Hà Nội

Thần tượng của Hitler hay điệp viên của Liên Xô?

08-05-2012 13:08 | Văn hóa – Giải trí
google news

Olga Knipper-Chekhova, cháu vợ của văn hào Nga Anton Chekhov, có nhiều ưu điểm: xinh đẹp, thông minh, có tài năng diễn xuất. Năm 1921, Olga lên đường sang Đức làm phim.

Olga Knipper-Chekhova, cháu vợ của văn hào Nga Anton Chekhov, có nhiều ưu điểm: xinh đẹp, thông minh, có tài năng diễn xuất. Năm 1921, Olga lên đường sang Đức làm phim.

Nhưng rồi ở Đức, Đảng Đức quốc xã lên cầm quyền và cô gái mang họ Nga bỗng nhiên trở thành... “nữ diễn viên quốc gia” của nước Đức và thần tượng của Hitler. Chính Olga kể về cuộc gặp gỡ đầu tiên của mình với Quốc trưởng như sau: “Ấn tượng đầu tiên của tôi về Hitler là một con người rụt rè, vụng về, cư xử với phụ nữ lịch thiệp theo kiểu Áo. Thật kỳ lạ, hầu như không thể hình dung nổi sự biến hoá của ông ta từ một người nói năng nhàm chán thành một kẻ xúi giục đầy mê hoặc khi đứng trước đám đông”.

Có tin đồn Olga Chekhova gắn bó với Hitler không chỉ bằng tình bạn, mặc dù bản thân nữ diễn viên phủ nhận điều đó và tỏ ra giận dữ nếu ai đó hỏi bà như vậy. Đạo diễn bộ phim về bà, R. Atamalibekov nói: Những tài liệu mà tôi đã được đọc và xem nói lên rằng Hitler có thiện cảm với Chekhova như một nghệ sĩ. Bà là một phụ nữ rất xinh đẹp, nổi tiếng và được giới đàn ông mến mộ. Nhưng có hai người không thích bà - đó là Himmler và Goebbels.  - Bà tỏ ra hết sức trung thành với chế độ Đức quốc xã. Hơn nữa, bà đã rời nước Nga  trong những năm 1920. Nhưng dù sao Himmler vẫn nghi ngờ bà.

 Olga Chekhova.

Mùa xuân năm 1945, Heinrich Himmler cho rằng Olga rốt cuộc đã “trở nên quá đáng” và đã đến lúc phải hành động. Vào một buổi sáng đẹp trời, y cùng đám vệ sĩ đến gõ cửa phòng bà. Nữ chủ nhân lịch thiệp mời các vị khách vào nhà. Himmler bước qua cửa phòng khách và đứng chết lặng. Trong ghế bành, Hitler đang ngồi uống cà phê... Himmler xin lỗi và rút lui.

Ở Đức, không có lời buộc tội chính thức nào đối với Olga Chekhova. Nhưng nhiều người nói sau lưng rằng “nữ diễn viên quốc gia” của họ là gián điệp của Liên Xô. Bản thân Olga Chekhova không một lần nói về chủ đề này. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử tình báo khẳng định rằng Olga Chekhova là một điệp viên siêu hạng làm việc cho Dân ủy nội vụ Liên Xô, cung cấp những thông tin mang tính quyết định đến đường lối quốc gia. Tháng 10/1992, tờ báo Anh Daily Mail và tờ báo Mỹ Boston Globe đăng những thông tin rằng vào những năm 20, tại Berlin có một nhóm tình báo Liên Xô hoạt động, trong đó có Olga Chekhova.

Nhiều sự kiện khẳng định giả thuyết đó. Trước khi lên đường tới Đức, theo lời đồn, Olga Chekhova được Cục chính trị quốc gia thống nhất triệu tập lên để “tư vấn”. Trong cuốn sách Cha tôi - Beria Lavrenti, Sergo Beria, con trai của trùm đặc vụ  Liên Xô dưới thời Stalin viết: “Olga Chekhova đã nhiều năm hợp tác với cha tôi. Vào khoảng năm 1942, đã có kế hoạch ám sát Hitler với sự giúp đỡ của Olga”. Sau khi tiến vào Berlin, các sĩ quan hồng quân Liên Xô đã bắt giữ Olga Chekhova và đưa về Moskva. Olga bị hỏi cung tại nhà tù  của Dân ủy nội vụ. Người ta nói rằng Beria đích thân hỏi cung bà.

“Olga Chekhova bị hỏi cung, sau đó được thả ra - phải chăng điều đó không nói lên rằng bà là điệp viên của Dân ủy nội vụ - đạo diễn R. Atamalibekov kết luận - Bởi thời đó, biết bao người vô tội bị bắn chết chỉ vì một nghi vấn nhỏ. Trong khi một kẻ vốn là thần tượng của Hitler bỗng nhiên bị bắt và được trả lại tự do. Rất kỳ lạ!”. Cũng vào năm 1945, Olga Chekhova trở về Đức một cách trót lọt. Tuy nhiên, người ta không tìm thấy một văn bản chính thức nào nói về sự cộng tác của bà với Ủy ban an ninh quốc gia LB Xô Viết (KGB).

Sống ở nước ngoài, Olga Chekhova luôn luôn mơ ước trở về Tổ quốc. Năm 1955, bà mở tại Đức một salon lớn nổi tiếng khắp châu Âu về mỹ phẩm và sống nhờ lợi nhuận của công ty này cho đến lúc qua đời ở tuổi 83.

            Trần Hậu (Theo AIF)


Ý kiến của bạn