Thận trọng 7 loại thuốc làm tăng nhạy cảm với ánh nắng

06-07-2019 13:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Nắng nóng kéo dài làm cơ thể trở nên khó chịu và mệt mỏi. Tuy nhiên, với những người mắc một số bệnh mạn tính, cơ thể lại càng trở nên mẫn cảm hơn với thời tiết oi bức của mùa hè.

Nguyên nhân có thể là do bản chất thời tiết, tình trạng bệnh lý và còn một nguyên nhân khác là do thuốc. Một vài loại thuốc thiết yếu có thể làm bạn trở nên nhạy cảm hơn rất nhiều với ánh sáng và nắng nóng trong mùa hè so với bình thường.

Thuốc điều trị mụn

Nhóm thuốc này hoàn toàn độc với ánh sáng, đặc biệt là những retinoid. Tác dụng độc với ánh sáng của nhóm thuốc này là gây rám nắng tồi tệ. Nguy cơ này càng được nhấn mạnh đối với những retinoid cần kê đơn (như retin-A và tazorac), là những chất gây ảnh hưởng mạnh hơn so với những chế phẩm mà bạn tìm mua được ở nhà thuốc hay những tiệm làm đẹp. Nhưng những chế phẩm trị mụn OTC (có thể mua mà không cần đơn) và những chế phẩm chống lão hóa chứa retinol cũng có thể gây khô da, tróc da, và nhạy cảm với ánh sáng. Những chế phẩm với thành phần là acid salicylic và benzoyl peroxide có thể làm tăng khả năng tổn thương này. Nếu bạn đang sử dụng nhóm thuốc này và có phần lớn thời gian hoạt động ngoài trời thì hãy bôi kem chống nắng  và đội mũ rộng vành.

Một số thuốc khiến da bị nám do nhạy cảm ánh sáng.

Một số thuốc khiến da bị nám do nhạy cảm ánh sáng.

Kháng sinh

Kháng sinh có thể gây nhạy cảm với ánh sáng và các phản ứng độc ánh sáng, điều này có nghĩa là chúng làm các vết rám nắng trở nên tồi tệ hơn. Nhóm thuốc đầu tiên có thể kể đến là bactrim (sulfamethoxozole và trimethoprim). Bactrim được kê đơn để điều trị nhiều bệnh, từ viêm phổi đến nhiễm trùng bàng quan. Tetracycline và fluoroquinolone cũng là những tác nhân tương tự. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, đừng bao giờ bỏ qua một liều thuốc kháng sinh chỉ vì để tắm nắng. Bác sĩ sẽ giúp bạn cân chỉnh liệu trình dùng thuốc phù hợp với những kế hoạch nghỉ ngơi mùa hè của bạn.

Thuốc chống dị ứng

Nhiều người dùng nhận thấy rằng những loại thuốc kháng histamin đường uống như diphenhydramine (benadryl và dramamine) làm giảm khả năng tiết mồ hôi. Ở một vài ca nghiêm trọng, tình trạng quá nhiệt này có thể dẫn đến chuột rút, kiệt sức và thậm chí là say nóng. Nếu bạn cảm thấy những loại thuốc chống dị ứng làm cơ thể bạn khó hạ nhiệt, thì chỉ nên ra đường vào sáng sớm hoặc chiều tối và tránh ra ngoài trong khoảng thời gian nóng nhất trong ngày.

Thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng có thể gây ra nhiều phiền toái trong thời tiết nắng nóng vì thuốc tác động đến trung tâm điều nhiệt của não bộ, làm trung tâm này không nhận biết được là cơ thể đang trong tình trạng quá nhiệt. Nhóm thuốc này cũng có thể giảm đổ mồ hôi, làm giảm quá trình tỏa nhiệt.

Khi bạn đang trong quá trình điều trị những thuốc này, hãy cảnh giác với những thông tin cảnh báo như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và mệt mỏi. Nếu bạn đang trải qua những triệu chứng này, hãy tránh ánh sáng mặt trời và uống nước hoặc nước chứa natri (sẽ giúp cơ thể giữ nước) ngay lập tức. Trong những tình huống nghiêm trọng như lú lẫn, sốt, hoặc ngất xỉu, hãy đến trung tâm y tế gần nhất.

Nhóm thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAID)

Những NSAID chủ yếu gây độc với ánh sáng có thể không phải là những thuốc thông thường được sử dụng. Nhưng vẫn nên thận trọng, đặc biệt là khi bạn đang điều trị cùng với một thuốc khác. Bất cứ khi nào mà bạn điều trị bằng thuốc NSAID và có hoạt động ngoài trời thì nên bôi kem chống nắng và tránh ra ngoài khi có thể, vì bất cứ NSAID vào cũng có thể làm trầm trọng hơn tình trạng độc với ánh sáng.

Vitamin và thảo dược

Nhiều loại thảo dược OTC có thể gây độc với ánh sáng, ví dụ như ST.John’s Wort là một tác nhân chủ yếu gây độc với ánh sáng, và loại thảo dược này cũng gây ra nhiều tương tác thuốc. Những viên vitamin cũng có thể là một tác nhân khác, như niacin - một dạng của vitamin B3, được sử dụng để điều trị tăng cholesterol máu. Thuốc có thể gây các phản ứng da với ánh sáng.

Thuốc dùng tại chỗ

Việc phơi nhiễm với ánh sáng mặt trời có thể làm tăng cường tác dụng của những miếng dán trên da (như fentanyl - một chất giảm đau mạnh, hoặc clonidine - giảm huyết áp) do thuốc được phân phối trực tiếp qua da. Khi bạn bị rám nắng, mạch máu trên bề mặt da giãn, làm tăng lượng thuốc hấp thu qua da. Vì thế, nếu bạn đang sử dụng miếng dán thì nên mặc áo dài tay khi ra đường.


DS. Nguyễn Thị Ngân Thảo
Ý kiến của bạn