Azathioprine (imuran, azasan) là một loại thuốc ức chế miễn dịch thường được sử dụng trong các phẫu thuật ghép tạng, nhằm hạn chế phản ứng thải loại mảnh ghép của cơ thể. Tuy nhiên, với tác dụng ức chế miễn dịch, azathioprine còn được sử dụng để điều trị một số bệnh da liễu có liên quan đến cơ chế miễn dịch như Lupus ban đỏ hệ thống, viêm bì cơ, Pemphigus... Azathioprine có dạng viên và dạng tiêm tĩnh mạch. Sử dụng thuốc cần thận trọng vì có nhiều tác dụng phụ, thậm chí nặng có thể đe dọa tính mạng như ung thư, thiếu máu, nhiễm khuẩn. Một số điểm cần lưu ý khi sử dụng thuốc này:
Lupus làm tổn thương đến các cơ quan trong cơ thể. |
- Không chỉ định trong những trường hợp: mẫn cảm với thuốc, phụ nữ có thai. Thận trọng với các trường hợp thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, giảm chức năng gan, phụ nữ đang cho con bú, đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virut, bệnh ác tính. Không nên sử dụng với người bệnh thiếu, giảm chức năng hoặc không rõ tình trạng men thiopurine methyl transferase (TPMT).
- Các xét nghiệm cần làm trước khi chỉ định dùng thuốc: công thức máu (đếm số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, Hemoglobin), xét nghiệm chức năng gan (men gan SGOT, SGPT, bilirubin), xét nghiệm kiểm tra chức năng thận (ure, creatinin, nước tiểu toàn phần), xét nghiệm acid uric trong máu và nước tiểu, kiểm tra men TPMT. Ngoài ra, cần theo dõi công thức máu hằng tuần trong tháng đầu điều trị, 2 tuần/lần ở tháng thứ 2 và sau đó mỗi tháng 1 lần.
- Trong chuyên khoa da liễu, azathioprine được chỉ định dùng trong các trường hợp điều trị Lupus ban đỏ hệ thống, viêm bì cơ, pemphigus. Ngoài ra còn có thể dùng trong viêm da cơ địa, vảy nến, bệnh da bọng nước pemphigoid, vảy phấn đỏ nang lông, Pyoderma gangrenosum, Wegener granulomatosis. Cần cân nhắc giữa lợi ích và tác hại khi chỉ định. Khi điều trị trong 3 tháng không hiệu quả, nên dừng thuốc. Đối với người già và trẻ em, cần giảm liều.
- Azathioprine làm tăng nguy cơ bội nhiễm, nhiễm trùng, nhiễm nấm và nguy cơ càng tăng nếu dùng cùng với các thuốc ức chế miễn dịch khác như cyclosporine, methotrexate, corticosteroid. Trong thời gian điều trị bằng azathioprine, không được dùng các loại vaccin sống, các loại vaccin khác cũng không nên dùng vì hầu như không tạo được miễn dịch cho cơ thể. Dùng azathioprine kéo dài còn làm tăng nguy cơ bị một số bệnh ác tính. Tình trạng dị ứng thuốc cũng có thể xảy ra với các biểu hiện mệt mỏi, sốt, nôn, nổi ban đỏ, mày đay, thậm chí tụt huyết áp và có thể đe dọa tính mạng. Dùng liều cao, kéo dài còn có thể gây ra tình trạng quá liều gây ức chế tủy xương với các biểu hiện nhiễm trùng bất thường không rõ căn nguyên, loét họng, xuất huyết, chảy máu... xét nghiệm thấy bạch cầu, tiểu cầu giảm. Viêm tụy cấp có thể xuất hiện đột ngột với biểu hiện mệt, nôn, đau bụng, men amylase trong máu tăng cao. Những trường hợp trên cần dừng thuốc và điều trị ngay. Azathioprine còn gây độc với gan, hủy hoại tế bào gan, gây hội chứng trào ngược dạ dày thực quản...
Một số thuốc có thể gây tương tác khi dùng với azathioprine nên không dùng đồng thời với các thuốc sau: allopurinol, sulfasalazine, warfarin, thuốc có ảnh hưởng ức chế tủy xương như penicillamine, co-trimoxazole, chloramphenicol; nhóm thuốc ức chế men chuyển angiotensin.
Với sự phát triển của ngành ghép tạng và nhiều chỉ định trong da liễu, azathioprine là loại thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, cần thận trọng và cân nhắc giữa lợi ích với nguy cơ khi chỉ định, đồng thời phải theo dõi chặt chẽ cả lâm sàng và cận lâm sàng trong thời gian dùng thuốc nhằm hạn chế và đề phòng các tác dụng phụ, biến chứng có thể xảy ra.
ThS. Vũ Tuấn Anh