Hà Nội

Thận trọng khi dùng thuốc kháng đông

10-10-2012 14:09 | Thông tin dược học
google news

Khi huyết khối làm tắc nghẽn mạch máu nuôi tim thì gây ra nhồi máu cơ tim; làm tắc nghẽn mạch máu nuôi não thì gây ra nhồi máu não (hay đột quỵ).

(SKDS) - Khi huyết khối làm tắc nghẽn mạch máu nuôi tim thì gây ra nhồi máu cơ tim; làm tắc nghẽn mạch máu nuôi não thì gây ra nhồi máu não (hay đột quỵ). Người từng bị các bệnh tim mạch hay từng bị các tai biến tim mạch có thể tái hình thành huyết khối - nghẽn mạch, lặp lại các tai biến tim mạch, gọi là tai biến tim mạch thứ phát. Dùng thuốc kháng đông nhằm phòng các tai biến tim mạch thứ phát này.

Các thuốc thường dùng

Aspirin: ThromboxanA2 làm tăng sự co mạch, tăng tập kết tiểu cầu; prostacyclin ngăn ngừa giãn mạch, giảm tập kết tiểu cầu. Bình thường, prostacyclin - thromboxanA2 ở thế cân bằng động, còn gọi là cân bằng đông máu - chảy máu. Ở người bị bệnh tim mạch cân bằng này bị rối loạn, thromboxabA2 tăng cao, dễ tạo ra huyết khối. Aspirin có tác dụng ức chế COX-1 ở tiểu cầu với liều thấp (dưới 1g) làm giảm thromboxanA2, nên ngăn ngừa sự tạo ra huyết khối - nghẽn mạch.

Thử nghiệm lâm sàng cho biết, dùng aspirin cho người đã từng bị bệnh, tai biến tim mạch tiên phát (đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) thì làm chậm sự tiến triển đến nặng của cơn đau thắt ngực và làm giảm đáng kể sự tái tắc nghẽn mạch, giảm tái nhồi máu cơ tim, giảm tử vong do mạch máu, giảm tử vong chung do bệnh tim mạch thứ phát. Do vậy, dùng aspirin để dự phòng tai biến tim mạch thứ phát, không dùng aspirin dự phòng bệnh tim mạch tiên phát.

Clopidogrel: Clopidogrel trực tiếp làm giảm sự kết dính, ngăn sự tập kết tiểu cầu, hình thành huyết khối nghẽn mạch. Hiệu lực này xuất hiện sớm hơn aspirin (vì aspirin tác động gián tiếp qua COX1). Do đó, clopidogrel được dùng cả trong cấp cứu nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Tuy nhiên, trong dự phòng tai biến tim mạch thứ phát thì chúng lại tương đương nhau về hiệu lực, độ an toàn.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Cần thận trọng

Không dùng thuốc kháng đông dự phòng bệnh tim mạch tiên phát. Sự đáp ứng của thuốc kháng đông còn lệ thuộc vào tình trạng bệnh, cách ăn uống, việc dùng kèm các thuốc khác. Người bệnh phải định kỳ đến bệnh viện theo dõi chỉ số INR nhằm đánh giá nguy cơ hình thành cục máu đông đông (INR là thời gian Quick của người bệnh chia cho thời gian Quick chuẩn = international Normalized Ratio). Mức INR quá thấp sẽ có nguy cơ xuất hiện cục máu đông, mức INR  quá cao có nguy cơ xuất huyết nội. Căn cứ vào chỉ số INR hay thời gian máu đông thầy thuốc sẽ chỉnh liều kháng đông về liều thích hợp. Người bệnh cần tuân thủ sự kiểm tra định kỳ này.

Tránh trường hợp thuốc kháng đông làm tăng sự chảy máu. Bản thân thuốc kháng đông gây ra chảy máu, kéo dài sự chảy máu. Trường hợp sau đây cần tránh như: tránh phối hợp các thuốc kháng đông với nhau, phối hợp này làm tăng hiệu lực kháng đông chung của các thuốc. Tránh phối hợp thuốc kháng đông với một thuốc làm tăng sự chảy máu khác. Ví dụ, khi dùng aspirin, clopidogrel thì không được dùng kháng viêm không steroid vì các thuốc kháng viêm có tính chất như aspirin nên sẽ làm tăng hiệu lực của thuốc kháng đông.
 
Tránh dùng cho người đang chảy máu hay có nguy cơ chảy máu như  người đang bị ban xuất huyết dưới da, người bị sốt xuất huyết; người chuẩn bị hay đang mổ, sinh đẻ, người bị các tổn thương gây chảy máu... Nếu dùng sẽ nguy hiểm. Ví dụ, trong sốt xuất huyết có thể vừa có xuất huyết dưới da vừa có xuất huyết đường tiêu hóa, nếu dùng aspirin sẽ làm cho sự chảy máu không cầm lại được, gây trụy mạch, tử vong.

Riêng trong bệnh tim mạch cần lưu ý: sau đột quỵ nhồi máu não (do huyết khối) thì cần dùng thuốc kháng đông; nhưng trong đột quỵ chảy máu não (do vỡ động mạch não) thì không được dùng thuốc kháng đông (vì sẽ làm tăng, kéo dài sự chảy máu).            

DS. Bùi Văn Uy


Ý kiến của bạn