Thận trọng khi hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân là trẻ em sau vụ cháy

15-09-2023 13:43 | Thời sự

SKĐS - Chuyên gia tâm lý học cho rằng, việc hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân sau tai nạn, thảm họa cần phải làm thận trọng.

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, sau khi rà soát có 29 học sinh gặp nạn trong vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân. Trong số này có 13 học sinh tử vong. Số học sinh còn lại có 5 em đang điều trị tại bệnh viện, 11 em sức khỏe đã ổn định. Nhiều em có người thân trong gia đình đã mất, cũng có trường hợp chỉ còn một mình sống sót. Sau khi được giải cứu, các em bị ảnh hưởng tâm lý, không trò chuyện, tinh thần suy sụp.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: "Nhiều học sinh bị sang chấn tâm lý nên cần được quan tâm, thăm hỏi, giúp đỡ các em sớm ổn định tinh thần". Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị hỗ trợ tâm lý cho học sinh gặp nạn trong vụ cháy chung cư mini trên phố Khương Hạ đêm 12/9.

Để hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân là trẻ em sau vụ cháy, PGS.TS. Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội); Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho biết: "Sau vụ cháy, các em có thể chịu sang chấn tâm lý. Những biểu hiện thường thấy nhất ở những đứa trẻ bị sang chấn tâm lý là: dễ bị tổn thương, sợ hãi và lo âu; dối loạn giấc ngủ; cảm giác tội lỗi/tự trách; tránh né mọi chi tiết gợi lại sự kiện; buồn bã; thu mình lại; cô độc; bất lực...".

Làm thế nào để hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân là trẻ em sau vụ cháy? - Ảnh 1.

Các điều dưỡng của Trung tâm Nhi khoa (BV Bạch Mai) chăm sóc cho bệnh nhi là nạn nhân của vụ cháy chung cư mini đang điều trị tại đây.

Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, tình trạng này có thể kéo dài trong thời gian ngắn khoảng một tuần đến một tháng, nhưng cũng có thể lâu hơn, thậm chí kéo dài cả đời tùy từng mức độ.

"Cần đánh giá nguy cơ trong vòng 2 tuần sau thảm họa hoặc tai nạn xảy ra, khi nạn nhân đã được sơ cứu tâm lý và bình tâm để có khả năng tiếp cận. Trường hợp trẻ có nguy cơ tổn thương sức khỏe tâm thần, cần chỉ dẫn bệnh nhân đến các dịch vụ trợ giúp phù hợp. Đối với trường hợp nặng, có nguy cơ tự sát, cần ngay lập tức chuyển đến các cơ sở chuyên khoa để hỗ trợ cường độ cao".

PGS.TS. Trần Thành Nam cho rằng, việc hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân sau tai nạn, thảm họa cần phải làm thận trọng. Cụ thể, cần tiếp cận nạn nhân một cách đầy tôn trọng. Nếu có thể, hãy tìm chỗ an toàn và yên tĩnh để nói chuyện; giúp nạn nhân cảm thấy dễ chịu bằng những hành động nhỏ, ví dụ đưa nước cho họ uống. Nếu nạn nhân đang bị sang chấn nặng, hãy cố gắng đừng để họ một mình và giúp họ trấn tĩnh.

Sau đó, người tiếp cận hỏi về những nhu cầu và mối lo lắng của nạn nhân. Tìm hiểu được điều gì là quan trọng nhất đối với họ lúc này, từ đó mới sắp xếp được các mối ưu tiên. Người hỗ trợ không nên ép buộc nạn nhân phải nói mà lắng nghe và giúp nạn nhân trấn tĩnh bằng việc ở bên đồng hành.

"Một số người trải qua thảm họa trở lên rất lo lắng và bối rối. Họ có thể bị lẫn lộn hoặc bị cảm xúc chi phối và có một số phản ứng về mặt cơ thể như run hoặc toát mồ hôi, khó thở hay tim đập nhanh. Việc sơ cứu cần giúp nạn nhân trấn tĩnh trở lại cả về trí óc lẫn cơ thể bằng cách giữ giọng nói nhẹ nhàng và bình thản; cố gắng duy trì tiếp xúc mắt với nạn nhân; nhắc với nạn nhân rằng rất nhiều người đang ở đó để giúp họ và họ đang được an toàn".

