Thần khúc còn có tên là lục thần khúc, lục khúc... |
Tiêu thực hóa tích:
Bài 1: thần khúc 1/2 miếng đến 1 miếng, chiêu với nước đun sôi. Trị thức ăn tích trệ, bụng trướng, ăn không ngon.
Bài 2: thần khúc 12g, mầm mạch 16g, gừng khô 4g, ô mai nhục 8g. Sắc uống. Trị ăn không ngon, miệng nhạt, ngực bụng đầy trướng.
Kiện tỳ, trị tiêu chảy: thần khúc 12g, bạch truật 16g, chỉ thực 8g, mầm mạch 12g. Sắc uống. Trị tỳ hư, thức ăn tích trệ, tiêu chảy.
Hoạt huyết hóa ứ: thần khúc 10g, dấm ăn 150ml. Sắc trong dấm, gạn lấy nước uống nóng. Mỗi lần 10ml, ngày 1 - 2 lần. Dùng cho sản phụ sau sinh đau bụng, xuất huyết rỉ rả và các trường hợp kinh kỳ ít.
Món ăn bài thuốc có thần khúc:
Bột thần khúc trần bì cam thảo: thần khúc 10g, trần bì 10g, cam thảo 5g. Tán thành bột mịn. Mỗi lần cho uống 2g với nước cháo hoặc nước gạo rang. Dùng cho trẻ em nôn ói, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.
Thần khúc tán: thần khúc 30g, thục địa hoàng 15g, bạch truật 15g. Tất cả tán thành bột mịn. Ngày dùng 3 lần, mỗi lần 4g, uống với nước sôi hoặc nước gạo rang. Dùng cho bệnh nhân tiêu chảy, đau quặn bụng.
Thần khúc nhục quế tiểu hồi tán: thần khúc 10g, nhục quế 10g, tiểu hồi 5g. Tán bột mịn. Ngày dùng 2 - 3 lần, mỗi lần 2g. Dùng cho các trường đau do viêm loét dạ dày tá tràng thể hàn, đau do lạnh bụng...
Bánh dây thần khúc: bột mỳ 150g, thần khúc tán mịn 60g, nước gừng 90g, thịt dê 60g. Nhào bột mỳ, bột thần khúc, nước gừng, cán thành sợi thô; thịt dê thái mỏng. Nấu thành xúp, cho tương và gia vị vào. Ăn khi đói, ngày 1 lần. Dùng cho người cao tuổi tỳ vị hư nhược, ăn kém, khó tiêu, hôi miệng, đầy trướng ợ hơi, gầy còm, suy nhược, hay nôn.
Kiêng kỵ: Người bị viêm dạ dày đa toan và phụ nữ có thai không dùng.
BS. Tiểu Lan