Hà Nội

Thận đa nang có nguy hiểm không?

09-09-2022 16:30 | Bệnh thường gặp

SKĐS -Thận đa nang là tình trạng có nhiều túi nang phát triển trong thận. Sự gia tăng về số lượng và kích thước của chúng theo thời gian sẽ dần làm thận suy yếu. Từ đó, chức năng thận có nguy cơ suy giảm thậm chí dẫn đến suy thận.

1.Vì sao bị thận đa nang

-Do di truyền: Đây là loại bệnh chủ yếu gây ra bởi các khiếm khuyết về di truyền. Thận đa nang được chia thành 2 loại:

Thận đa nang trội trên NST thường: là trường hợp phổ biến nhất, thường gặp ở độ tuổi khoảng 30-40. Nếu bố mẹ mắc bệnh này, con cái sẽ có nguy cơ mắc vào khoảng 50%.

-Thận đa nang lặn trên NST thường: Chiếm tỷ lệ nhỏ hơn. Triệu chứng thường xuất hiện ngay sau khi trẻ vừa mới sinh. Đôi khi biểu hiện từ tuổi thiếu nhi hoặc thiếu niên.

-Do tác động từ môi trường: Sống, làm việc, tiếp xúc thường xuyên trong môi trường bị ô nhiễm bởi chất chống oxy hóa như Diphenyl-thiazole, Nordihydro guaiaretic acid, Alloxan, Steptozotoxin… nguy cơ cao mắc thận đa nang.

2.Biểu hiện điển hình của bệnh thận đa nang

‎Nhiều người bị thận đa nang trong nhiều năm nhưng không có triệu chứng. Tùy thuộc vào kích thước, số lượng của u nang mà có thể xuất hiện các triệu chứng khác nhau.

Một số triệu chứng phổ biến có thể bao gồm:

‎-Đau ở bụng, đau dưới hạ sườn phải hoặc đau vùng thận 2 bên, đau âm ỉ

‎-Tiểu nhiều và thường xuyên đi tiểu ra máu

‎-Nhiễm trùng đường tiết niệu, rối loạn tiểu tiện, có thể nhiễm trùng đường tiểu ngược dòng gây đái buốt, đái rắt

‎-Sỏi thận

‎-Cảm thấy đau hoặc nặng tức ở phần lưng

‎-Da dễ bị bầm tím và nhợt nhạt

‎-Cơ thể mệt mỏi

Coi chừng mắc thận đa nang có thể dẫn đến suy thận - Ảnh 3.

Tiểu buốt, tiểu rắt là dấu hiệu điển hình

3.Chẩn đoán bệnh thế nào?

Hiện các bác sĩ phát hiện các khối nang thận không khó nhờ những tiến bộ của y học, công nghệ cao. Ngoài ra, các phương pháp cận lâm sàng như: siêu âm ổ bụng, chụp X - quang, chụp cộng hưởng từ,... đều có thể giúp bác sĩ dễ dàng phát hiện ra đa nang hình thành ở thận. 

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể thực hiện thêm các xét nghiệm: công thức máu, nước tiểu,... để kiểm tra và đánh giá mức độ, tình trạng tổn thương và chức năng của thận cũng như một số cơ quan chịu ảnh hưởng. Từ đó bác sĩ sẽ đưa ra kết luận chính xác và chỉ định biện pháp can thiệp để điều trị

4.‎Bệnh thận đa nang có nguy hiểm không?

‎Bệnh thận đa nang thường diễn biến khá âm thầm, nhưng có khả năng dẫn đến các biến chứng nguy hiểm làm suy giảm sức khỏe của người bệnh dần đẩy nhanh tốc độ tiến triển dẫn đến hậu quả suy thận.

Bệnh có thể gây các biến chứng:

  • ‎Đau ở vùng thận: Có thể đau mức độ vừa phải hoặc đau dữ dội cấp tính nếu có tình trạng chảy máu trong nang, tắc nghẽn tiết niệu do cục máu đông hoặc sỏi, hoặc nhiễm trùng nang…
  • ‎Nhiễm trùng trong nang: người bệnh thường sốt kéo dài, khả năng cao nguy cơ bị nhiễm trùng vào trong máu. Lúc này bệnh thường khó điều trị
  • ‎Tăng huyết áp: thường xảy ra sớm khi mới bị bệnh, bệnh cũng làm tăng  nguy cơ tiền sản giật nguy hiểm ở phụ nữ mang thai
  • ‎Ung thư thận: Chiếm gần 50 % số ca ung thư thận, hay gặp ở người bệnh thận đa nang di truyền theo gen trội.
  • ‎Tiến triển đến suy thận: là hậu quả thường gặp nhất của bệnh thường xảy ra ở độ tuổi trung bình là 50

5.Phương pháp điều trị 

Hiện chưa có thuốc đặc trị cho bệnh thận đa nang nên trước mắt việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng như: các thuốc hạ huyết áp, thuốc giảm đau, các thuốc lợi tiểu khi có suy thận.

Nếu nang thận quá lớn gây chèn ép bác sĩ có thể chỉ định mổ dẫn lưu.

Với nhiễm khuẩn thận có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh

Với bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối sẽ được lọc máu chu kỳ và ghép thận. Bệnh nhân lọc máu chu kỳ có thể gặp tiểu ra máu đại thể hầu hết ở năm đầu. Nguy cơ nhiễm khuẩn thận tăng ở bệnh nhân bị bệnh thận đa nang lọc máu.

Đối với bệnh nhân mắc thận đa nang, việc dự phòng nhiễm trùng tái phát, chảy máu nang thận, sỏi thận nhằm ngăn chặn suy thận là vô cùng cần thiết. Bệnh nhân cần tuân thủ điều trị và tái khám đúng hẹn. 

6.Có phòng ngừa bệnh thận đa nang được không?

Coi chừng mắc thận đa nang có thể dẫn đến suy thận - Ảnh 4.

Nên uống đủ nước để phòng bệnh

  • Thận đa nang là bệnh lý do di truyền là chủ yếu. Vì thế, chưa có phương pháp phòng ngừa cụ thể. Tuy nhiên, để tăng cường sức khỏe và hạn chế biến chứng nếu không may mắc bệnh, cần lưu ý:
  • Nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên nếu gia đình có người thân mắc căn bệnh này. Cha mẹ bị bệnh có kế hoạch sinh con cần đến chuyên gia y tế để được tư vấn, đánh giá nguy cơ di truyền sang cho con
  • Khi biết mình bị bệnh, cần khám sức khỏe, kiểm tra chức năng thận thường xuyên.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất. Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá, đồ ăn nhanh…
  • Nên cắt giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày, uống đủ 2-3 lít nước/ ngày…
  • Thường xuyên tập thể dục thể thao để tăng cường chuyển hóa, nâng cao sức khỏe…
Chứng thận hư thận yếu – Hiểu đúng bệnh, chữa đúng cáchChứng thận hư thận yếu – Hiểu đúng bệnh, chữa đúng cách

Chứng thận hư thận yếu là thuật ngữ của y học cổ truyền để chỉ tình trạng suy giảm chức năng thận, dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe như đau lưng, mỏi gối, tiểu đêm nhiều lần, chức năng sinh lý yếu. Để chữa thận hư, thận yếu hiệu quả, người bệnh cần tìm hiểu kỹ và đúng về căn bệnh này.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

'Bỏ cơm' và những tác hại âm thầm tàn phá sức khỏe

BS. Nguyễn Phú An - Bệnh viện đa khoa Hà Đông
Ý kiến của bạn