Hà Nội

Thẩm vấn hàng loạt đối tượng có liên quan

23-12-2014 21:47 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày thứ 7 (23/12), phiên xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng của 15 ngân hàng, công ty, cá nhân...

Ngày thứ 7 (23/12), phiên xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng của 15 ngân hàng, công ty, cá nhân diễn ra với phần thẩm vấn để làm rõ về các tài sản kê biên trong vụ án.

Tại phiên xử sáng 23/12 xoay quanh phần thẩm vấn để làm rõ khoản tiền hưởng lợi bất chính từ việc cho vay nặng lãi. Việc kinh doanh bất động sản không thuận lợi, Huyền Như đã bị nợ đến 200 tỉ đồng. Để trả nợ, Như đã đi vay một số lượng lớn tiền lên đến hàng ngàn tỉ đồng và trả lãi suất rất cao, trong đó có Nguyễn Thiên Lý, Đào Thị Tuyết Dung, Nguyễn Thị Lành, Hùng Mỹ Phương, Phạm Văn Chí. Các bị cáo này bị phạt từ 1 năm án treo đến 2 năm 2 tháng 10 ngày tù về tội này.

​Hội đồng xét xử tại phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như.

Bị TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm tuyên phạt 2 năm tù về tội “Cho vay lãi nặng” (tổng hợp với mức án 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thành 9 năm tù giam), bị cáo Nguyễn Thị Lành không kháng cáo, nhưng vẫn bị triệu tập ra tòa để làm rõ vấn đề này. Theo án sơ thẩm tuyên, bị cáo Lành phải nộp sung quỹ Nhà nước 150,035 tỷ đồng - được xác định là tiền thu lợi bất chính.

Công tố viên công bố lời khai của bị cáo Lành tại cơ quan điều tra, phù hợp kết quả đối chất với bị cáo Huyền Như, với số liệu sao kê trên tài khoản và sổ sách ghi chép, theo đó, số tiền lãi bị cáo Như phải trả cho bị cáo Lành là hơn 1.186 tỷ đồng.

Một trường hợp hưởng lãi nhiều nhưng bị tuyên nộp sung quỹ Nhà nước ít khác là Phạm Văn Chí (không kháng cáo). Dù quá trình điều tra xác định ông Chí hưởng tiền lãi từ việc cho bị cáo Huyền Như vay nặng lãi 5,9 tỷ đồng nhưng bản án sơ thẩm chỉ tuyên buộc ông Chí nộp lại 570 triệu đồng. Khi nghe ông Chí trình bày ông là người cho vay trung gian, nhận tiền giùm người khác để cho bị cáo Huyền Như vay, ông chỉ được hưởng 0,5% lãi suất từ việc cho vay này, chủ tọa phiên tòa giải thích: “HĐXX không cần biết nguồn tiền cho vay từ đâu, chỉ cần biết anh đã dùng số tiền này để cho Huyền Như vay và nhận tiền lãi từ Huyền Như thì anh phải chịu trách nhiệm với số tiền lãi vay đã được xác định”.

Chủ tọa phiên tòa cũng nhận định thêm: Hành vi của Chí là làm rối loạn an ninh tiền tệ, tuyên 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Cho vay lãi nặng” buộc nộp 570 triệu đồng, hiện ông Chí cho biết vẫn chưa nộp số tiền này.

Với phần thẩm vấn Tuyết Dung, Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân, bị tòa sơ thẩm phạt hai năm tù về tội cho vay nặng lãi. Huyền Như đã vay bị cáo này 265,7 tỉ đồng và đã trả 440,4 tỉ đồng cả gốc lẫn lãi. Bị cáo Dung khai: “Việc cho Huyền Như vay hàng trăm tỉ chỉ bằng... niềm tin. Số tiền này hoàn toàn không ghi vào sổ sách, tài sản thế chấp cũng không có chứng thực của cơ quan chức năng”.

Án sơ thẩm quy kết bị cáo Dung thu lãi bất chính hơn 174 tỉ đồng. Dung cho kết luận này là không đúng nhưng không đưa ra được lý lẽ để bác lại việc này. Bị cáo này chỉ nêu được số tiền 150 tỉ đồng cho Huyền Như vay mà chưa lấy được lại nên mong tòa dựa trên cơ sở này để xem xét giảm nhẹ. Còn Huyền Như khai: Bị cáo đã “nhờ” tài khoản của Dung mở tại Ngân hàng Eximbank để chuyển tiền chiếm đoạt từ ngân hàng ra ngoài chuyển trả nợ cho Dung và những người khác. Trong vụ án này, vì muốn có tiền thu hồi nợ của Như, Dung đã giúp sức Huyền Như lừa đảo 15 tỉ đồng của Ngân hàng VIB Chi nhánh TP.HCM. Với hành vi đồng phạm này, án sơ thẩm tuyên phạt Dung 10 năm tù về tội lừa đảo.

Trình bày với HĐXX, ông Nguyễn Duy Quang - chồng bị cáo Nguyễn Thị Lành xin HĐXX xem xét lại, trong 5 quyển sổ tiết kiệm bị kê biên có 2 quyển sổ với tổng số tiền là 5,9 tỷ đồng được mở tại VietinBank năm 2011 là của ông, từ thu nhập ông có được trong công việc. Thế nhưng, ông lại không chứng minh được đây là tài sản riêng của mình.

Đại diện Viện KSND tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa giải thích cho ông Quang biết rằng, việc kê biên tài sản là để đảm bảo cho việc thi hành án của bị cáo Lành, nếu trong quá trình thi hành án ông có thể chứng minh đó là tài sản của mình thì vẫn có thể được trả lại.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Kim Bình (cháu gái bị cáo Nguyễn Thiên Lý) xin bỏ lệnh kê biên đối với sổ tiết kiệm trị giá 19,13 tỷ đồng mở tại EximBank. Quyển sổ tiết kiệm này được kê biên nhằm đảm bảo việc thi hành án của bị cáo Thiên Lý. Theo bà Bình, sổ tiết kiệm tuy đứng tên của bà nhưng đó là tiền của mẹ bà, cũng là chị ruột bị cáo. Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Quảng Đức Tuyên chưa thẩm vấn thêm về vấn đề này.

Liên quan đến việc kháng cáo đề nghị tòa án cấp phúc thẩm trả lại một căn biệt thự thuộc dự án Nam Hai Resort (tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) có diện tích gần 3.000 m², trị giá 43 tỷ đồng cho mẹ bị cáo. Chủ tọa phiên tòa đặt vấn đề: “Nếu đây là tài sản của mẹ bị cáo, tại sao bị cáo lại đem bán cho người khác?” - “Bị cáo không bán, chỉ đem đi thế chấp”, bị cáo Như trả lời. Chủ tọa: “Tài sản đã thế chấp, tòa trả lại rồi sẽ thế nào? Vấn đề này HĐXX sẽ xem xét”. Tuy nhiên, tại phiên tòa hôm nay bà Lang đã không có mặt. Do bà Nguyễn Thị Lang vắng mặt tại phiên tòa, chủ tọa cho biết sẽ xem xét kháng cáo đòi biệt thự dựa trên đơn kháng cáo của đương sự này.

Ngày 24/12, tòa sẽ tiếp tục và bước vào phần tranh luận, báo SK&ĐS sẽ cập nhật thông tin trên trang www.suckhoedoisong.vn và trên các số báo tiếp sau.

Ngọc Đỗ - Thanh Phong

 

 


Ý kiến của bạn