Hà Nội

“Thần y” tự xưng trên mạng, một thứ rác thông tin độc hại

02-04-2021 08:24 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thời gian gần đây, trên kênh YouTube tràn lan kiểu quảng cáo của các thần y tự xưng: “nhà tôi 3 đời” chữa sỏi thận, thoái hóa xương khớp, xuất tinh sớm, ung thư... như một thứ virus tràn lan gây phiền toái cho nhiều người.

Đặc biệt, đã có nhiều trường hợp cả tin, tin vào những nội dung quảng cáo xấu độc này dẫn đến những sự việc đáng tiếc “tiền mất, tật mang”.

Trước vấn đề này, các chuyên gia y tế đã  thể hiện quan điểm phê phán mạnh mẽ, coi đó như một thứ rác thông tin độc hại cần phải xóa bỏ ngay.

Nhiều người nguy kịch vì thuốc “nhà tôi 3 đời...”

Rất nhiều người cảm thấy khó chịu vì bị làm phiền, thậm chí nó trở thành nỗi ám ảnh của hầu hết mọi người đến mức câu “nhà tôi 3 đời” trở thành câu cửa miệng trêu đùa hằng ngày của nhiều người. Không ít vị phụ huynh bức xúc trước những quảng cáo này và bày tỏ quan điểm: “Tôi đang xem video trên YouTube thì tự nhiên có giọng nói thều thào như phim ma “nhà tôi 3 đời chữa...,”. Còn có nhà sư không biết sư thật hay sư fake khuyên người tiểu đường không được uống thuốc Tây... Con tôi 2 tuổi đang xem hoạt hình thì tự nhiên có quảng các chữa xuất tinh sớm... Tôi cảm thấy quảng cáo trên YouTube bây giờ quá độc hại”.

Đã có nhiều trường hợp tin vào những nội dung quảng cáo xấu độc này dẫn đến những sự việc đáng tiếc. Điển hình một trường hợp ở Hà Nội, vì muốn sinh con trai, một cô gái 25 tuổi đã tự mua thuốc nam không rõ nguồn gốc về uống vì tin có hiệu quả. 20 ngày sau, bệnh nhân đau bụng dữ dội, men gan tăng gấp nhiều lần và phải nhập viện cấp cứu tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

“Thần y” tự xưng trên mạng, một thứ rác thông tin độc hạiTrên mạng xã hội tràn lan quảng cáo của các “thần y” tự xưng, với nội dung quảng cáo xấu độc...

Bài thuốc gia truyền phải được công nhận theo Quyết định của Bộ Y tế - Không phải hội viên nào của Hội Đông y cũng được phép hành nghề

Trao đổi với PV báo Sức khỏe&Đời sống, TTND. BS. cao cấp Trần Văn Bản  - nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho rằng: Lâu nay, người Việt vẫn sử dụng các kinh nghiệm dân gian để chữa các bệnh thông thường như: xông cảm, đau bụng lấy gừng nướng ăn, cảm cúm, kiết lỵ, tiêu chảy... Tuy nhiên đây chỉ là các vị thuốc dân gian chứ không phải bài thuốc gia truyền và người lấy các cây thuốc này cho người ốm uống cũng không phải lương y. Nhiều người thường ngộ nhận, nhầm lẫn giữa kinh nghiệm dùng vị thuốc dân gian với bài thuốc gia truyền.

TTND Trần Văn Bản cho biết: Kinh nghiệm chữa bệnh dân gian và bài thuốc gia truyền chữa bệnh là rất khác biệt. “Đã là bài thuốc gia truyền thì phải có tác dụng chữa bệnh thật sự và được trải nghiệm qua nhiều đời. Bộ Y tế đã có quy định về việc công nhận bài thuốc gia truyền”.

“Việc có nhiều người tự xưng là lương y, có bài thuốc gia truyền nhiều năm, 3 đời, 7 đời, thậm chí là mười mấy đời... là điều không đúng vì các bài thuốc này chưa được kiểm chứng, công nhận của các cơ quan chức năng” - ông Bản chỉ rõ.

