linh hồn liệt sĩ chưa trở về…

Những tháng 3, vì thế, không lặng lẽ bao giờ…

Bài, ảnh: Văn Công Hùng

 

 


Ý kiến của bạn