Những năm gần đây, các dịch vụ bảo hiểm ngày càng phát triển mạnh. Các công ty bảo hiểm quảng cáo rầm rộ, khuếch trương mọi nơi. Nhưng cùng với đó là số lượng các vụ khiếu nại đòi quyền lợi bảo hiểm cũng tăng cao. Thận trọng khi ký hợp đồng bảo hiểm là không thừa, bởi một khi có khiếu nại xảy ra, thì công ty bảo hiểm luôn nắm "lợi thế" bởi những điều khoản chặt chẽ trong hợp đồng...
Mong đợi "ngậm ngùi"
Vừa qua, báo Sức khỏe & Đời sống nhận được đơn khiếu nại của ông Lâm Trọng Thể (trú tại ấp Hưng Thành, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) về việc mẹ ông là bà Lê Kim Hoàng (SN 1946) đã mua bảo hiểm theo hợp đồng An Khang Thịnh Vượng số 02202800019130 của Công ty Bảo Việt Nhân Thọ Cà Mau (BVNTCM) vào ngày 13/12/2005, số tiền bảo hiểm là 100 triệu đồng, thời hạn bảo hiểm 10 năm.
Hợp đồng bảo hiểm An Khang Thịnh Vượng của bà Hoàng diễn ra được 3 năm cho đến ngày 18/3/2008 thì bà mất tại quê nhà do bệnh nặng. Cuối tháng đó, ông Lâm Trọng Thể gửi giấy yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm đến BVNTCM.
Tuy nhiên mong đợi của ông Thể đã trở thành "ngậm ngùi" khi sau một thời gian xác minh, Công ty BVNTCM đã từ chối giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho gia đình ông bởi lý do: gia đình bà Hoàng đã vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trung thực. Nguyên nhân là theo xác minh của BVNTCM thì bà Hoàng đã khám và điều trị "K buồng trứng" tại BV Ung bướu TP.HCM từ 13/7/2005 đến 16/2/2006 (trước và cùng thời gian mua bảo hiểm), nhưng bà đã không kê khai những chi tiết đó trong Giấy yêu cầu bảo hiểm và BVNTCM đã đình chỉ hợp đồng bảo hiểm, đồng thời không hoàn lại cả khoản phí đã đóng của bà kể từ khi ký hợp đồng. Như vậy gia đình bà Hoàng không những không nhận được một đồng bảo hiểm nào, mà còn không nhận được cả số tiền đã đóng trong hơn 2 năm.
Khách hàng cần thận trọng xem xét kỹ từng điều khoản trước khi ký hợp đồng BH.Ảnh: Ba |
Biết trách ai?
Trước tiên xin hoan nghênh tinh thần hợp tác của BVNTCM đã nhanh chóng phúc đáp chi tiết về trường hợp nói trên để báo Sức khỏe & Đời sống có căn cứ trả lời cho bạn đọc.
Tuy nhiên, vấn đề đáng nói ở đây đó là trước khi ký kết hợp đồng bảo hiểm này, BVNTCM đã tổ chức khám sức khỏe cho bà Hoàng. Nhưng việc khám sức khỏe này được BVNTCM cho rằng không thay thế cho nghĩa vụ cung cấp thông tin trung thực của khách hàng. Có nghĩa là dù có được khám sức khỏe đi chăng nữa, thì hợp đồng vẫn căn cứ chủ yếu là dựa vào lời khai của khách hàng.
