Đây là bệnh do nhiễm đơn bào Entamoeba histolytica. Sau khi cơ thể nhiễm amíp. bệnh gây ra các tổn thương đặc trưng là loét ở niêm mạc đại tràng, bệnh có xu hướng kéo dài và mạn tính nếu không được điều trị tích cực.
Thương tổn mạch máu ở đại tràng giúp amíp theo tĩnh mạch vào tuần hoàn cửa hoặc hệ bạch mạch đến gan, ở đây chúng thường bị chặn lại bởi các xoang tĩnh mạch gây ra hoại tử ướt để thành lập các ổ áp-xe gan.
Biểu hiện lâm sàng
Biểu hiện lâm sàng đa dạng, tùy thuộc vào từng thể, từng giai đoạn, khi bệnh nhân đến viện.
Với thể điển hình: (thể hay gặp nhất chiếm khoảng 60 - 70% trường hợp) có 3 triệu chứng chủ yếu:
Sốt: có thể 39 - 400C, có thể sốt nhẹ 37,5 - 380C. Thường sốt 3 - 4 ngày trước khi đau hạ sườn phải và gan to nhưng cũng có thể xảy ra đồng thời với 2 triệu chứng đó.
Đau hạ sườn phải và vùng gan: đau ở các mức độ khác nhau từ cảm giác tức nặng nhoi nhói từng lúc, đến đau mức độ nặng, đau khó chịu không dám cử động mạnh.
Gan to và đau: gan to không nhiều 3 - 4cm dưới sườn phải mềm, nhẵn, bờ tù, ấn đau.
Ngoài ra có thể gặp một số triệu chứng khác như: rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, gầy sút nhanh; có thể có phù nhẹ ở mu chân; cổ trướng; tràn dịch màng phổi.
Với một số thể không điển hình:
Thể không sốt: thật ra hoàn toàn không sốt thì không có mà là sốt rất ít một ba ngày rồi hết hẳn làm cho bệnh nhân không để ý, chỉ thấy đau hạ sườn phải, gầy sút cân... thể này gặp 9,3%.
Thể sốt kéo dài: hàng tháng trở lên liên tục hoặc ngắt quãng, gan không to thậm chí cũng không đau, gặp khoảng 5% số bệnh nhân.
Thể vàng da: chiếm 3% do khối áp-xe đè vào đường mật chính. Thể này bao giờ cũng nặng, dễ nhầm với áp-xe đường mật hoặc ung thư gan, ung thư đường mật.
Thể không đau: gan to nhưng không đau, do ổ áp-xe ở sâu hoặc ổ áp-xe nhỏ, thể này chiếm khoảng l,9%.
Thể suy gan: do ổ áp-xe quá to phá hủy 50% tổ chức gan, ngoài phù cổ trướng thăm dò chức năng gan bị rối loạn, người bệnh có thể chết vì hôn mê gan.
Thể áp xe gan trái: rất ít gặp, chiếm khoảng 3 - 5% trường hợp, chẩn đoán khó, dễ vỡ vào màng tim gây tràn mủ màng tim.
Thể phổi màng phổi: do viêm nhiễm ở gan lan lên gây phản ứng màng phổi, hay do vỡ ổ áp xe lan lên phổi. Thể này chẩn đoán rất khó, thường nhầm với bệnh của phổi màng phổi.
Thể có tràn dịch màng ngoài tim: ngay từ đầu khi thành lập ổ áp-xe ở gan đã có biến chứng vào màng ngoài tim, triệu chứng về bệnh tim nổi bật, còn triệu chứng về áp-xe gan bị che lấp di. Thể này thường chẩn đoán nhầm là tràn dịch màng ngoài tim.
Thể giả ung thư gan: gan cũng to và cứng như ung thư gan, hoặc cũng gầy nhanh. Thể này gặp tỉ lệ 15 - 16% trường hợp.
Cần làm gì để chẩn đoán?
Xét nghiệm máu thường quy thấy bạch cầu tăng cao, máu lắng tăng.
Siêu âm gan: xét nghiệm không xâm nhập, dễ thực hiện, rất tốt để phát hiện, theo dõi tiến triển, và còn để hướng dẫn điều trị. Hình ảnh trên siêu âm giai đoạn đầu thường là hình ảnh hỗn hợp âm, giai đoạn sau là ổ trống âm kèm theo có vỏ dày. Chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ thường nhạy và chính xác hơn siêu âm. Phát hiện amíp bằng phản ứng men ELISA. Chọc hút khối áp-xe có mủ màu socola.
Biến chứng nào có thể xảy ra?
Vỡ vào phổi: bệnh nhân khạc ra mủ hoặc ộc ra mủ, mủ có màu sôcôla, không thối.
Vỡ vào màng phổi: gây tràn dịch màng phổi phải. Tràn dịch thường nhiều, gây khó thở đột ngột, đây là một cấp cứu nội khoa phải chọc màng phổi hút dịch nếu không bệnh nhân bị chết vì choáng hoặc bị ngạt thở.
Vỡ vào màng ngoài tim: hay xảy ra với áp xe gan nằm ở phân thùy 7 - 8 hoặc ổ áp-xe ở gan trái. Đột nhiên bệnh nhân khó thở dữ dội, tím tái, khám tim thấy các dấu hiệu lâm sàng của tràn dịch màng ngoài tim. Phải chọc hút dịch màng ngoài tim cấp cứu nếu không bệnh nhân sẽ chết vì hội chứng ép tim cấp.
Vỡ vào màng bụng gây viêm phúc mạc toàn thể: đột nhiên đau bụng, sốt tăng lên, bụng cứng, đau toàn bụng, khám thấy bụng có dịch, chọc hút ra mủ. Phải kịp thời dẫn lưu ổ bụng nếu không bệnh nhân chết vì sốc nhiễm khuẩn.
Điều trị
Điều trị áp-xe gan amíp là một điều trị nội ngoại khoa hoặc kết hợp kỹ thuật chọc hút dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc CT-Scan. Kết quả điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng chung của bệnh nhân, giai đoạn phát triển của bệnh, tình trạng tổn thương gan, số lượng, vị trí, kích thước của ổ áp-xe.
Với điều trị nội khoa thường sử dụng các thuốc thuộc nhóm imidazole, trong đó đáng chú ý là metronidazole hoặc tinidazole.
Chọc hút dưới hướng dẫn của siêu âm, rửa sạch mủ sau đó có thể bơm trực tiếp thuốc diệt amíp vào ổ áp-xe.
Phẫu thuật, hiện nay rất hạn chế dùng, chỉ tiến hành ở các ổ áp-xe quá lớn không chọc hút được hoặc điều trị nội khoa thất bại.
ThS. NGUYỄN BẠCH ĐẰNG