Phạm Văn Hòa (Hải Dương)
Hội chứng thận hư thường có các biểu hiện phù toàn thân với tính chất phù trắng, mềm, ấn lõm, không đau. Từ khi phát bệnh, phù bắt đầu đột ngột từ mặt lan xuống toàn thân, bệnh nhi còn bị phù đa màng: màng bụng, màng tinh hoàn ở trẻ trai, màng phổi, màng tim, màng não... Đau bụng là triệu chứng không thường xuyên nhưng không đặc hiệu, có thể do căng màng bụng khi dịch báng quá nhiều gây đau hoặc do tắc mạch mạc treo, do rối loạn tiêu hóa,... Xét nghiệm máu thấy prottein toàn phần giảm nhiều, lipid máu và cholesterol máu tăng. Hồng cầu giảm, bạch cầu và tiểu cầu có thể tăng. Điện giải đồ: Na, K, Ca thường giảm...
Biến chứng của bệnh thường gặp: nhiễm khuẩn là biến chứng phổ biến nhất, viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết, viêm phúc mạc... Những trẻ bị bệnh thường chậm phát triển, suy dinh dưỡng, loãng xương, hay bị co giật do hạ canxi máu, thiếu máu, bướu tuyến giáp đơn thuần... Về điều trị bao gồm điều trị đặc hiệu bằng corticoid, kết hợp điều trị triệu chứng phù bằng thuốc lợi tiểu; người bệnh cần được nghỉ ngơi; chế độ ăn uống cần hạn chế muối (ăn nhạt, chỉ khoảng 2-3g /ngày); hạn chế nước (nước dưới 15ml/kg/ngày). Nên ăn nhiều đạm: từ 2-4g/kg/ngày và đủ các vitamin nhất là nhóm B và C; giữ vệ sinh thân thể, giữ ấm khi trời lạnh.