Loại gói chống ẩm không có tác dụng hút ẩm
Gói hút ẩm thường có trong bao bì các loại thực phẩm, bánh, đồ sấy khô, dược phẩm, bao bì máy móc thiết bị điện tử... Phổ biến là loại gói chứa nhiều hạt tròn, hiếm khi chứa bột hút ẩm. Hiện nay, trên thị trường có 3 loại chất hút ẩm chủ yếu là hạt hút ẩm silica gel, hạt hút ẩm clay bentonite và bột hút ẩm canxi clorua. Các chất hút ẩm thường được chứa trong gói nhỏ giúp thực phẩm, đồ cần bảo quản.
Tuy nhiên, thị trường gói chống ẩm hiện nay khá nhộn nhạo, khó phân biệt hàng thật với hàng kém chất lượng. GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt lạnh vừa chia sẻ, ông vừa mở gói bánh mua ở cửa hàng gần nhà ra để ăn thì nhìn thấy 2 gói út ẩm nhỏ, bao bì bằng nilon đóng kín mít.
"Tôi nhận thấy gói hút ẩm này là hoàn toàn vô dụng bởi chúng ở trong môi trường đóng kín của túi nilon thì chúng không thể hút ẩm được. Khi tôi đưa chúng vào lò vi sóng để hoàn nguyên (khử ấm để tái sinh) thì chúng căng phồng lên do bao bì bằng nilon kín mít. Về nguyên tắc, gói hút ẩm phải có nhiều lỗ nhỏ thoáng khí mới có thể hút được ẩm. Tôi không hiểu vì sao người ta lại sản xuất ra loại gói hút ẩm kín mít như vậy. Do vậy tôi khuyến cáo với người dùng, hãy cẩn thận với các gói hút ẩm này để thực phẩm và vật dụng không bị hư hỏng do nấm mốc", GS.TS Nguyễn Đức Lợi nói.
GS.TS Nguyễn Đức Lợi khuyến cáo, khi sử dụng gói hút ẩm, người dùng nên chọn lựa của các hãng uy tín, có thành phần rõ ràng về bao bì và chất chống ẩm bên trong. Bao bì của gói hút ẩm phải làm bằng vật liệu thoáng khí để hút được ẩm trong không khí, song không làm rơi chất hút ẩm ra bên ngoài.
"Đặc biệt là không nên ỉ lại vào gói hút ẩm mà quên kiểm tra thường xuyên thực phẩm, sản phẩm cần bảo quản. Nếu có các dấu hiểu nấm mốc, hư hỏng thì tuyệt đối phải bỏ ngay.
Gói chống ẩm có độc không?
Tất cả các gói chống ẩm đều luôn in chữ "không được ăn". Gói chống ẩm là một túi chứa silica gel, trong đó silica gel thực chất không phải ở dạng keo mà là dạng hạt của Silic Dioxit (SiO2) - một hợp chất được hình thành khi Silic bị oxi hóa. Silica gel là chất tổng hợp, nhưng SiO2 lại thường được tìm thấy trong tự nhiên (ở dạng cát hay thạch anh…).
Silica gel đã xuất hiện từ những năm 1600, tuy nhiên, nó hầu như không được sử dụng, cho đến khi tính hút nước của nó được tận dụng để đưa mặt nạ phòng độc sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Silica gel có thể hấp thụ nhiều nước, khoảng 1/3 trọng lượng của nó mà không cần phải trải qua bất kỳ phản ứng hóa học hoặc thay đổi hình dạng nào. Ngay cả khi chúng đã bão hòa, các hạt vẫn ở trạng thái khô ráo khi ta chạm vào và có thể được tái sử dụng sau khi làm nóng ở nhiệt độ 121 độ C trong vòng 2 giờ. Đặc tính này giúp silica gel đặc biệt hữu ích trong việc kiểm soát hơi nước và độ ẩm, trong chiến tranh nó được dùng để bảo quản giúp thuốc, thiết bị quân sự và vật tư khô ráo.
Ngày nay, chúng được đóng gói thành các túi chống ẩm để đặt kèm các sản phẩm da, xúc xích hun khói, đồ điện tử, vitamin dạng viên và còn được sử dụng trong các bảo tàng và thư viện để chống gỉ, ăn mòn, xỉn màu, nấm mốc hoặc hư hỏng các hiện vật...
Các gói chống ẩm thường được thêm một chất phụ gia có tên gọi Coban Clorua II. Đây là một chất được thêm vào để dễ quan sát được dấu hiệu hấp thu độ ẩm của các hạt silica gel, giúp các hạt này có màu xanh lúc khô và chuyển sang màu hồng khi đã hút hơi ẩm. Coban Clorua II là một chất có thể gây hại cho con người và thậm chí bị nghi ngờ có thể gây ung thư.
ThS Nguyễn Thanh Long, nguyên giảng viên ĐH Y dược Huế cho rằng nếu vô tình chất hút ẩm rơi vào mắt, vào đường thở hoặc trẻ nuốt phải vì nhầm là thức ăn thì rất nguy hiểm. Hạt hút ẩm silica gel (một dạng oxit slilic) là loại được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Các hạt này không thể tiêu hóa được. Do đặc điểm hút ẩm khá mạnh nên nếu nuốt phải có thể dính vào các niêm mạc, gây tổn thương niêm mạc.
Trong khi đó, hạt hút ẩm clay bentonite (bản chất là đất sét được hoạt hóa ở nhiệt độ cao) thân thiện với môi trường nhưng là loại ít phổ biến hơn do khả năng hút ẩm hạn chế hơn so với hạt silica gel. Loại này ít gây tổn thương cho niêm mạc tiêu hóa và mắt. Tuy nhiên, sẽ có tác hại nếu nuốt phải với một số lượng lớn. Nếu lọt vào đường hô hấp có thể gây tổn thương nhẹ niêm mạc hô hấp bên cạnh tác hại do có vật lạ trong đường hô hấp.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 29/7 | SKĐS