“Thần dược” chữa ung thư vòm họng đang nằm trong tay bạn

30-08-2016 13:07 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Không “thần dược” nào giúp bạn trải qua khoảng thời gian mắc ung thư vòm họng hay bất kể loại ung thư nào khác “dễ dàng” và nhanh chóng hơn việc phát hiện sớm. Phát hiện càng sớm bao nhiêu, cơ hội vãn hồi sự sống của bạn càng lớn bấy nhiêu.

Câu chuyện bắt đầu khi vị bác sĩ riêng của gia đình ông Lim Kok Kiong chẩn đoán sai tình trạng bệnh của ông. “Bác sĩ bảo rằng tôi bị chảy máu cam có thể do mắc chứng ngứa cổ, chỉ cần đun nước lúa mạch uống là đỡ ngay” – ông Lim (54 tuổi), một người Trung Quốc sinh sống và làm việc tại Singapo, hồi tưởng lại.
Lần chảy máu cam thứ hai xảy ra sau đó vài tháng với mức độ nặng hơn lần trước. Không chần chừ thêm nữa, ông đã ngay lập tức đến gặp một chuyên gia tai – mũi – họng nhờ tư vấn, chẩn trị. “Lúc bấy giờ, căn bệnh ung thư vòm họng tôi mắc phải đã bước sang giai đoạn thứ ba. Khối u có khi to bằng quả đào chứ chẳng chơi.” – ông trầm ngâm 30 giây rồi nói, ánh mắt vẫn lưu lại nét thảng thốt ngày nào.
Có lẽ nếu phát hiện ra từ lần chảy máu cam đầu tiên, cơ hội chữa khỏi bệnh của ông đã lớn hơn nhiều. Và có lẽ nếu được điều trị sớm, những đau đớn ông phải trải qua đã vợi bớt bao nhiêu. Tiếc là thời gian không cho phép ta được nói hai từ “có lẽ”.
Những câu chuyện giống như trường hợp của ông Lim trên thực tế không hiếm. Tiến sĩ kiêm bác sĩ phẫu thuật tai – mũi – họng làm việc tại Trung tâm Y tế Mount Elizabeth (Singapo) tiết lộ rằng có tới hơn 70% bệnh nhân được chẩn đoán ung thư khi đã chuyển qua giai đoạn cuối (giai đoạn 3 hoặc 4).
Ông cho biết: “Đa số các bệnh nhân ung thư vòm họng thường nhầm lẫn triệu chứng của mình với những bệnh lý thông thường liên quan đến đường hô hấp. Thế là họ tìm cách tự chữa ở nhà bằng phương pháp dân gian hoặc ra hiệu mua thuốc tây về uống.
Theo một số nghiên cứu thì nam giới có tỷ lệ mắc ung thư vòm họng cao hơn nữ giới gấp 2,5 lần do nam giới thường xuyên phải làm việc trong môi trường ô nhiễm, độc hại và có thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều hơn. Người mắc phổ biến nhất rơi vào độ tuổi từ 30 – 55, có thể coi trường hợp của ông Lim là một ví dụ.

ung thu vom hong


Đáng nói, rất nhiều bệnh nhân lại là lao động chính trong gia đình nên việc chẩn đoán không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý người bệnh mà còn khiến người thân của họ bị suy sụp. Chưa kể, nếu huy động đủ nguồn lực tài chính để chữa bệnh, họ cũng khó lòng đảm bảo được sức khỏe quay trở lại với công việc vì vướng phải những tác dụng phụ kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm từ các phương pháp điều trị.
Thế nhưng, ông trời không tuyệt đường con người. Những bước tiến đáng kể về y học trong thập kỷ vừa qua đã nhen lên hy vọng sống cho các bệnh nhân ung thư vòm họng khi xóa tên được ngày càng nhiều trường hợp mắc bệnh trên “sổ sinh tử”.
Nhìn lại quãng đường phát triển của việc điều trị ung thư nửa cuối thế kỷ XX, Tiến sĩ Soong Yoke Lim, Khoa Xạ trị Ung thư – Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapo (NCCS), đồng thời là cố vấn y tế của Nhóm Hỗ trợ Ung thư Vòm họng trực thuộc NCCS nhận định: “Trong quá khứ, tất cả các bệnh nhân ung thư vòm họng không phân biệt giai đoạn đầu hay cuối đều chỉ được áp dụng phác đồ xạ trị. Cho đến những năm 1990, hóa trị mới được đưa vào phác đồ điều trị giai đoạn 3 và 4 nhằm bổ trợ cho phương pháp xạ trị. Điều này đã giúp tăng tỷ lệ sống của bệnh nhân thêm 30%.”
Gần đây, giới y học lại tiếp tục ghi nhận hai phương pháp mới vừa phát huy hiệu quả trị liệu đối với những ca ung thư nặng, vừa ít gây tác dụng phụ hơn so với xạ trị, hóa trị truyền thống, đó là: miễn dịch trị liệu và điều trị đích. Hiện các nhà nghiên cứu vẫn không ngừng tìm kiếm bằng chứng để đủ sức chứng minh mức độ khái quát hóa và tính ứng dụng cao của hai phương pháp trên trong cuộc chiến chống ung thư toàn cầu.
Mặc dù hiệu quả của những phác đồ điều trị ung thư mới đang ngày một tăng lên, song chúng ta không thể không thừa nhận, phát hiện sớm mới là yếu tố then chốt kéo dài cơ hội sống của bệnh nhân ung thư. Nếu phát hiện mình mắc bệnh ngay từ những giai đoạn đầu, tỷ lệ chữa khỏi của bạn có thể lên tới hơn 90%. Bước sang giai đoạn 3, cơ hội sống thêm 5 năm sau điều trị cùng lắm chỉ đạt 70%. Khi khối u đã di căn và lây lan nhanh, cơ hội chỉ còn khoảng 10 – 40% tùy thể trạng từng người.
Năm 2016 là năm thứ 23 ông Lim sống chung với căn bệnh ung thư vòm họng. May mắn kéo dài sự sống nhưng ông đã phải trải qua không ít đau đớn trong quá trình điều trị và đổ vào nó không ít tiền của. Chịu đựng tác dụng phụ của xạ trị, ông Lim thường xuyên bị khô họng và cứ 15 phút lại nhấp nước một lần. Vì sai lầm của bản thân mà giờ đây ông đã phải trả giá, nhưng ông Lim vẫn tạ ơn trời bởi ông còn được sống, còn có cơ hội góp một phần sức nhỏ cho cộng đồng.
Hiện ông Lim đang là thành viên tích cực của Nhóm Hỗ trợ Ung thư Vòm họng thuộc NCCS. Bằng cách chia sẻ những kinh nghiệm xương máu của mình trong cuộc chiến chống ung thư đầy cam go, ông đã thúc đẩy nhiều người cảnh giác hơn với các triệu chứng sớm của ung thư vòm họng và giúp những người “đồng bệnh tương lân” giữ vững tinh thần suốt dọc hành trình chiến đấu với căn bệnh quái ác.


Ý kiến của bạn