Tâm lý người sử dụng thuốc thường hướng tới những thuốc thế hệ mới, nhất là các thuốc kháng sinh (KS). Quinolon là những KS quan trọng có phổ tác dụng rộng trong điều trị nhiễm vi khuẩn hiếu khí gram âm và gram dương. Việc ra đời nhóm KS này đã đem lại hy vọng lớn lao để chiến đấu với các vi khuẩn nguy hiểm đang có xu hướng ngày càng đề kháng với các KS quen thuộc.
Các quinolon thế hệ 1:bao gồm các dẫn chất không gắn fluor, điển hình là acid nalidixic và cinoxacin có phổ kháng khuẩn hẹp chỉ được dùng trong điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu - sinh dục không biến chứng. Acid nalidixic (negram) được phát hiện một cách tình cờ vào năm 1962 trong quá trình điều chế thuốc sốt rét cloroquin. Sau đó, người ta cũng đưa vào sử dụng một số thuốc tương tự như puram, purin, eracine... Hiện nay, việc sử dụng những thuốc này bị hạn chế do vi khuẩn kháng thuốc cao.
Không dùng kháng sinh quinolon cho trẻ em dưới 16 tuổi. |
Các quinolon thế hệ 3: bao gồm gatifloxacin, levofloxacin, moxifloxacin và sparfloxacin. Levofloxacin là đồng phân levo và là thành phần hoạt động hơn của hỗn dược ofloxacin triệt quang (raxem). Các FQ thế hệ 3 có hoạt phổ rộng chống vi khuẩn gram dương, được chỉ định trong viêm phổi cộng đồng, viêm xoang cấp và đợt cấp của viêm phế quản mạn. Gatifloxacin cũng được cấp phép dùng điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu và lậu. Cả gatifloxacin và levofloxacin đều có ở dạng uống và tiêm tĩnh mạch. Levofloxacin còn có ở dạng nhỏ mắt để điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn.
Các quinolon thế hệ 4: bao gồm trovafloxacin, alatrofloxacin. Trovafloxacin là hoạt chất dùng đường uống, còn alatrofloxacin là tiền chất của trovafloxacin được dùng đường tĩnh mạch. Trovafloxacin có tác dụng rõ rệt chống vi khuẩn kị khí trong khi vẫn giữ được hoạt tính chống gram âm và gram dương của các FQ thế hệ 3. Chúng cũng có tác dụng tương đương ciprofloxacin. Trovafloxacin là kháng sinh uống đầu tiên dùng điều trị dự phòng cho bệnh nhân mổ vì nồng độ trong máu khi uống gần bằng khi tiêm. Nó được giới hạn sử dụng trong các nhiễm khuẩn nặng nguy hiểm tính mạng hoặc đe dọa phải cắt chi, do thuốc có thể gây những tác dụng phụ nặng trên gan.
Cần chú ý không kết hợp kháng sinh nhóm FQ với dùng kháng sinh tetracyclin. Các chất chống acid (trong bệnh loét dạ dày - tá tràng), sắt bổ sung và ngay cả các vitamin cùng với muối khoáng như kẽm và calci có thể gắn và làm giảm tới 90% sinh khả dụng đường uống của kháng sinh quinolon. Những thuốc có chứa cation hóa trị 2 và hóa trị 3 như sucralfat có chứa ion nhôm, viên didanosin chứa những chất đệm có ion nhôm và magiê đều làm giảm sinh khả dụng của ciprofloxacin và norfloxacin.
Các FQ có khá ít tác dụng phụ và độc tính. Tuy nhiên, do đã thấy những dị dạng sụn ở động vật non khi dùng quinolon ở liều lớn gấp nhiều lần liều dùng cho người, nên người ta khuyên không dùng thuốc cho trẻ em dưới 16 tuổi vì sợ ảnh hưởng có hại của thuốc đến sự phát triển của trẻ. Nói chung, không nên dùng thuốc KS nhóm quinolon cho trẻ em nếu không thật sự cần thiết. Chỉ sử dụng KS này cho trẻ nếu không còn sự lựa chọn nào khác để thay thế. Người ta cũng chú ý tới tình trạng đứt gân có liên quan tới những liệu trình FQ ngắn ngày. Bệnh nhân dùng quinolon nên tránh tập nặng trong khi điều trị và một vài tuần sau khi ngừng thuốc để phòng tránh tác dụng có hại này.
ThS.Lê Quốc Anh