Hà Nội

Thận trọng khi sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm tai giữa cấp ở trẻ em

21-09-2021 14:30 | Y học 360
google news

SKĐS - Viêm tai giữa cấp là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ phải sử dụng kháng sinh, nếu trước đây người ta cho rằng 100% các trường hợp viêm tai giữa cấp đều do vi khuẩn gây ra và sẽ có kháng sinh trong đơn thuốc điều trị. Ths.Bs. Nguyễn Xuân Đạt - chuyên gia Tai Mũi Họng sẽ làm rõ vấn đề này.

Ths.Bs. Nguyễn Xuân Đạt là người có nhiều kinh nghiệm và đã điều trị thành công hàng nghìn ca viêm tai giữa cấp ở trẻ em sẽ có cuộc chia sẻ với các mẹ về vấn đề này. 

Thận trọng khi sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm tai giữa cấp ở trẻ em - Ảnh 1.

(Viêm tai giữa)

Không phải trẻ nào được chẩn đoán viêm tai giữa cấp cũng phải sử dụng kháng sinh trong điều trị.

* PV: Theo bác sĩ, có phải trường hợp nào được chẩn đoán viêm tai giữa cấp cũng được chỉ định sử dụng kháng sinh?

Ths.Bs Nguyễn Xuân Đạt:  Quan điểm trước đây cho rằng 100% các trường hợp viêm tai giữa cấp đều do vi khuẩn gây ra vì vậy khi chẩn đoán viêm tai giữa cấp được đưa ra đồng nghĩa với việc 100% trẻ sẽ được kê kháng sinh trong đơn thuốc điều trị.

Tuy nhiên, quan điểm đó hiện nay không còn hoàn toàn chính xác nữa, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, viêm tai giữa cấp có thể do virus gây ra. Với những tiến bộ trong nghiên cứu về vi sinh học, virus ngày càng được phát hiện nhiều hơn trong dịch tai giữa của trẻ em bị VTG cấp. Các virus thường gặp bao gồm: Virus hợp bào hô hấp (RSV), virus gây cảm lạnh thông thường (rhinovirus), virus cúm (influenza viruses), human metapneumovirus, adenoviruses…Kháng sinh không diệt được virus, bởi vậy chính từ những phát hiện này có thể thấy rằng không phải trường hợp nào được chẩn đoán VTG cấp cũng ngay lập tức phải dùng kháng sinh để điều trị.

Khi nào kháng sinh sẽ được chỉ định trong điều trị viêm tai giữa cấp?

* PV: Vậy thì khi nào có chỉ định dùng kháng sinh để điều trị cho các trường hợp bị VTG cấp thưa bác sĩ?

Ths.Bs Nguyễn Xuân Đạt: Như đã nói ở trên, không phải 100% các trường hợp VTG cấp cần điều trị bằng kháng sinh, sau khi chẩn đoán VTG cấp thường có hai chiến lược để tiếp cận điều trị như sau:

+ Một là: Điều trị ngay lập tức bằng kháng sinh.

+ Hai là: Trì hoãn sử dụng kháng sinh, chỉ sử dụng kháng sinh sau 48 - 72 giờ nếu như các triệu chứng - dấu hiệu không cải thiện hoặc xấu đi.

Việc lựa chọn chiến lược phù hợp phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ, mức độ nghiêm trọng của bệnh và một phần từ đề nghị của cha mẹ-người chăm sóc trẻ.

Bác sĩ khuyến cáo:

+ Trẻ em < 6 tháng tuổi bị VTG cấp nên được điều trị ngay lập tức bằng một loại kháng sinh thích hợp.

+ Trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi bị VTG cấp một bên hoặc cả hai bên tai phải được điều trị bằng kháng sinh.

+ Trẻ ≥ 2 tuổi có biểu hiện nhiễm trùng nhiễm độc, đau nhức kéo dài hơn 48 giờ, sốt ≥ 39°C trong 48 giờ vừa qua, VTG cấp cả 2 bên, chảy dịch ở tai… ngay lập tức được điều trị bằng một loại kháng sinh thích hợp.

+ Trẻ em ≥ 2 tuổi không có bất thường về sọ mặt, không bị suy giảm miễn dịch, có các triệu chứng nhẹ, không chảy dịch tai có thể trì hoãn việc sử dụng kháng sinh nếu như người chăm sóc hiểu được rủi ro và lợi ích của cách tiếp cận này. 

Thận trọng khi sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm tai giữa cấp ở trẻ em - Ảnh 2.

Thạc sĩ. Bác sĩ. Nguyễn Xuân Đạt Chuyên khoa Tai Mũi Họng (Người lớn - trẻ em).

Những lưu ý khi sử dụng kháng sinh trong quá trình điều trị viêm tai giữa cấp.

* PV: Trong trường hợp trẻ bị VTG cấp được chỉ định điều trị bằng kháng sinh chúng ta cần lưu ý điều gì thưa bác sĩ?

Ths.Bs Nguyễn Xuân Đạt: Thời gian điều trị bằng kháng sinh 3 ngày - 5 ngày - 7 ngày hay 10 ngày phụ thuộc vào loại kháng sinh; tuổi của trẻ khi bị bệnh; mức độ bệnh nhẹ, trung bình hay nặng và khác nhau trên từng cá thể vì vậy người chăm sóc không được tự ý ngưng sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý ngưng sử dụng thuốc làm tăng khả năng kháng thuốc của vi khuẩn dẫn đến tình trạng VTG dai dẳng và kéo dài.

- Uống đúng liều lượng thuốc bác sĩ chỉ định, hiện nay phác đồ điều trị VTG cấp trên thế giới đã có rất nhiều thay đổi so với trước đây, quyết định liều lượng thuốc như thế nào cho phù hợp phụ thuộc nhiều yếu tố, ví dụ như: mức độ bệnh (nhẹ - trung bình - nặng); nhiễm một hay nhiều hơn một tác nhân gây bệnh (đồng thời nhiễm nhiều hơn một vi khuẩn gây bệnh hoặc nhiễm đồng thời vi khuẩn và virus)... Việc tự ý giảm liều thuốc so với chỉ định của bác sĩ cũng gây tác hại tương tự như việc tự ý ngưng sử dụng thuốc bác sĩ phân tích ở trên.

Tiêm vacxin là một trong các biện pháp hàng đầu để dự phòng viêm tai giữa cấp.

* PV: Bác sĩ có lời khuyên nào dành cho các bậc cha mẹ trong việc phòng ngừa VTG cấp không ạ?

Ths.Bs Nguyễn Xuân Đạt: Có một số điều mà cha mẹ trẻ nên lưu ý, đó là:

- Tiêm vacxin đầy đủ, đặc biệt là mũi phế cầu liên hợp (PCV) và vacxin cúm cho trẻ, theo lịch tiêm chủng. 

- Hạn chế để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá.

- Không sử dụng núm vú giả: Việc sử dụng núm vú giả sau 6 tháng tuổi làm tăng nguy cơ tái phát viêm tai giữa.

- Điều trị sớm các bệnh lý mũi họng.

- Trang bị đầy đủ kiến thức về bệnh và chăm sóc trẻ trước khi quyết định đưa trẻ tới cơ sở chăm sóc tập trung (nhà trẻ, trường mầm non). 

* PV: Cảm ơn Bác sĩ.



PV (thực hiện)
Ý kiến của bạn