Dùng thuốc bôi ngoài da cho trẻ, cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Ảnh: Google |
Da trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi có lớp sừng mỏng, hàng rào biểu mô chưa trưởng thành, lại mọng nước, dễ xảy ra phản ứng hydrat hóa. Niêm mạc dễ nhạy cảm, nhiều chức năng của trẻ chưa hoàn chỉnh. Nếu dùng thuốc không cẩn thận không chỉ gây hại cho da mà còn gây độc cho toàn thân của trẻ. Vì vậy: Tránh bôi các thuốc gây kích ứng mạnh như các chế phẩm có chứa acid boric, acid salycilic. Khi có những thuốc gây kích ứng nhẹ hơn có thể dùng được cho cả người lớn và trẻ em thì phải chọn loại có nồng độ thấp dùng cho trẻ em. Không bôi lên da (đặc biệt là niêm mạc trẻ nhỏ) những sản phẩm chứa tinh dầu. Ví dụ: Khi bôi dầu long não lên da thì camphor trong tinh dầu sẽ thấm qua da vào bên trong gây kích thích thần kinh, làm co giật. Khi bôi cao xoa lên niêm mạc mũi thì chất menthol có trong cao xoa thấm vào bên trong có thể gây liệt hô hấp. Không dán các loại thuốc dán (như salonpas) lên da trẻ. Làm như vậy sẽ làm cho hoạt chất ngấm vào bên trong gây hại. Không dùng thuốc xoa bóp (rượu chứa menthyl salycilat, rượu chứa tinh dầu) và không xoa bóp mạnh da khi bôi các loại thuốc dùng ngoài. Xoa bóp sẽ làm tăng thân nhiệt da, gây giãn mạch làm tăng nồng độ hấp thu thuốc qua da, gây hại. Tránh dùng kéo dài một số thuốc không có lợi cho trẻ. Ví dụ: thường xuyên dùng cồn iod sát khuẩn hay chống nấm sẽ gây độc, làm trẻ dễ bị thiểu năng tuyến giáp. Tránh bôi corticoid lên da trẻ. Trường hợp cần phải sử dụng nên dùng loại corticoid nhẹ, nồng độ thấp, trong thời gian ngắn theo chỉ dẫn của thầy thuốc chuyên khoa. Khi bôi không được băng kín vết thương vì sẽ gây độc cho trẻ. Tránh bôi lên da các thuốc có thể gây dị ứng nặng như thuốc mỡ penicillin, neomycin. Nếu cần dùng các loại thuốc này phải có sự chỉ định của thầy thuốc. Khi dùng nên bôi thử một ít lên diện tích nhỏ, nếu không thấy có vấn đề gì khác thường mới dùng tiếp. Cần chú ý chữa bệnh da cho trẻ sớm. Khi lỡ để bệnh lan rộng thì phải đi khám để thầy thuốc chuyên khoa chọn thuốc, dạng thuốc dùng và hướng dẫn cách dùng thích hợp (thường chọn loại ít thấm qua da cho bôi xen kẽ trên các chỗ da có thương tổn chứ không bôi cùng một lúc trên diện rộng trên tất cả các vùng thương tổn và làm dây ra vùng da lành.) Có một số trường hợp trẻ gãi làm da bị tổn thương, bội nhiễm vi khuẩn gây lở loét. Có thể dùng kháng sinh chống bội nhiễm cho lành vết loét sau đó mới bôi thuốc chữa bệnh da nhưng phải có chỉ định của bác sĩ.
BS. Ngọc San