Nhang có tàn càng cong càng nhiều hóa chất
Đốt nhang (hương) là một văn hóa tốt đẹp ở Á Đông. Ngày Tết, nhang được dùng nhiều hơn để thắp lên bàn thờ tổ tiên, mộ, chùa... Đặc biệt trong những ngày sau Tết, nhu cầu đi lễ hội của người dân rất lớn dẫn đến lượng hương đốt cũng nhiều đột biến so với các dịp khác trong năm. Việc chọn hương như thế nào để đảm bảo sức khỏe là điều không phải ai cũng biết.
Nhang truyền thống vốn không đậu được tàn và hay ẩm mốc nếu bảo quản không đúng cách. Nhang được làm từ các loại thảo mộc trong thiên nhiên nên sản phẩm này rất gần gũi, thân thiện với con người và tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên việc sản xuất thủ công, nguyên liệu cầu kỳ... khó tạo ra số lượng lớn. Đó là chưa kể đến thị hiếu của rất đông người dân là thích nhang tàn cong và có mùi thơm càng lâu càng tốt.
Ông Hà Văn Lộc, một chuyên gia về nhang cho biết, hiện trên thị trường có loại nhang sử dụng hóa chất để tạo mùi thơm. Lợi dụng tâm lí chuộng hương cuốn tàn, nhiều sản xuất đã ngâm chân hương vào loại hóa chất độc hại có tên là Axit photphoric (H3PO4) nhằm giúp nhang cuốn tàn rất đẹp. Khi ngâm chân hương vào H3PO4, các hợp chất hữu cơ sẽ bị loại bỏ, H3PO4 sẽ kết hợp với xenlulo (thành phần chính của tre, nứa làm chân hương) tạo thành estephotphat. Sau khi phơi khô, nước sẽ bay hơi, trên chân hương sẽ chỉ còn estephotphat. Khi đốt hương, nhiệt độ sẽ làm estephotphat thăng hoa dưới dạng andihrit photphoric (P2O5) làm hương cháy nhanh hơn và kéo tàn hương có hình cong tròn.
Ngược lại, loại hương cháy đến đâu tàn rơi đến đấy thì không có hóa chất tạo tàn cong. Khi đốt, ngoài mùi thơm của hóa chất, chất keo kết dính cháy và tạo ra hai loại khí độc hại là formaldehyde và benzen. Nhang càng thơm, tàn càng cong thì lượng hoạt chất đưa vào nhang càng lớn. Chất khí này sẽ khiến người hít phải bị khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe và gây ô nhiễm môi trường.
Với những loại nhang có tàn trắng như vôi, như tuyết thường được làm bằng bột đá vôi (CaCO3) dùng trong xây dựng. Bên cạnh đó, chúng còn được tẩm acid phosphoric (H3PO4) để que nhang cuốn tàn cong đẹp sau khi cháy hết. Những loại nhang này mức độ gây hại cơ thể càng nhiều. Người già, trẻ em, người đang mang thai và người bị bệnh nền nhiều gồm cả ung thư, cần hạn chế tiếp xúc nhiều với khói nhang.
Cách chọn nhang không chứa hóa chất
Ông Hà Văn Lộc chia sẻ, để đảm bảo cho sức khỏe bản thân, cả gia đình, trước tiên cần thay đổi quan niệm nhang hương cong, đậu tàn mới mang đến tài lộc. Bởi thắp hương là thể hiện tấm lòng thành, bạn nên lựa chọn nhang sạch tự nhiên với các tiêu chí như nguyên liệu tự nhiên từ bột hương, chân tăm, keo kết dính, nhang rụng tàn, không đậu tàn, không cuốn tàn, khói hương ít, mỏng, không trắng đục, mùi hương dịu nhẹ tự nhiên, đặc trưng của nguyên liệu, khi đốt bắt lửa chậm, hương cháy từ từ.
Mỗi ban thờ chỉ cần đốt một cây nhang là được, thay vì phải 3 cây hay chục cây hay cả bó. Không nên đốt loại nhang lớn. Không cắm nhang trực tiếp vào đồ ăn vì sẽ làm tàn nhang rơi vào đồ ăn và phần màu nhuộm tại chân nhang thấm đồ ăn...
Theo PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, không chỉ là một loại hương thắp mà phải tạo ra không gian ấm cúng, trang nghiêm và an toàn trong nhà. Do đó người dùng nên chọn loại hương có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên. Ví dụ các loại hương truyền thống, sử dụng nguyên liệu hoàn toàn là các chất tự nhiên, không có hóa chất tạo tàn hay tạo mùi. Hoặc có thể chọn các loại nhang làm từ cây cỏ chứa tinh dầu bởi không giống như các loại nhang khác, làm cay mắt và rất khó chịu thì loại nhang này giúp an thần, sảng khoái.
Theo chuyên gia, muốn biết nhang thắp có dùng keo kết dính hay không, chỉ cần cho vào nước. Nhang dùng keo sẽ không tan ra và rất lâu mới thấm nước. Còn nhang sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên, khi cho vào nước sẽ tan ra nhanh chóng.
Người mua cần nhận dạng nhang sản xuất bằng thảo mộc theo cảm quan như nhang phải có mùi thơm đặc trưng, cháy đượm lâu, vị hương êm dịu, không gắt, không cay mắt... Nên chọn nhang có màu vàng sậm tự nhiên, bởi đây là màu của bột thảo mộc. Không chọn loại nhang có màu vàng óng vì đó thường là nhang nhuộm hóa chất để tạo màu.
Nên lựa chọn các loại nhang làm từ nguyên liệu tự nhiên bởi bất kỳ thành phần hóa chất xuất hiện đều khiến khói nhang tác động xấu đến sức khỏe người hít khói. Nếu thích nhang thơm, hạn chế sử dụng nhang tẩm các loại hóa chất tạo mùi hương công nghiệp mà hãy chọn những loại nhang được tẩm tinh dầu thiên nhiên, hương thơm nhẹ hiện được bày bán khá nhiều trên thị trường.
Chuyên gia cảnh báo, khói nhang cũng có thể gây kích ứng mắt và da, đặc biệt đối với những người da nhạy cảm. Gây kích ứng niêm mạc mũi mạnh làm hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mũi, nhức mũi, nghẹt mũi, thậm chí chảy máu mũi. Đây là biểu hiện của viêm mũi xoang cấp và mãn tính. Ngoài ra, còn dễ gây viêm họng - thanh quản cấp tính. Do đó trong mùa lễ hội du xuân, cần biết cách bảo vệ sức khỏe khi đến các nơi đình chùa, miếu mạo.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dự báo thời tiết sáng ngày 16/2: Kết thúc nắng ấm, miền Bắc đón không khí lạnh, chuyển mưa rét / |SKĐS