Làm thế nào để chủ động tránh?
Các biểu hiện của hội chứng an thần kinh ác tính
Đó là sự ức chế (làm dịu) thần kinh trung ương quá mức liên quan đến việc dùng không đúng thuốc an thần kinh. Biểu hiện của hội chứng này: có các triệu chứng đặc trưng về vận động và hành vi (cứng cơ, loạn trương lực, mất vận động, không nói, mù mờ về ý thức, kích động) rối loạn thần kinh thực vật (sốt cao, đổ nhiều mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp tăng). Có các triệu chứng cận lâm sàng (tăng bạch cầu, tăng creatininphosphokinase (CPK), tăng enzym gan, có myoglobin trong máu nước tiểu, có thể kèm suy thận). Những điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các cơ quan khác, đặc biệt là tim, hô hấp, dẫn tới tử vong với tỉ lệ rất cao dù hiện nay đã có phương tiện cấp cứu đã giảm đi nhiều (chỉ còn khoảng 10 - 20% so với 50 - 60% trước 1960).
Sốt cao, đổ nhiều mồ hôi, mạch nhanh. Ảnh minh họa
Các trường hợp xảy ra hội chứng an thần kinh ác tính
Hội chứng an thần kinh ác tính thường xảy ra khi dùng thuốc an thần kinh lớp cổ điển như: triflupromazin, levopromazin,sulpirit, mesodiazin, flufenazin, perphenazin (hiếm khi ở sultoprit); hay thuốc an thần kinh lớp mới như clozapin, quentiapin, resperidon (ít hơn ở olanzapin).
Tuy nhiên, hội chứng an thần kinh ác tính chỉ xảy ra khi dùng với liều cao, còn khi dùng với liều điều trị thích hợp cho từng giai đoạn thì khó xảy ra. Ví dụ khi bị tâm thần phân liệt dùng clopromazin ở giai đoạn nặng với liều 20 viên/ngày hay ở giai đoạn ổn định với liều 2 - 4 viên/ngày sẽ không gặp hội chứng này (viên 0,25mg). Riêng thuốc an thần kinh lớp mới clozapin thì có thể gây hội chứng an thần kinh ác tính ngay ở liều điều trị.
Hội chứng an thần kinh ác tính còn xảy ra khi dùng thuốc an thần kinh phối hợp với các thuốc ức chế thần kinh khác như: thuốc ngủ, thuốc chống động kinh, thuốc giảm đau, rượu.
Hội chứng an thần kinh ác tính còn xảy ra khi dùng thuốc an thần kinh phối hợp với các thuốc nào đó làm giảm sự chuyển hóa thuốc an thần kinh nên thuốc này tăng cao nồng độ trong cơ thể.
Người bệnh làm gì để chủ động tránh hội chứng an thần kinh ác tính?
- Người bệnh không được tùy tiện chọn thuốc mà phải điều trị theo chỉ định của thầy thuốc.
- Người bệnh phải tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc trong suốt quá trình điều trị. Một ví dụ làm rõ: khi bị cơn co giật hay cơn kích phát tâm thần phân liệt nặng, thần kinh bị kích thích quá mức (nhiễm độc), thầy thuốc thường cho liều điều trị rất cao mới đủ sức ức chế, lập lại cân bằng thần kinh (giải độc) mà không sợ tai biến. Nếu người bệnh sợ độc không dùng đúng liều này (dấu, vứt bỏ thuốc đi) thì sẽ không chữa khỏi bệnh, cơn co giật sẽ kéo dài gây tổn thương não, cơn kích phát tâm thần phân liệt sẽ dẫn đến giải thể nhân cách. Sau đợt dùng thuốc liều cao, bệnh sẽ khỏi (nếu là bệnh cấp như cơn co giật) thì sẽ ngừng thuốc hoặc bệnh ở vào trạng thái ổn định (như tâm thần phân liệt) thì chỉ cần dùng liều thấp. Lúc này thần kinh đã ở vào trạng thái cân bằng (không bị nhiễm độc) nếu người bệnh cứ tiếp tục dùng liều cao như giai đoạn đầu là dùng quá liều có thể gây ra hội chứng an thần kinh ác tính nhưng nếu không dùng liều thấp để duy trì trạng thái ổn định thì bệnh sẽ tái phát. Để tuân thủ việc hướng dẫn của thầy thuốc, người bệnh phải khám định kỳ theo hẹn. Lúc khám định kỳ, tùy theo tình trạng bệnh thầy thuốc có thể tiếp tục hay thay đổi liều điều trị.
Không được tự ý dùng thêm một loại thuốc an thần kinh khác và tuyệt đối không dùng rượu hay các sản phẩm có rượu
- Trong khi đang dùng một loại thuốc an thần kinh thì người bệnh không được tự ý dùng thêm một loại thuốc an thần kinh khác hoặc tự ý phối hợp với một loại thuốc ức chế thần kinh khác vì sự phối hợp này sẽ gây ra hội chứng an thần kinh ác tính (an thần kinh quá mức). Trong trường hợp cần thiết, thầy thuốc có thể chỉ định sự phối hợp nhưng có sự thay đổi liều, thay đổi thời điểm uống các loại thuốc để tránh cộng hợp cùng chiều tính an thần kinh gây ra hội chứng an thần kinh ác tính.
- Trong khi dùng thuốc an thần kinh tuyệt đối không dùng rượu hay các sản phẩm có rượu.
- Khi đang dùng thuốc mà phát hiện các biểu hiện của hội chứng an thần kinh ác tính (như nêu trên) nhưng chưa đầy đủ cũng cần báo cáo thầy thuốc để có xử lý ban đầu và khẩn trương đưa người bệnh về đúng tuyến trên để cấp cứu.