Hà Nội

Thận đa nang kèm sỏi thận - điều trị thế nào?

30-06-2012 08:10 | Tin nóng y tế
google news

Em năm nay 22 tuổi, hiện bị bệnh sỏi thận và thận đa nang. Từ khi phát hiện bệnh đến nay đã gần 5 năm. Em đi khám và được các bác sĩ tư vấn nên chung sống hòa bình với bệnh. Nhưng hiện tại em thường xuyên bị đau hai bên thắt lưng. Lượng nước tiểu rất ít. Bệnh làm em sút cân, mặc dù em ăn uống vẫn bình thường. Xin hỏi, bệnh của em có chữa khỏi được không? Nếu muốn chữa thì em phải làm thế nào?

(SKDS) -  Em năm nay 22 tuổi, hiện bị bệnh sỏi thận và thận đa nang. Từ khi phát hiện bệnh đến nay đã gần 5 năm. Em đi khám và được các bác sĩ tư vấn nên chung sống hòa bình với bệnh. Nhưng hiện tại em thường xuyên bị đau hai bên thắt lưng. Lượng nước tiểu rất ít. Bệnh làm em sút cân, mặc dù em ăn uống vẫn bình thường. Xin hỏi, bệnh của em có chữa khỏi được không? Nếu muốn chữa thì em phải làm thế nào?

Vũ Thị Yến (Hà Nội)

Thận đa nang là bệnh di truyền theo gen trội, hiếm gặp. Biểu hiện là có nhiều nang chứa dịch. Triệu chứng đau vùng hông - lưng hoặc sườn lưng, hoặc có cơn đau quặn thận cấp (do sỏi hoặc chảy máu trong nang); tức bụng khó chịu do thận to dần lên gây chèn ép; đái ra máu do nhiễm khuẩn hay do chảy máu trong nang; tiểu đêm do khả năng cô đặc nước tiểu giảm, gầy xanh do tiểu ra máu nhiều hoặc suy thận; thiểu niệu hay vô niệu khi có suy thận cấp tính hoặc mạn tính. Hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị thận đa nang. Tuy nhiên, nếu hiểu biết về bệnh và biết cách đề phòng biến chứng, bệnh nhân vẫn có thể sống an toàn.
 
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Phương pháp chủ yếu chữa bệnh thận đa nang là điều trị nội khoa để phòng biến chứng, cụ thể là: theo dõi diễn biến của bệnh một cách kịp thời; có chế độ ăn hợp lý, ăn ít thịt, giảm mỡ và tăng cường rau quả; tránh lao động nặng nhọc, đặc biệt đề phòng tai nạn và đập mạnh vào vùng thận; điều trị sỏi thận. Điều trị tăng huyết áp nếu có; đề phòng nhiễm khuẩn tiết niệu và điều trị kịp thời viêm nhiễm. Trường hợp của bạn đã phát hiện thận đa nang và sỏi thận thì phải điều trị tích cực sỏi thận bằng cách uống nhiều nước, trên 2 lít một ngày, có thể làm cho sỏi tự ra khi đi tiểu. Hạn chế các thức ăn chứa nhiều canxi oxalate như sữa, phomat, nước chè đặc, ăn ít đạm động vật nếu bị sỏi uric.
 
Quan trọng là thăm khám định kỳ để phát hiện kịp thời biến chứng suy thận. Theo thư bạn kể, hiện tại bạn có biểu hiện tiểu ít (thiểu niệu), sút cân đó có thể là biểu hiện của suy thận. Chúng tôi khuyên bạn đi khám ở bệnh viện có chuyên khoa thận tiết niệu để làm các xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm thận... Từ đó các bác sĩ có kế hoạch theo dõi và điều trị sớm, phòng biến chứng suy thận chứ không phải cứ chung sống mà không điều trị gì cả là sai và rất nguy hiểm.

BS.Nguyễn Văn Thịnh


Ý kiến của bạn