Hỏi: Xin cho biết cây ba đậu được dùng làm thuốc như thế nào?
(Lê Thanh Nam - Thái Nguyên)
Trả lời: Còn gọi là mắc vát, cóng khói, bã đậu, giang tử, mãnh tử nhân, lão dương tử, ba nhân, mần để, cây đết, phổn (hòa bình).
Tên khoa học Croton tiglium L.,
Thuộc họ Thầu dầu Euphorbiaceae.
Cây ba đậu cho ta các vị thuốc sau đây:
- Hạt ba đậu (Semen Tiglii) là hạt ba đậu phơi khô.
- Dầu ba đậu (Oleum Tiglii) là dầu ép từ hạt ba đậu.
- Ba đậu sương là hạt ba đậu sau khi đã ép hết dầu đi rồi.
Vì vị thuốc giống hạt đậu, lại sản xuất ở Ba Thục (vùng Tứ Xuyên, Trung Quốc hiện nay) do đó có tên này.
Mô tả cây
Ba đậu là một cây nhỡ cao 3 - 6m cành nhẵn. Lá mọc so le nguyên hình trứng đầu nhọn mép có răng cưa nhỏ, dài 6 - 8cm, rộng 4 - 5cm, cuống nhỏ dài 1 - 2cm. Trông toàn cây thường thấy một số lá màu đỏ nâu làm cho cây dễ nhận. Hoa mọc thành chùm dài 10 - 20cm, ở đầu cành, hoa cái ở phía dưới, hoa đực ở đỉnh, cuống nhỏ dài 1 - 3mm. Quả nang, nhẵn, màu vàng nhạt, cao 2cm, có 3 mảnh vỏ khi chín tách ra. Hạt hình trứng dài 10mm, rộng 4 - 6mm, ngoài có vỏ cứng, mờ, màu nâu xám (khác hạt thầu dầu bóng và có vân).
Phân bố thu hái và chế biến
Ba đậu mọc hoang và được trồng ở nhiều tỉnh miền Bắc nước ta, nhiều nhất tại các tỉnh miền núi Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Bắc Cạn, Thái Nguyên. Trung bộ cũng có. Còn mọc ở Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Hồ Bắc).
Vào tháng 8 - 9 quả chín nhưng chưa nứt các mảnh vỏ, thì hái về phơi khô đập lấy hạt, phơi khô lần nữa là được. Cũng có khi để bảo quản dễ dàng hơn, người ta để nguyên cả quả, khi dùng mới đập lấy hạt.
Công dụng và liều dùng
Thuốc dùng trong Đông y và Tây y nhưng cách dùng có khác.
Theo tài liệu cổ ba đậu vị cay tính nóng rất độc, vào 2 kinh vị và đại tràng. Có tác dụng tả hàn tích, trục đờm, hành thủy.
Tây y chỉ dùng dầu ba đậu làm thuốc lùa bệnh, trong những trường hợp tê thấp, viêm phổi, đau ruột, viêm phế quản. Nếu dùng trên da bụng cần bảo vệ rốn bằng một miếng thuốc dán. Còn làm thuốc tẩy mạnh, dùng trong những trường hợp táo khó chữa, sau khi dùng những loại thuốc khác không có tác dụng. Nhưng thuốc rất độc xếp vào loại thuốc độc bảng A. Dùng ngoài với liều 6 - 7 giọt trộn với dầu khác như dầu lạc, dầu thầu dầu rồi dùng bút lông mà bôi để tránh phồng tay, thường bôi một diện tích nhỏ hơn diện tích định gây phồng. Uống trong với liều 1 giọt trộn với dầu hay ruột bánh mì. Liều tối đa một lần 0,05g, trong 24 giờ 0,10g. Gần đây ít dùng trong Tây y vì nguy hiểm.
Trái lại trong nhân dân, người ta ít sợ ba đậu hơn. Cũng công nhận có độc, nhưng do cách dùng khác cho nên đỡ nguy hiểm hơn. Thường dùng dưới hình thức ba đậu sương, nghĩa là hạt ba đậu ép bỏ hết dầu đi mới dùng với liều 0,01 - 0,05g lại thường phối hợp với nhiều loại vị khác.
Hoặc khi dùng như sau kinh nghiệm của nhân dân Campuchia. Cắt ngang đầu một quả chanh, lấy hết hột chanh ra, thay bằng ít hạt ba đậu, cho vào đun với 300ml nước cho đến khi hết nước và quả chanh khô thì giã nhỏ cả quả chanh và hạt ba đậu trong đó, rồi viên bằng viên nhỏ bằng hạt tiêu. Sấy khô để dành. Muốn đi ngoài một lần thì uống 1 viên, 2 lần thì uống 2 viên. Chế như vậy ít đau bụng hơn.
Ngoài công dụng làm thuốc hạt ba đậu được dùng làm thuốc tẩm tên độc, thay củ ô đầu ở những nơi không có ô đầu.
Tại nhiều tỉnh miền Bắc nước ta và Trung Quốc người ta còn dùng hạt ba đậu để duốc cá.
(Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)
của GS. ĐỖ TẤT LỢI