Hà Nội

Thận ứ nước: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

14-11-2024 06:35 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Thận ứ nước là một trong những tình trạng bệnh lý của hệ tiết niệu có thể xảy ra ở nhiều nhóm đối tượng khác nhau từ thai nhi, trẻ em cho đến người lớn. Trường hợp thận ứ nước kéo dài có khả năng dẫn đến những biến chứng khác như tăng huyết áp, thiếu máu, suy thận,...

1. Thế nào là tình trạng thận ứ nước?

Thận ứ nước là tình trạng tắc nghẽn của đường dẫn niệu, làm tích tụ nước tiểu trong các đài bể thận khiến thận giãn to. Hệ tiết niệu của một người bao gồm các cơ quan như thận, niệu quản, niệu đạo, bàng quang,... phối hợp hoạt động một cách nhịp nhàng. 

Vậy nên, bất kể một vị trí nào xảy ra tình trạng tắc nghẽn đều có thể khiến nước tiểu bị tích lũy lại trong thận. 

Thận ứ nước có thể xảy ra đột ngột hoặc mạn tính ở một phần hoặc toàn bộ đường dẫn niệu một bên hoặc cả 2 bên thận.

2. Nguyên nhân khiến thận ứ nước

  • Ống niệu đạo, lỗ niệu đạo hẹp là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng một hoặc hai bên thận có hiện tượng ứ nước. Một số trường hợp bệnh nhân từng phẫu thuật đường tiểu để lại sẹo cũng có thể gây nên tình trạng nước tiểu ứ đọng trong thận.
  • Người bệnh mắc các tình trạng bệnh lý ở hệ tiết niệu như sỏi đường tiểu, trào ngược bàng quang - niệu đạo, viêm đường tiết niệu,...
  • Người có khối u gây chèn ép đường tiểu hoặc phụ nữ bị ung thư cổ tử cung, mang thai, sa tử cung hoặc nam giới ung thư tuyến tiền liệt cũng được xem là nguyên nhân gây ra hiện tượng thận ứ nước.
  • Người có các dị tật bẩm sinh xảy ra ở đường tiết niệu là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc nghẽn và tích lũy nước tiểu lại ở thận đối với thai nhi.
  • Sa sàn chậu: Sa tử cung hoặc sa bàng quang là tình trạng tử cung và bàng quang chùng xuống hoặc trượt ra khỏi vị trí bình thường. Người bệnh nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến thận ứ nước.
  • Người bị tổn thương thần kinh, cơ bàng quang do sử dụng thuốc (kháng cholinergic), tai biến mạch máu não hoặc chấn thương tủy sống cũng có nguy cơ gặp tình trạng thận ứ nước.
  • Ngoài ra, thói quen sinh hoạt không lành mạnh, thường xuyên nhịn tiểu, uống nhiều rượu, bia, lạm dụng thuốc Tây,... cũng có nguy cơ gây nên tình trạng thận ứ nước.
Thận ứ nước: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị- Ảnh 1.

Người bệnh mắc các tình trạng bệnh lý ở hệ tiết niệu như sỏi đường tiểu, trào ngược bàng quang - niệu đạo, viêm đường tiết niệu có nguy cơ bị thận ứ nước.

3. Biểu hiện của bệnh thận ứ nước

Rối loạn tiểu tiện là triệu chứng phổ biến khi mà hệ tiết niệu gặp vấn đề bao gồm cả tình trạng nước tiểu bị đọng lại trong thận.

  • Cảm giác buồn tiểu khiến người bệnh đi vệ sinh liên tục, đặc biệt, vào ban đêm người bị bệnh sẽ đi tiểu nhiều lần hơn nhưng lượng nước tiểu rất ít và màu đục.
  • Mỗi khi đi tiểu, người bệnh có cảm giác đau buốt, rát, tiểu dắt. Một số người còn nhịn tiểu để bớt cảm giác đau sau khi đi vệ sinh. Ở cấp độ nặng, trong nước tiểu đôi khi có lẫn máu.
  • Người bệnh thường xuyên thấy đau tức vùng thắt lưng, hai bên hông. Nhiều người có cảm giác đau vùng bụng theo từng cơn hoặc quặn lại. Cơn đau thường kèm theo biểu hiện buồn nôn, nôn, vã mồ hôi. Các cơn đau và biểu hiện của bệnh tăng dần.
  • Bác sĩ khuyến cáo, khi thấy cơ thể có những biểu hiện lạ thì cần nhanh chóng đến cơ sở y tế chất lượng để kiểm tra.

