Hà Nội

Thận trọng kẻo mất mạng với các loại rau rừng, nấm lạ

17-02-2023 12:42 | Xã hội
google news

SKĐS - Cho rằng rau rừng đương nhiên sạch và ngon, hay thói quen hái nấm mọc tự nhiên về ăn, nhiều người đã bị ngộ độc nặng do độc tố có trong các loài này phát tác.

Đã có trường hợp tử vong vì sử dụng nấm độc, cây rừng: Bộ Y tế nhắc tăng cường phòng chống ngộ độcĐã có trường hợp tử vong vì sử dụng nấm độc, cây rừng: Bộ Y tế nhắc tăng cường phòng chống ngộ độc

SKĐS - Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế hàng năm vào mùa Xuân và đầu mùa Hè, tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng các thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, hoa quả rừng, cây rừng..), trong đó đã có những trường hợp tử vong.

Không ăn các loại rau lạ

Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) vừa cảnh báo nguy cơ ngộ độc do nấm, hoa quả rừng. Theo Cục An toàn Thực phẩm, số liệu giám sát ngộ độc và yếu tố dịch tễ cho thấy, hằng năm vào mùa xuân và đầu mùa hè, đặc biệt là tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây nguyên thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng các thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, hoa quả rừng, cây rừng...), có trường hợp tử vong hoặc để lại di chứng cho những người bị ngộ độc dù đã được cứu chữa.

Điều đáng nói hiện nay, nhiều người cho rằng rau mọc dại, rau rừng… đương nhiên an toàn cho sức khỏe. Đây là suy nghĩ rất sai lầm. PGS.TS Trần Hợp, nguyên giảng viên khoa Sinh học, ĐHKHTN, ĐHQG TPHCM cho biết, có rất nhiều loại cây dại mà người dân tưởng nhầm là rau ăn, hoặc trông giống rau ăn hàng ngày, nhưng thực tế chúng lại chứa những độc tố gây dị ứng, thậm chí là ngộ độc.

Thận trọng kẻo mất mạng với các loại rau rừng, nấm lạ - Ảnh 2.

Cẩn trọng với các loại rau, nấm lạ mọc hoang, tuyệt đối không dùng làm thực phẩm.

Có rất nhiều loài cây trông hình dáng giống một số loài rau, nhưng không ăn được, thậm chí chứa độc tố có thể chết người. Cây hoa chuông có chứa chất Spocolamin - chất độc gây ảo giác. Cây ráy có hàm lượng sapotoxin cao khiến người ăn phải gặp các triệu chứng tê môi lưỡi và cứng hàm. Những loại rau này khi đã sơ chế thì không phân biệt được.

Đối với người dân, đặc biệt ở những vùng nông thôn, miền núi, khi chọn các món rau ăn, nếu là rau lạ thì phải biết chính xác nó là rau gì, có độc không, có thể dùng làm thực phẩm không. Không nên tự ý tìm hái những loại rau lạ ngoài vườn, bờ suối, bờ mương… tránh nguy cơ ngộ độc.

TS Trần Hợp ví dụ, rất nhiều người nhầm lẫn giữa cây ráy và dọc mùng. Dọc ráy nhìn thô hơn, màu xanh đậm hơn, dọc mùng nhìn mềm mại hơn, màu hơi ngả vàng. Cuống lá dọc mùng xanh lục nhạt, thường có phấn trắng. Thân rễ mập, đứng thẳng. Ráy có lá nhiều hình khiên, phần hợp sinh giữa 2 thùy gốc phiến rất hẹp, cuống lá to mập, còn dọc mùng hay khoai sọ không có những đặc điểm này. Cây ráy thường hay bị nhầm lẫn với các loài khác như khoai sọ, khoai nước và dọc mùng.

"Do đó, trừ các loại rau đặc sản vùng miền, các loại rau không phổ biến, chưa được nghe nói đến hay các loại rau lạ tìm thấy ở vườn nhà… tuyệt đối không được nấu ăn thử", PGS.TS Trần Hợp khuyên.

Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo đến người dân không nên ăn các loại lá, cây rừng không rõ nguồn gốc; không nên tự ý sưu tầm các loại lá, cây, củ, quả lạ từ thông tin truyền miệng mà chưa được kiểm chứng; không sử dụng các loại rau, củ, quả lạ để ngâm rượu… để phòng chống ngộ độc đáng tiếc xảy ra. Người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động trang bị kiến thức về các loại rau, quả rừng lạ  qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, internet…

Nhận diện 4 loại nấm cực độc

PGS.TS Nguyễn Thị Chính, nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Vi sinh, Khoa Sinh học, Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ngộ độc nấm chỉ xảy ra khi ăn các nấm mọc hoang dại, thường vào mùa xuân và hè và ở các vùng rừng núi. Có thể nhận diện một số loài nấm độc cơ bản như nấm độc tán trắng thường mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc trên mặt đất trong rừng và một số nơi khác... Loại nấm này có mũ nấm màu trắng, bề mặt mũ nhẵn bóng, lúc non đầu tròn hình trứng, mũ nấm đính chặt vào cuống. Khi trưởng thành mũ nấm phẳng với đường kính khoảng 5 – 10cm. Khi già mép mũ có thể cụp xuống. Thịt nấm mềm, màu trắng, mùi thơm dịu.

Độc tố chính trong loại nấm này là các amanitin (amatoxin) có độc tính cao. Nấm độc trắng hình nón thường mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc trên mặt đất trong rừng và một số nơi khác... Nấm mũ khía nâu xám thường mọc trên mặt đất trong rừng, nơi có nhiều lá cây mục nát và một số nơi khác. Nấm ô tán trắng phiến xanh mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc ở ven chuồng trâu, chuồng bò, trên bãi cỏ, ruộng ngô và một số nơi khác... Mũ nấm lúc còn non hình bán cầu dài, màu vàng nhạt, có các vảy nhỏ màu nâu nhạt hoặc xám nhạt.

PGS.TS Nguyễn Thị Chính lưu ý, người dân không nên sử dụng nấm dại để làm thực phẩm, nếu không biết chắc chắn đó là nấm gì. Cần phải hết sức cảnh giác với loại nấm cực độc là nấm tán trắng. Đây là loại nấm rất giống với nấm rơm thông thường, ăn vào lại có vị ngọt, mùi thơm nên nhiều người mất cảnh giác.

Điều đáng nói là một số loài nấm dại dù không phải là nấm độc, nhưng mọc ở nơi ô nhiễm, mọc ở tầng đất bên dưới có những chất khoáng độc hại như phốt pho, nếu ăn phải cũng sẽ gây ngộ độc. Do đó, trước khi chế biến nấm ăn nói chung, tốt nhất là nên chần qua nước sôi. Tuyệt đối không ăn nấm chưa chín, hoặc để nấm đã chín vào các dụng cụ đựng nấm sống vì có thể bị dính độc chất trong nấm sống, gây ngộ độc.

Ngoài ra khi đi mua các loại nấm khác, nên quan sát kỹ hình thức bên ngoài. Ví dụ như nấm rơm mà sờ vào thấy nhớt, có mùi chứng tỏ nấm đã hỏng do axit amin đã bị chuyển hóa thành amit, một loại chất độc, ăn vào sẽ bị ngộ độc cấp tính ngay. Khi mua nấm rơm về thì không nên bảo quản lạnh vì chúng sẽ bị nhũn ở nhiệt độ thấp. Hoặc nấm sò, phải thu hoạch từ khi còn non, nếu để đến lúc già mới thu hoạch thì tai nấm rất dễ tiếp tục phát triển, dẫn đến chất lượng kém.

Theo TS Nguyễn Thị Chính, người nội trợ khi mua nấm phải chọn loại nấm tươi, màu sắc tươi sáng, đều từ chân đến mũ nấm. Việc quan sát bên ngoài khó biết được nấm có sử dụng chất kích thích sinh trưởng hay không, song khi mua nấm mà quan sát thấy mũ và cuống nấm biến đổi màu so với thân nấm thì không nên mua. Nấm đều màu mới là nấm an toàn. 

Ngoài ra, nên chọn nấm sản xuất trong nước, có bao bì, hạn sản xuất, địa chỉ rõ ràng, bảo quản đúng chuẩn. Không nên mua loại nấm có bao bì nhãn mác nhập nhèm, thậm chí có nơi bao bì ghi sản xuất ở Việt Nam nhưng thực tế là nấm nhập về từ Trung Quốc.

Làm thế nào để phòng tránh và xử lý ngộ độc thực phẩm?Làm thế nào để phòng tránh và xử lý ngộ độc thực phẩm?

SKĐS - Thời tiết đang trong độ giao mùa, các vi khuẩn trong thức ăn phát triển nhanh hơn khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm dễ xảy ra.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Sáng 17/2: Chó Nghiệp Vụ Việt Nam Lùng Sục Giữa Đống Đổ Nát, Tìm Được Nhiều Nạn Nhân Động Đất


Tô Hội
Ý kiến của bạn