Thần đồng văn học - Ứng xử ra sao?

01-12-2011 15:09 | Văn hóa – Giải trí
google news

Từ lâu thế giới đã công nhận và ca tụng những hiện tượng vượt trội về trí lực. Trong lĩnh vực văn học, việc xuất hiện các thần đồng với những tác phẩm gây kinh ngạc về trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo vô biên chưa bao giờ giảm sút sự tò mò của công chúng.

Từ lâu thế giới đã công nhận và ca tụng những hiện tượng vượt trội về trí lực. Trong lĩnh vực văn học, việc xuất hiện các thần đồng với những tác phẩm gây kinh ngạc về trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo vô biên chưa bao giờ giảm sút sự tò mò của công chúng. Việt Nam đã từng được công nhận có thần đồng văn học. Đó là câu chuyện của nhiều năm về trước. Mấy chục năm trở lại đây, những độc giả của văn học Việt ngóng đỏ mắt, hiếm hoi lắm mới thấy thấp thoáng bóng dáng của một thần đồng văn học đúng nghĩa. Tuy nhiên, cách ứng xử có lẽ vẫn chưa hợp lý lắm.

Thần đồng văn học thế giới

Trên thế giới, hiện tượng thần đồng đã được công nhận và quan tâm phát triển những trường hợp có những đột phá thực sự. Văn học là địa hạt ghi nhận dấu ấn của nhiều thần đồng xuất chúng, làm nức lòng bộ mặt của đất nước.

Gõ bàn phím với tốc độ 80 chữ/phút, đã sáng tác 370.000 chữ và có ngày đọc đến 3 quyển sách; Trong vòng 18 tháng đã có thể viết 296 trang truyện “sử giả tưởng” và sách hướng dẫn cách đọc - viết, 400 truyện ngắn và gần 100 bài thơ, nếu không nói không ai nghĩ Adora Svitak vừa tròn 8 tuổi tại thời điểm đó. 2 tuổi rưỡi đã biết đọc và viết những từ đơn giản. Adora đọc lưu loát từ năm 3 tuổi rưỡi và khi lên 4 đã biết sử dụng máy tính xách tay để tự đánh máy những mẩu truyện ngắn do mình sáng tác. Cô bé người Mỹ gốc Hoa này đã có tựa sách mang tên Flying Fingers (Những ngón tay bay) vào năm 7 tuổi. Cuốn sách của Adora Svitak dù đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới nhưng hình ảnh cô bé trong mắt mọi người dù thông minh vẫn hết sức hồn nhiên. Sự giáo dục của gia đình đã cho Adora nhận thức đúng đắn về bản thân mình.

Nhiều năm về trước, những độc giả thường xuyên theo dõi báo chí hẳn sẽ không quên câu chuyện về cô bé Tưởng Phương Chu, được mệnh danh là thần đồng của văn học Trung Quốc. Năm 2006, chưa tròn 16 tuổi, Tưởng Phương Chu đã có đến 8 tác phẩm xuất sắc được xuất bản, đồng thời là người phụ trách chuyên mục tạp văn trên cả hai báo Nam Phương Đô Thị và Tân Kinh báo. Nhìn vào gia tài văn học tuổi teen của cô bé này, không ai có thể phủ nhận thiên phú văn chương có thật của Tưởng Phương Chu. Và cô bé này, trên đà gặt hái nhiều thành công đã thẳng thắn thể hiện quan điểm văn chương của mình, bất chấp nhiều ý kiến cho rằng sự kiêu ngạo có thể giết chết ngòi bút của mình.

Có không thần đồng văn học Việt?

Ở Việt Nam, từ những năm 60- 70, Trần Đăng Khoa được xem như một hiện tượng văn học cực kỳ nổi bật. Sinh năm 1958, lên 8 tuổi, Trần Đăng Khoa đã có thơ đăng báo, lên 10 tuổi xuất bản tập thơ đầu tay mang tên Từ góc sân nhà em. Mặc dù không có nhiều tác phẩm, thành tựu sáng tác văn học cũng không còn sung mãn và được kế tiếp một cách có hệ thống thời gian về sau, Trần Đăng Khoa vẫn được công nhận là thần đồng thơ hiếm hoi của văn chương Việt.

Một điều không khó nhận ra là ở Việt Nam, những cái tên được một bộ phận độc giả tung hô là thần đồng văn học đều có xuất xứ từ những gia đình có người làm văn học. Điểm lại những cái tên này hẳn là một minh chứng sáng rõ nhất. Khánh Chi - con gái nhà thơ Trúc Chi; Hoàng Dạ Thi - con gái nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ; Phan Tuy An - con trai nhà thơ Thanh Quế; Đặng Chân Nhân - con trai nhà thơ Đặng Huy Giang; Ngô Gia Thiên An - con gái nhà thơ Trang Thanh... Và mới đây nhất là cậu bé được nhiều người ca tụng là thần đồng tiểu thuyết Nguyễn Bình - con trai nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa. Sự ngẫu nhiên hay trùng hợp này khiến độc giả đặt ra câu hỏi có không sự tiếp nối gen di truyền văn học hay có gì ẩn ức trong quy luật này?

Về trường hợp của cậu bé Nguyễn Bình với tiểu thuyết vừa mới ra mắt Cuộc chiến với Hành tinh Fantom mới đây đã được chính Trần Đăng Khoa - thần đồng thơ Việt một thời nhận xét là “một tài năng đặc biệt, một thần đồng theo đúng nghĩa”. Còn về cuốn sách, có vẻ như nhà thơ vẫn đang để ngỏ câu trả lời cho độc giả. Và chính vậy, câu trả lời về một thần đồng văn học phải được chính số đông độc giả của văn chương và sự thử thách của thời gian trả lời.

Giáo sư Zheng Mingming của khoa Sư phạm Đại học Bắc Kinh từng viết: “Danh tiếng quá sớm là gánh nặng đối với trẻ. Nó ngăn cản quá trình hình thành các mối quan hệ với thế giới xung quanh chúng, quá trình nhận thức bản thân một cách trung thực, quá trình xây dựng một nhân cách lành mạnh và cân bằng”. Hơn bao giờ hết, độc giả, nhất là những cây viết bắt đầu manh nha khả năng viết từ lúc còn nhỏ tuổi và những người có trách nhiệm cần bổ túc những kiến thức cần thiết về hiện tượng này để giúp các em có một tuổi thơ hồn nhiên đúng nghĩa, những trang viết thực sự ý nghĩa.        

Sa Nam


Ý kiến của bạn