4. Thận ứ nước có nguy hiểm không?

Thận ứ nước là một trong những tình trạng bệnh lý của hệ tiết niệu có thể xảy ra ở nhiều nhóm đối tượng khác nhau từ thai nhi, trẻ em cho đến người lớn. Mặc dù tình trạng này có thể điều trị dứt điểm, tuy nhiên, không ít trường hợp thận tích nước trong thời gian dài dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Trường hợp thận ứ nước kéo dài có khả năng dẫn đến những biến chứng khác như tăng huyết áp, thiếu máu, suy thận,...

5. Phân cấp nặng nhẹ của bệnh thận ứ nước như thế nào?

Thận ứ nước: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị- Ảnh 2.

Bệnh thận ứ nước phân làm các cấp độ.

Bệnh thận ứ nước phân làm 5 cấp độ:

  • Thận ứ nước độ 0: thận không giãn nở, thành đài thận sát nhau.
  • Thận ứ nước độ 1: giãn nở đài thận, không teo nhu mô.
  • Thận ứ nước độ 2: giãn nở khung chậu nhẹ và đài thận. Không theo nhu mô.
  • Thận ứ nước độ 3: bể thận và đài thận giãn nở. Làm cùn các vòm, phẳng các nhú và có mỏng vỏ não nhẹ.
  • Thận ứ nước độ 4: xương chậu và đài thận giãn nở, mất ranh giới và teo thận.

6. Bệnh thận ứ nước có lây nhiễm không?

Thận ứ nước là một bệnh lý có tác nhân từ các thương tổn, di truyền nên, bệnh này không lây nhiễm từ người sang người.

7. Phương pháp điều trị bệnh thận ứ nước

Tùy vào nguyên nhân và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh nhân. Mục tiêu của quá trình điều trị là tạo đường thông cho hệ tiết niệu.

Thận ứ nước: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị- Ảnh 3.

Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân nên tìm đến cơ sở y tế để được điều trị sớm nếu có các triệu chứng bệnh.

  • Trường hợp sỏi đường tiết niệu dẫn đến tắc nghẽn ống dẫn nước tiểu có kích thước nhỏ thường sẽ được chỉ định thực hiện tán sỏi bằng tia laser.
  • Các loại thuốc có tác dụng cải thiện triệu chứng như kháng sinh, giảm đau, chống nôn,... được chỉ định để giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng. Nhưng thuốc không có tác dụng điều trị triệt để mà chỉ hạn chế mức độ nặng hơn và ngăn ngừa tình trạng suy giảm chức năng của thận.
  • Đặt ống thông đường tiểu được áp dụng cho những trường hợp hẹp niệu đạo để giúp nước tiểu thoát ra ngoài, giảm tình trạng căng tức của thận. Nếu ống tiết niệu có sẹo do nguyên nhân nào đó, bác sĩ có thể đặt stent để nới rộng đường thoát nước tiểu.
  • Phẫu thuật để cắt bỏ hoặc lấy sỏi ra khỏi đường tiết niệu khi thận phình to và gây ra những cơn đau đớn dữ dội. Ngoài ra, trường hợp khối u hình thành dẫn đến tắc nghẽn đường tiểu, bác sĩ cũng có thể chỉ định phẫu thuật loại bỏ để thông ống dẫn.
Cách phát hiện sớm thận ứ nướcCách phát hiện sớm thận ứ nước

SKĐS - Thận ứ nước là tổn thương làm cho thận bị giãn và sưng to. Ứ nước có thể chỉ ở một bên thận hoặc ở cả hai bên. Bệnh có thể gây suy giảm chức năng thận, gây tổn thương cấu trúc tế bào thận.



BS. Trần Thanh Tình
Trưởng Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực, BV Đa khoa Bắc Quảng Bình.
Ý kiến của bạn