Ít nhất như vậy có thể thấy việc khám sức khỏe nói trên không phát hiện ra "vấn đề gì", cụ thể là không phát hiện ra bệnh của bà Hoàng. Theo công văn phúc đáp báo Sức khỏe & Đời sống, Tổng công ty Bảo Việt Nhân Thọ có nói, trong Giấy yêu cầu bảo hiểm người mua bảo hiểm phải cam đoan những nội dung kê khai trong Giấy yêu cầu bảo hiểm hoặc bác sĩ do BVNT chỉ định là đầy đủ và đúng sự thật. Người bác sĩ này là đại diện khám sức khoẻ cho BVNT. Vì thế, bà Hoàng đã hoàn toàn tin tưởng vào việc khám sức khỏe của chính BVNTCM, và họ cũng như bất cứ khách hàng nào khác đều tin rằng khi đã được khám sức khỏe của chính công ty bảo hiểm như vậy, thì có nghĩa là bà Hoàng đã đủ tiêu chuẩn mua bảo hiểm mà không lo ngại bất cứ vấn đề gì. Nếu chỉ dựa vào lời khai thì liệu có cần "bác sĩ do BVNT chỉ định" và tin vào "bác sĩ do BVNT chỉ định" có phải là thiếu trung thực? Vậy trong trường hợp này, BVNT liệu có một phần lỗi?
Nếu giả định rằng trước đây bà Hoàng chưa từng đi chữa bệnh, hoặc chỉ chữa bệnh ở những cơ sở tư nhân, hoặc của "thầy lang", không hồ sơ bệnh án, không một căn cứ gì để lại, hoặc bà Hoàng chỉ nghi là mình có bệnh và mua bảo hiểm sau đó mới đi điều trị bệnh thì lúc đó BVNTCM sẽ giải quyết vấn đề này ra sao? Vì vậy, việc đổ lỗi hoàn toàn cho khách hàng "không trung thực" khi "không đủ điều kiện được mua bảo hiểm" là chưa thuyết phục. Hơn nữa, theo tìm hiểu ở một số đại lý bảo hiểm của nhiều hãng, thì việc khám sức khỏe cho người mua bảo hiểm chỉ diễn ra rất sơ sài, chủ yếu là do người mua bảo hiểm tự khai.
Nhiều đại lý bán bảo hiểm, theo cách "mời chào" chỉ muốn nhanh chóng cho khách hàng ký hợp đồng, nên họ đã không cảnh báo khách hàng về những "hậu quả" của việc "điền bừa" vào Giấy yêu cầu bảo hiểm.
Cũng theo công văn phúc đáp báo Sức khỏe & Đời sống, Tổng công ty Bảo Việt Nhân Thọ cho biết: "Theo quy định tại điểm 3.1.2 Điều 3 điều khoản của hợp đồng An Khang Thịnh Vượng, nếu người tham gia bảo hiểm, người được bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ quy định tại điểm 3.1.1, Bảo Việt có quyền đình chỉ việc thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp này, Bảo Việt không hoàn lại phí bảo hiểm đã nộp tính đến ngày đình chỉ hợp đồng và không chịu trách nhiệm về những rủi ro phát sinh".
Như vậy, trong cả một bản hợp đồng dài hàng trang, với biết bao điều khoản, quy định..., nếu khách hàng không đọc kỹ, chỉ cần "sơ sểnh" một vài thông tin không khai đầy đủ là có nguy cơ không đòi được tiền bảo hiểm, và "bị thu" luôn cả số tiền đã đóng.
Thiết nghĩ, hợp đồng bảo hiểm không chỉ như một hợp đồng dịch vụ thông thường, mà còn mang nhiều ý nghĩa nhân văn cao cả. Do đó, đại lý bán bảo hiểm cần tư vấn đủ, tư vấn đúng cho từng trường hợp trước khi bán. Tránh trường hợp, có thể có ai đó thấy mình bị bệnh hiểm nghèo mới đi mua bảo hiểm và đại lý dù biết vẫn bán để có hoa hồng hoặc doanh số bán hàng.
Thận trọng khi ký hợp đồng bảo hiểm không chỉ đối với khách hàng. Về phía bảo hiểm cũng nên thận trọng và giá như phát hiện khách hàng sớm hơn tháng nào thì họ đỡ thiệt tháng ấy chứ không chờ đến lúc phải thanh toán bảo hiểm mới tích cực làm rõ!
Bình An