Thận trọng với các thuốc gây hạ kali máu!

17-02-2017 15:08 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Nồng độ kali trong máu thường được giữ cân bằng, chủ yếu nhờ vào sự điều hòa bài tiết của thận. nồng độ kali trong máu hạ sẽ gây ra các tác động ảnh hưởng đến cơ thể!

Kali là một khoáng chất có vai trò quan trọng đối với cơ xương và mô mềm, sự dẫn truyền xung động thần kinh và sự co bóp của tim, tham gia vào quá trình sản xuất năng lượng và duy trì trương lực nội bào, duy trì huyết áp bình thường cho cơ thể.

Hạ kali máu

Hạ kali máu là tình trạng nồng độ kali trong máu < 3,5 mmol/L. Bình thường nồng độ kali trong máu 3,5 - 5,5 mmol/L.

Hạ kali máu được chia làm 3 mức độ:

Nhẹ: 3,1 - 3,4 mmol/ L.

Trung bình:  2,5 - 3 mmol/ L.

Nặng: <  2,5 mmol/ L.

Kali là một khoáng chất quan trọng đối với cơ thể:

- Cần thiết cho hoạt động của các tế bào thần kinh, cơ.

- Điều hòa nước, chất điện giải và giữ thăng bằng kiềm, toan cho cơ thể.

- Giúp duy trì sự hoạt động bình thường của hệ tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu, cơ bắp…

Nguồn cung cấp kali cho cơ thể chủ yếu từ nguồn thực phẩm rau xanh, trái cây (chuối, bơ...), ngũ cốc, sữa, thịt, cá... với nhu cầu trung bình cho người lớn là 4.700mg kali mỗi ngày.

Khi nồng độ kali trong máu hạ, sẽ gây ra những tác động ảnh hưởng trên tim và cơ (chậm nhịp tim, yếu hay liệt cơ…); trong trường hợp nghiêm trọng, gây suy hô hấp, ngừng tim có thể dẫn đến tử vong!

Thận trọng với các thuốc gây hạ kali máu!Kali trong máu hạ sẽ tác động ảnh hưởng trên tim

Triệu chứng:

Với mức độ nhẹ, hạ kali máu thường không biểu hiện triệu chứng. Với mức độ trung bình hay nặng, tăng kali máu có thể biểu hiện các triệu chứng:

- Suy nhược, mệt mỏi.

- Chuột rút.

- Yếu hay liệt cơ.

- Buồn nôn.

- Rối loạn nhịp tim.

- Hơi thở nông, đánh trống ngực…

Nguyên nhân:

Có nhiều nguyên nhân làm hạ kali máu:

- Chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ nhu cầu kali.

- Mất kali do nôn mửa, tiêu chảy, tang tiết mồ hôi quá mức.

- Rối loạn bài tiết kali do suy thận.

- Bệnh lý: bệnh đái tháo đường, hội chứng Cushing, ung thư máu… cũng gây hạ kali máu.

Thuốc: một số loại thuốc khi sử dụng một thời gian dài sẽ gây ra tác dụng phụ làm hạ kali máu như thuốc lợi tiểu thiazide, thuốc nhuận trường, thuốc kháng viêm corticosteroid…

Thận trọng với các thuốc gây hạ kali máu

Thuốc là một trong những nguyên nhân gây ra hạ kali máu. Sau đây là một số loại thuốc, trong quá trình sử dụng lâu dài thường gây ra tác dụng phụ hạ kali máu:

Các thuốc làm tăng thải kali qua thận:

- Nhóm thuốc lợi tiểu quai (furosemide, bumetamid…) và nhóm thuốc lợi tiểu thiazide (hydrochlorothiazit, chlorthalodone…).

- Nhóm thuốc corticosteroid (betamethason, dexamethason…).

- Thuốc kháng sinh nhóm aminoglycoside, penicillin.

- Thuốc kháng nấm: amphotericin B.

Thuốc làm tăng thải kali qua đường tiêu hóa:

Cácthuốc nhuận tràng: phenolphthalein, Na polystrene sulfonate.

Thuốc làm tăng vận chuyển kali vào nội bào:

- Thuốc cường beta 2 adrenergic: salbutamol, salmeterol.

- Thuốc ức chế phosphodiesterase: theophylin, caffein.

- Thuốc chống sung huyết mũi: pseudoephedrine.

- Các thuốc khác: insulin, adrenalin…

Phải hết sức thận trọng với các thuốc gây ra tác dụng phụ hạ kali máu. Trong quá trình sử dụng các thuốc này, cần kiểm tra nồng độ kali máu và nếu thấy bất cứ biểu hiện nào của triệu chứng hạ kali máu (yếu hay liệt cơ, chuột rút, buồn nôn, rối loạn nhịp tim...), người bệnh cần nhanh chóng thông báo kịp thời cho thầy thuốc để có biện pháp xử lý kịp thời.

 


DS. MAI XUÂN DŨNG
Ý kiến của bạn