Việc công nhận bài thuốc gia truyền, theo Quyết định số 039/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành quy chế xét duyệt cấp “Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền”. Theo đó, người có bài thuốc gia truyền sẽ được Sở Y tế tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương cấp cho người có đủ các điều kiện  được công nhận là bài thuốc gia truyền. “Bài thuốc gia truyền” là bài thuốc kinh nghiệm lâu đời của dòng tộc, gia đình truyền lại, có hiệu quả điều trị với một bệnh nhất định, có tiếng trong vùng, được nhân dân tín nhiệm, được Hội Đông y và y tế xã/phường/thị trấn sở tại và Sở Y tế công nhận.

Theo ông Bản, không phải hội viên nào của Hội Đông y cũng được phép hành nghề. Các lương y muốn hành nghề phải có giấy phép hành nghề được sự công nhận của Bộ Y tế hoặc Sở Y tế địa phương mà lương y đó hoạt động. Người có bài thuốc gia truyền và người được khám chữa bệnh bằng phương pháp Đông y cũng phải cấp phép thì mới được thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh hoặc bán thuốc.

Ông Bản cũng đưa ra ý kiến về vấn đề quảng cáo: Các video quảng cáo phát trên YouTube là những quảng cáo tự phát, không chính thống. Nội dung các video quảng cáo này chưa được công nhận hợp chuẩn theo quy định của pháp luật. Phạm vi quảng cáo cũng chưa được xác minh có đúng với giấy phép hành nghề của lương y hay không? Các bài thuốc gia truyền cũng chưa được kiểm chứng có đúng sự thật là bài thuốc gia truyền nhiều đời hay không?

Bà con không nên mua thuốc và sử dụng các loại thuốc rao bán trên YouTube để rồi “tiền mất tật mang” - ông Bản đưa ra khuyến cáo.

“Thần y” tự xưng trên mạng, một thứ rác thông tin độc hạiTS. Ngô Đức Phương - Viện trưởng Viện Thuốc nam (người ngồi giữa) hướng dẫn nhận biết cây thuốc cho các sinh viên khoa dược.

“Thần thánh hóa dược liệu tới mức nực cười”

Bày tỏ quan điểm về những video quảng cáo chữa bệnh xương khớp rao trên YouTube: “Bà con ai bị đau xương khớp, tới đây tôi chữa khỏi hết...”, TS. Ngô Đức Phương - Viện trưởng Viện Thuốc nam, từng công tác nhiều năm tại Viện Dược liệu TW - Bộ Y tế cho biết, xương khớp đã thoái hóa thì không thể chữa khỏi. Các bài thuốc nam chỉ có thể hỗ trợ giảm đau và chỉ hồi phục xương khớp ở một mức độ rất nhỏ. Điều quan trọng là phải vừa uống thuốc, vừa kết hợp chế độ dinh dưỡng, tập luyện thì mới duy trì được hệ xương khớp không bị thoái hóa nhanh chóng chứ không thể chữa khỏi hay hồi phục được.

Theo TS. Phương, sử dụng cây thuốc không đơn giản như ăn rau hằng ngày và không thể tùy tiện sử dụng. Chất lượng dược liệu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: giống, thổ nhưỡng, khí hậu, quá trình chăm bón, canh tác, thu hái, sản xuất đạt tiêu chuẩn.

TS.Phương chia sẻ: “Nếu người thầy thuốc không thực hiện đúng các khâu sơ chế làm sạch, loại bỏ độc tố ở một số loài cây sẽ có thể dẫn tới ngộ độc dược liệu cho người bệnh... Việc phối hợp bài thuốc rất quan trọng. Phải tùy từng người với từng loại bệnh cụ thể sẽ có bài thuốc với các hàm lượng thuốc khác nhau mới đem lại hiệu quả cao. Không thể bốc thuốc theo kiểu cảm tính, bệnh nặng nắm to, bệnh nhẹ nắm nhỏ được”.

>> Xem thêm: Chủ tịch Hội Đông y VN sửng sốt với các quảng cáo “nhà tôi 3 đời…”

Lại thêm cụ bà cấp cứu vì tin theo đông y truyền miệng

Nóng: Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra, xử lý tình trạng loạn "thần y" tự xưng trên mạng xã hội

Ngăn cản chữa bệnh theo "nhà tôi 3 đời", bố mẹ mắng con cái "vô tâm, tiếc tiền"

“Nhà tôi 3 đời chữa khỏi bệnh…” dưới góc nhìn bác sĩ

Tin theo quảng cáo "Nhà tôi 3 đời bán thuốc nam", nhiều người suy gan, thận


Thanh Loan
Ý kiến của bạn
Tags: