Tháng 4 năm 2016, tôi may mắn được là một trong những thành viên của đoàn công tác số 4 do PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Anh hùng lao động, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai làm trưởng đoàn đi thăm, tặng quà và khám chữa bệnh cho các chiến sĩ đang canh giữ ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Thành phần tham gia chuyến công tác lần này có sự góp mặt của các bác sỹ bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế, Bộ Quốc Phòng, Quân chủng Hải quân, Câu lạc bộ Giám đốc các bệnh viện miền bắc, Truyền Hình Quân Đội và một số tờ báo. Chúng tôi đã có một chuyến đi đầy ý nghĩa đối với bản thân cũng như đối với các chiến sĩ nơi biển đảo.
Từ những ngày tuổi trẻ sôi sục, tôi được biết đến những đấu tranh quân sự và ngoại giao của Việt Nam liên quan đến chủ quyền biển đảo tại Hoàng Sa và Trường Sa. Khi ấy, với tình yêu đất nước, tôi luôn mong có một ngày được ra thăm các chiến sĩ nơi đảo xa, vừa để động viên, vừa để hiểu hơn về cuộc sống của các anh. Khi ấy, tôi mong ngóng được làm những việc tuy nhỏ nhưng thiết thực như quyên góp ủng hộ, cổ vũ tinh thần chiến sĩ, và được nói với các anh rằng, đất liền luôn hướng về biển đảo.
Bàn thờ 64 liệt sĩ hy sinh trong trận Gạc Ma 1988 đặt trong chùa Sinh Tồn
Vậy nên, khi nhận nhiệm vụ khám chữa bệnh cùng với đoàn công tác số 4, tôi đã hồi hộp chờ đợi đến ngày nhìn thấy từng hòn đảo, một phần máu thịt thiêng liêng của đất nước. Càng đặc biệt hơn, ngày chúng tôi bắt đầu khởi hành ra khơi cũng chính là ngày sinh nhật của tôi, một sinh nhật đáng nhớ giữa biển cả quê hương. Sự trùng hợp ấy giống như tôi đã được tái sinh giữa biển quê hương vậy. Nhưng hơn tất cả mọi cảm xúc là tình cảm của chúng tôi đều hướng đến các Anh, những người lính đang thực hiện nhiệm vụ chính trị thiêng liêng của tổ quốc giao cho.
Chúng tôi lênh đênh trên biển khoảng 30 giờ liên tục thì mảnh đất thiêng liêng đầu tiên đã hiện ra. Tôi chạy vội ra boong tàu, cảm xúc lúc ấy trào lên giống như một người mất phương hướng trên biển bỗng tìm thấy bóng dáng của đất liền. Mảnh đất của tổ quốc ta đây, đảo Đá Lớn hiện ra, nhỏ bé giữa biển cả mà kiên cường bất khuất, hiên ngang chấn giữ canh gác biển trời quê hương. Các Anh đã đứng ở đây, chào chúng tôi theo nghi thức quân đội. Chúng tôi đổ bộ lên đảo, những cái nắm tay, bắt tay thắm tình đồng chí giữa chúng tôi và các Anh khiến tôi có cảm giác đây là cuộc gặp gỡ sau nhiều năm xa cách của những người đồng đội với nhau.
Tác giả tại chùa Nam Yết, Trường Sa.
Trước khi đi, tôi cũng có mong mỏi như những người khác, sẽ mang về một thứ gì đó làm kỷ niệm như hòn đá, con ốc, hay cây bàng vuông - biểu tượng sức sống mãnh liệt của Trường Sa. Nhưng ngay từ những phút giây đầu tiên đặt chân lên đảo Đá Lớn, một cảm giác hối hận đã trào lên trong tôi. Lẽ ra, tôi nên mang một nắm đất quê hương đến với đảo xa, để vun đắp thêm sức sống nơi đây. Lẽ ra, tôi nên mang cho các em nhỏ nơi đây quà bánh của quê hương, sách vở và những cây viết. Lẽ ra tôi nên chuẩn bị nhiều hơn cho các Anh.
Chúng tôi cứ thế đi lần lượt các đảo, chia nhau ra để thăm hỏi, tặng quà, động viên, giao lưu văn nghệ và khám chữa bệnh. Các Anh tuy có khuôn mặt khác nhau, nhưng thần thái giống nhau: rất yêu đời, lạc quan, và luôn hướng về đất liền yêu thương. Tôi im lặng dõi theo các anh rồi nhận ra rằng, tôi cần khám bệnh cho các anh càng nhiều càng tốt, bởi đó là điều tốt nhất tôi có thể làm vào thời điểm này.
Hành trình hơn 3000 km đường biển của chúng tôi có hai lần dừng chân làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh ở Gạc Ma và ở khu vực nhà giàn DK1. Trong không khí đầy xúc động, giữa cái nắng cháy da cắt thịt của biển Đông, chúng tôi đã thắp những nén hương bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng đối với các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống. Hào khí ấy, tinh thần ấy như vẫn đang cuồn cuộn cháy bỏng trong lòng những người lính nơi đảo xa, và giờ lại được thắp lên trong lòng chúng tôi, những người lính áo trắng.
Khi bắt đầu chuyến đi lịch sử này, tôi cứ nghĩ mình sẽ mang hơi ấm của đất liền đến với các anh, nhưng không, các anh đã truyền lửa Trường Sa cho chúng tôi. Trở về với công việc quen thuộc, tôi như vẫn còn nghe vang đâu đây câu hát: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay”. Tôi biết câu hát này lâu rồi, đã nhiều lần hát lên thành lời, nhưng bây giờ tôi mới hiểu hết ý nghĩa của nó. Tất cả chúng ta đều đang nợ tổ quốc Việt Nam ta, tất cả chúng ta cần có trách nhiệm đối với chủ quyền biển đảo thiêng liêng, tất cả chúng ta cần giác ngộ một điều tưởng như đã biết: “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, và mãi mãi là như vậy”.
Xin trân trọng cảm ơn các Anh, những người chiến sĩ Trường Sa.
Một số hình ảnh trong chuyến công tác Trường Sa:
Ngọn hải đăng trên đảo Đá Tây.
Cột mốc chủ quyền trên đảo Phan Vinh, Trường Sa.
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Trường Sa.
Lễ tưởng niệm anh hùng liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa.
Các em nhỏ trên đảo Trường Sa.
Một con lợn được nuôi trên nhà giàn DK1
Cây ớt được trồng trên nhà giàn DK1