Nhiều nghiên cứu cho thấy những nạn nhân nhận được sự hỗ trợ xã hội tốt sau thảm họa sẽ dễ vượt qua thảm họa hơn những nạn nhân không được hỗ trợ. "Vì vậy, việc kết nối nạn nhân với người thân và trợ giúp xã hội là một phần quan trọng của việc trợ giúp tâm lý ban đầu. Trong giai đoạn này cần giữ trẻ ở bên cạnh bố mẹ và người thân hoặc giúp nạn nhân kết nối với bạn bè và người thân để được hỗ trợ, chia sẻ. Ngoài ra, có thể đưa các nạn nhân lại cùng giúp đỡ lẫn nhau".

Một số kỹ năng thoát nạn cơ bản trong đám cháy

Theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến - Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), sự cố cháy nổ xuất phát từ nhiều nguyên nhân và có thể xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi. Do đó, người dân và kể cả các em học sinh rất cần chú ý tới các kỹ năng cơ bản sau đây:

- Định hướng lối thoát hiểm, hành lang chạy ra ngoài, cần tập cho mình thói quen kiểm tra xung quanh khi đến một nơi mới.

- Nếu không chữa cháy được vì ngọn lửa quá lớn, hãy đóng cửa căn phòng bị cháy lại và thoát ra ngoài.

- Khi ngửi thấy mùi khói thì phải bò ra phía cửa, không nên chạy ngay khi vẫn chịu đựng được khói. Vì sao? Khói mang theo nhiệt độ, phải giữ gìn đôi mắt, lá phổi lâu chừng nào tốt chừng ấy, tránh bị bỏng.

- Lấy khăn mặt, mảnh vải, vạt áo quần… thấm nước, bịt vào mũi để che phủ đường hô hấp. Ngoài ra cũng có thể nín thở vài mươi giây khi khói độc tới, không la to vì sẽ bị ngạt khói ngay. Khi chạy khỏi phòng nếu trong phòng có chai nước thì nên nhớ mang theo tưới lên khẩu trang hoặc mảnh vải… nó sẽ giúp chống phỏng và hít thở dễ dàng hơn.

- Khi chạy ra ngoài, hãy men theo bờ tường để giữ được phương hướng trong hoảng loạn lửa và khói. Nếu thoát nạn không theo trình tự, tất cả mọi người cùng hoảng loạn và chạy thì dòng người náo loạn sẽ dẫm đạp lên nhau. Khi đến lối thoát và bước xuống cần nhớ là đi xuống chứ không phải bò xuống, tay vịn vào lan can, đừng xem nhẹ điều này vì dòng người sẽ đẩy ngã chúng ta.

- Di chuyển theo biển chỉ dẫn "Exit - Lối ra". Trên đường di chuyển thoát nạn hãy thông báo cho người xung quanh biết để cùng thoát nạn.

Nếu ở trên cao, chỉ được thoát xuống bằng thang bộ, tuyệt đối không sử dụng thang máy. Vì khi có cháy điện sẽ bị cắt, hơn nữa thang máy sẽ trở thành cột dẫn khói khổng lồ.

- Trên đường, hướng thoát nạn nếu phải mở bất cứ cánh cửa nào, hãy dùng tay để cảm nhận độ nóng của cánh cửa, nếu cánh cửa hoặc tay nắm quá nóng chứng tỏ phía đó lửa đang cháy, tuyệt đối không mở cửa.

Khi nhiệt độ cho phép mở cửa, hãy hé cửa, né mặt sang một bên đề phòng lửa tạt, từ từ và quan sát, đánh giá tình hình trong lúc tay bạn vẫn giữ cánh cửa.

- Khi lửa táp vào người, không được bỏ chạy bởi càng chạy lửa sẽ càng cháy mạnh. Hãy lăn đều trên mặt đất hoặc dùng vải, khăn, quần áo, giấy thấm nước ốp mạnh quanh người lửa sẽ tắt.

- Nếu đường thang bộ bị lửa khói bao phủ không thoát được. Mắc kẹt trên cao thì hãy ra ban công, cửa sổ và sử dụng khăn, vải giơ lên ra tín hiệu, chiếu đèn pin, đèn flash… gọi điện báo cho lực lượng chức năng, người thân biết vị trí bị mắc kẹt.

Ngành Giáo dục Hà Nội sẻ chia với học sinh, sinh viên và giáo viên vụ cháy chung cư miniNgành Giáo dục Hà Nội sẻ chia với học sinh, sinh viên và giáo viên vụ cháy chung cư mini

SKĐS - Để kịp thời sẻ chia với các nạn nhân cùng gia đình trong vụ cháy xảy ra tại quận Thanh Xuân, ngành giáo dục Thủ đô và các trường đại học đã đến thăm hỏi, động viên, trao quà hỗ trợ giáo viên, học sinh bị thương trong vụ cháy.

Đỗ Vi
Ý kiến của bạn