Thận trọng khi cho trẻ chơi bóng bay

28-05-2014 14:28 | Đời sống
google news

SKĐS - Nhưng chính khí bơm cho bóng bay và phẩm màu tạo nên màu sắc của bóng trở thành nguy hiểm không an toàn đối với trẻ

Mới đây, 8 học sinh và hai thầy giáo ở một huyện thuộc tỉnh Tây Ninh đã bị bỏng do bóng trang trí lễ đón nhận danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia phát cháy nổ. Vì vậy, xin có đôi điều nói về sự không an toàn khi cho trẻ chơi bóng bay.

Bóng bay hấp dẫn đối với trẻ con là nhờ bóng bay được và màu sắc của bóng sặc sỡ bắt mắt, hấp dẫn trẻ. Nhưng chính khí bơm cho bóng bay và phẩm màu tạo nên màu sắc của bóng trở thành nguy hiểm không an toàn đối với trẻ do người ta sản xuất và bơm khí cho bóng bay bằng chất liệu rẻ tiền nhằm thu lợi nhuận cao.

Về khí, ở nước ngoài người ta chỉ dùng khí heli (helium, kí hiệu hóa học He) để bơm bóng bay. Dùng khí He đắt tiền nhưng bơm bóng bay rất an toàn vì là khí trơ không bắt lửa như đã kể. Còn ở ta, người không dùng khí He mà dùng khí đá tức acetylen để bơm bóng bay. Acetylen là loại chất liệu rẻ tiền, nhưng nguy hiểm là rất dễ cháy và tạo nhiệt độ cao. Chính acetylene tạo ra từ đất đèn được chứa trong các bình gió đá của thợ hàn để dùng hàn cắt kim loại. Acetylen cháy khi bắt lửa tạo nhiệt độ rất cao đến 3.0000C làm chảy kim loại. Dùng acetylen bơm bóng bay rất nguy hiểm vì có thể gây cháy nổ làm hại trẻ, như trường hợp ở Tây Ninh đã nói ở trên.

Về phẩm màu tạo màu sắc cho bóng bay, hiện nay người ta không kiểm soát được là phẩm màu đó là phẩm màu dùng an toàn hay là phẩm màu công nghiệp chứa các độc chất nguy hiểm là các kim loại nặng như thủy ngân, chì, cadmium… có thể gây hại cho trẻ hay không. Xin nói về chì (ký hiệu hóa học là Pb) và cadmium (Cd) vì đã có báo động về nguy hiểm của phẩm màu chứa chất độc hại Pb, Cd trong đồ chơi của trẻ, trong vật dụng sinh hoạt. Giữa năm 2011, Chi Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở Khoa học & Công nghệ Lâm Đồng cho biết, các mẫu cốc thủy tinh có nguồn gốc từ Trung Quốc mà đơn vị này kiểm tra đều có hàm lượng chì cao gấp hàng nghìn lần so với quy định cho phép. Còn ở TP.HCM, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP cho biết đã phát hiện trong sơn phủ đồ chơi cờ tướng của trẻ em chứa hàm lượng chì đến 835 mg/kg, trong khi giới hạn lớn nhất cho phép đối với độc chất này là 90 mg/kg (vượt ngưỡng đến hơn 9 lần). Báo chí cách đây không lâu cũng đưa tin phát hiện lồng đèn nhựa Trung Quốc chứa chất gây nguy hại cho sức khỏe là Cd. Lượng Cd qua kiểm nghiệm chứa trong đồ chơi rất bắt mắt trẻ con gấp đến 123 lần mức cho phép trong Bộ tiêu chuẩn an toàn đồ chơi do Bộ Khoa học - Công nghệ nước ta ban hành. Như vậy, các bóng bay mà trẻ con đang chơi hiện nay nếu không kiểm tra kỹ luôn có nguy cơ chứa các độc chất vừa kể. Pb, Cd không chỉ hiện diện là tạp chất trong phẩm màu tạo màu sắc sỡ cho bóng bay mà chính chúng có thể là phẩm màu. Như Pb tạo nhiều hợp chất có màu sắc khác nhau (như muối chì cromat có màu vàng rất đẹp) thường được dùng trong sản xuất sơn, kỹ nghệ thủy tinh, làm chất màu cho đồ gốm...

Nếu phẩm màu tạo màu cho bóng bay có chứa Pb, Cd và trẻ tiếp xúc thường xuyên sẽ rất nguy hiểm. Trẻ con khi chơi đồ chơi, trong đó có bóng bay, không chỉ sờ, nắm sau đó đưa tay lên miệng mà còn hay liếm, ngậm chắc chắn sẽ hấp thu độc chất qua miệng nếu đồ chơi đó chứa độc chất. Khi vào cơ thể, Pb tích lũy trong các mô nhiều mỡ như não, gan, hoặc mô nhiều sừng như da, lông, tóc, móng. Pb gây hại lên các hệ thống men (enzyme) cơ bản, nhất là men hemosynthetase trong quá trình vận chuyển tổng hợp heme là chất tạo ra hemoglobin (tức huyết sắc tố tạo màu đỏ cho hồng cầu trong máu có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong hô hấp). Nếu chì hiện diện trong máu trên 0,3 ppm sẽ ngăn cản quá trình oxy hóa glucose tạo ra năng lượng duy trì sự sống nhưng nếu hàm lượng chì/máu trên 0,8 ppm sẽ gây thiếu máu do thiếu hụt hemoglobin theo cơ chế vừa kể. Còn Cd xâm nhiễm vào cơ thể trẻ. Cd là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh như loãng xương, thiếu máu, suy gan thận rất nặng, gây nhiều loại ung thư như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi.

Như vậy, các bậc phụ huynh nên cảnh giác trong việc cho trẻ chơi bóng bay. Nếu có nghi ngờ về sự tiềm ẩn nguy cơ độc hại ở loại đồ chơi rẻ tiền này thì không cho trẻ chơi. Còn nếu cho trẻ chơi bóng bay (nhiều phụ huynh cho biết không thể từ chối vì trẻ nằng nặc đòi chơi) thì theo dõi sát không cho trẻ có điều kiện tiếp xúc qua miệng chất màu từ bóng bay. Cũng như không tạo điều kiện bóng bay tiếp xúc với mồi lửa (các ông bố hút thuốc lá tuyệt đối không hút gần trẻ, không chỉ tránh bóng bay của trẻ bắt lửa mà còn tránh trẻ phải hút thuốc thụ động). Xin kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có liên quan kiểm tra chất lượng, sự an toàn của đồ chơi là bóng bay cũng như quy định khí dùng bơm bóng bay phải là khí He (giá cả có đắt hơn nhưng các bậc phụ huynh sẽ không tiếc tiền cho sự an toàn của con em mình).

PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC


Ý kiến của bạn