Thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ trước khi thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

03-11-2023 16:23 | Thời sự

SKĐS - Phát biểu tại nghị trường Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ĐBQH bày tỏ quan điểm, dự thảo luật cần được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, thận trọng, đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Quyết tâm cao nhất để hoàn thiện dự thảo luật

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 3/11, ĐBQH Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho biết, thông qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp cũng như dư luận xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp đang mong chờ Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành. Với những cải cách mạnh mẽ, những chính sách ưu việt trong dự thảo lần này đã tạo ra sự mong đợi rất lớn từ phía cử tri.

Bà Trần Thị Vân cho biết, theo kế hoạch Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được thông qua cùng với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sẽ tạo ra đòn bẩy đối với sự hồi phục của thị trường bất động sản cũng như tăng trưởng kinh tế.

Thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ trước khi thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh 1.

ĐBQH Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh.

"Mặc dù, trong kỳ họp này khối lượng các dự thảo luật xin ý kiến rất lớn. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm của các ĐBQH tích cực nghiên cứu, đóng góp ý kiến, cũng như Ban soạn thảo tập trung khẩn trương để tiếp thu, với tinh thần và quyết tâm cao nhất để làm sao hoàn thiện được dự thảo luật đảm bảo chất lượng để sớm được thông qua", bà Trần Thị Vân nói.

ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, theo dõi và nghiên cứu cho thấy, với tính chất của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, tác động lớn đến đời sống nhân dân và các hoạt động phát triển KT-XH. Nội dung của dự án luật có liên quan chặt chẽ đến nhiều luật khác, nhất là các luật đang trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Do vậy, đại biểu cho rằng, dự thảo luật cần được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, thận trọng, đảm bảo chất lượng tốt nhất. Song cũng rất cần phải được xem xét thông qua kịp thời để đảm bảo hoàn thiện thể chế pháp luật về đất đai cũng như các lĩnh vực có liên quan và nhất là đáp ứng được yêu cầu rất cấp thiết của thực tiễn.

Thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ trước khi thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh 2.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang.

ĐBQH Trần Văn Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đánh giá cao Ban soạn thảo đã thể hiện tinh thần cầu thị, nghiên cứu, tiếp thu khá đầy đủ các ý kiến tham gia để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình kỳ họp lần này.

Đại biểu đề nghị Quốc hội tiếp tục thảo luận, xem xét thông qua dự thảo luật một cách thận trọng, song cũng phải hết sức khẩn trương để giải quyết càng sớm càng tốt những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra bởi những bất cập của Luật Đất đai hiện hành. Đồng thời, tránh những khó khăn phát sinh do tâm lý chờ đợi Luật Đất đai (sửa đổi) ban hành bảo đảm đồng bộ với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các luật liên quan.

Cần thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Duy Minh – Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng cho rằng, dự thảo luật lần này đã tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội tại các kỳ họp trước. Tuy nhiên, đại biểu thấy còn nhiều nội dung nhiều phương án khác nhau chưa thống nhất như trong báo cáo của UBTVQH. Do đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội cần thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thông qua dự án luật này.

ĐBQH Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông bày tỏ quan điểm, có một số đại biểu cho rằng đây là dự án luật rất cấp bách. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo luật và báo cáo giải trình, tiếp thu của UBTVQH, đại biểu hoàn toàn đồng ý với ý kiến nhận định của UBTVQH: "Theo đó, cho đến nay nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu. Trong quá trình rà soát, tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới còn ý kiến khác nhau do phạm vi của dự án Luật Đất đai rất quan trọng, liên quan mật thiết chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác".

Thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ trước khi thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông.

"Với nhận định như thế này và với dự thảo luật rất nhiều phương án trình ra Quốc hội, nhiều ĐBQH đăng ký phát biểu, tôi cho rằng cần phải rất thận trọng. Nếu chúng ta sửa đổi không nghiên cứu một cách thấu đáo sẽ dẫn đến những vướng mắc khác sau khi luật có hiệu lực", đại biểu Nguyễn Trường Giang nói.

Trước đó, phát biểu điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, qua hai kỳ họp, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã rất cố gắng, nỗ lực, dự thảo luật từng bước được hoàn thiện, nhiều nội dung quan trọng đã được thể chế hóa. Tuy nhiên, báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật còn nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu; nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau; chưa có điều kiện để rà soát kỹ các trường hợp cần có quy định chuyển tiếp.

Việc rà soát, hoàn thiện cần có thời gian, thận trọng và kỹ lưỡng. Do đó, đề nghị các vị ĐBQH thẳng thắn, trách nhiệm tham gia ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật, đánh giá chất lượng dự án luật và bày tỏ chính kiến của mình, dự án luật đã đảm bảo chất lượng để thông qua tại kỳ họp này hay chưa, phải tiếp tục được rà soát, hoàn chỉnh thêm.

"Người dân luôn cảm thấy thiệt thòi, thiếu sự đồng thuận khi bị thu hồi đất"'Người dân luôn cảm thấy thiệt thòi, thiếu sự đồng thuận khi bị thu hồi đất'

SKĐS - Sáng 3/11, tại phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ĐBQH bày tỏ quan tâm đến vấn đề thu hồi đất, định giá đất và một số nội dung quan trọng khác.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn