Nhà thơ Trần Đăng Khoa và nữ sĩ Lady Borton .
Nhờ cuốn bản thảo này mà Lady Borton và Trần Đăng Khoa trở thành bạn trong hơn thập niên qua và tạo nên kỳ duyên khi cuốn thơ chép tay đặc biệt đó đã được Lady Borton cùng hai dịch giả khác chuyển ngữ tiếng Anh, xuất bản song ngữ và đi khắp thế giới.
Năm 1968, ở trường phổ thông nơi thần đồng thơ Trần Đăng Khoa đang học, được phát động phong trào viết thư cho Bác Hồ, báo cáo thành tích làm việc tốt với Bác, hoặc kể chuyện người tốt, việc tốt ở nơi mình đang sống. Khi cô giáo yêu cầu mỗi học sinh trong lớp đều phải viết thư gửi Bác, thì Trần Đăng Khoa thực thà báo với cô rằng, Khoa chưa làm được việc gì tốt xứng đáng để báo cáo Bác Hồ.
Cô giáo động viên Trần Đăng Khoa, rằng em biết làm thơ hay, vậy em hãy báo cáo Bác Hồ việc đó, cũng là việc tốt lắm rồi. Nghe thế, Khoa mới tự tin chép 20 bài thơ vào một cuốn vở nhỏ, trong đó có những bài thơ mà Khoa đã làm từ trước và có bài mới viết về Bác Hồ. Tập thơ chép tay có nhan đề Từ góc sân nhà em. Chép xong tập thơ, Trần Đăng Khoa mang tập thơ mỏng ra bưu điện xã, viết ngoài phong bì, gửi: Bác Hồ Chí Minh, địa chỉ: Hà Nội, Việt Nam. Phong bì có dán tem. Gửi tập thơ đi tặng Bác Hồ xong, Trần Đăng Khoa cũng dần quên việc đó.
Vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận được lời mời đặc biệt tới dự Triển lãm những kỷ vật mà nhân dân tặng Bác Hồ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tại đây, Trần Đăng Khoa đã gặp nữ văn sĩ người Mỹ Lady Borton và lần đầu tiên ông được nhìn lại cuốn thơ chép tay mà ông đã gửi tặng Bác Hồ. Hóa ra, cuốn thơ đó đã đến tay Bác Hồ, được lưu giữ cẩn trọng và sau khi Bác mất, đã được đưa vào trưng bày trong Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Trần Đăng Khoa vô cùng xúc động. Ông đâu dám nghĩ tập thơ của mình lại có thể tới được tận tay Bác Hồ, trong thời bom đạn kinh khủng như thế. Và đây là bản thảo thơ duy nhất còn tồn tại từ những ngày Khoa làm thơ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Những bài thơ của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa thời đó được đọc trên đài, được đăng báo, hoặc sau này in thành tập sách, nhưng bản thảo gốc thì không còn.
Quả thực, dù đã phát hiện ra cuốn thơ chép tay đó còn tồn tại, nhưng chính Trần Đăng Khoa cũng không được chạm tay vào hiện vật, vì cuốn thơ được trưng bày trong tủ kính, mở giữa cuốn, không thể lật các trang để xem. Ngay lúc đó, nữ sĩ Lady Borton đã nảy ra ý định dịch tiếng Anh và xuất bản cuốn thơ này. Bà đã cùng 2 dịch giả Mỹ bắt tay vào thực hiện ngay sau đó.
Bảo tàng Hồ Chí Minh đồng ý gửi bản scan toàn bộ các trang của bản thảo thơ cho Lady Borton. Sau khi dịch xong cuốn thơ, bà đã đưa tới Nhà xuất bản Giáo dục. Cuốn thơ được in song ngữ, mà phần tiếng Việt là nguyên bản scan cuốn thơ chép tay với nét chữ ngây thơ non nớt của chính tác giả Trần Đăng Khoa từ năm 1968 và phần tiếng Anh được in trang bên. Đó là một cuốn sách đặc biệt, được in số lượng lớn, phát hành không chỉ ở Việt Nam, mà sang cả Mỹ, Úc, Canada...
Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể: “Cuốn thơ ấy, tôi viết sai lỗi chính tả be bét. Ví dụ “Cháu chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu”, thì tôi viết sai, thành “Cháu chúc Bác mạnh khỏe, sống nâu”. Do sáng kiến của chị Lady Borton là cứ in vào sách bản scan tập thơ viết tay, nên thấy lại sống động cả thời non nớt, cả những lỗi chính tả buồn cười, nhưng rất thật.”
Sau này, nhà thơ Trần Đăng Khoa mới biết, tập thơ đã đến tay Bác Hồ và Bác đã được thư ký là ông Vũ Kỳ đọc thơ Trần Đăng Khoa cho nghe. Sau đó, Bác Hồ yêu cầu được gặp Trần Đăng Khoa vào dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi năm 1968, cùng với các cháu thiếu nhi ở Nhạc viện Hà Nội. Thông báo đó được gửi đến trường Khoa đang học. Nhưng nhà trường e ngại, nếu một mình Trần Đăng Khoa đi gặp Bác Hồ thì không ổn, nhỡ đâu Khoa ăn nói lung tung, nên đề nghị cho các đại diện khác của trường cùng Khoa đến gặp Bác Hồ. Khi đề nghị này không được chấp thuận thì nhà trường tìm cớ khác để không cho Khoa đi gặp Bác Hồ. Vậy là đúng ngày 30/5/1968, ngày Bác Hồ gặp các cháu thiếu nhi ở Nhạc viện Hà Nội, thì Khoa không có mặt.
Tuy Trần Đăng Khoa không được đến gặp Bác Hồ một mình hôm đó, nhưng ngày hôm sau, nhà trường được báo Khoa có thể cùng đại diện trường tới gặp nhà thơ Tố Hữu. Ngày 1/6/1968, Trần Đăng Khoa cùng một học sinh khác và 20 thầy cô giáo được vào gặp nhà thơ Tố Hữu. Nhà thơ Tố Hữu có nói với Trần Đăng Khoa rằng, Bác Hồ rất tiếc không gặp được Khoa, nhờ chú Tố Hữu nhắn với Khoa là cháu hãy phấn đấu là cháu ngoan của Bác trước đã, rồi là nhà thơ sau. Khi cháu học giỏi toàn diện, được danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ, khi đó Bác sẽ gặp cháu.
Tiếc thay, mùa thu năm 1969, Bác Hồ đã ra đi. Và Trần Đăng Khoa chưa kịp phấn đấu đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ để được gặp Bác lúc Người sinh thời. Sau này, dù Khoa có nhiều lần đạt danh hiệu đó, thì Bác Hồ cũng không thể thực hiện lời hứa của Bác được nữa.