Tham nhũng trí tuệ và sự đổ vỡ nhân cách người thầy

31-05-2010 16:13 | Thời sự
google news

Khái niệm “tham nhũng” thường chỉ là chuyện tham tiền của có tính vật chất nhưng tham danh (là chủ yếu và trong đó có tiền)

Khái niệm “tham nhũng” thường chỉ là chuyện tham tiền của có tính vật chất nhưng tham danh (là chủ yếu và trong đó có tiền) của những người được gọi là thầy với vị trí khả kính trong xã hội khi đạo trí tuệ người khác làm của mình để làm nên những giáo trình dạy cho sinh viên quả là chuyện đáng xấu hổ và phải chăng đấy cũng là tham nhũng... trí tuệ

Dân ta có truyền thống tôn sư trọng đạo và người thầy luôn là tấm gương trước học trò. Những thầy có học hàm học vị cao đang giảng dạy sinh viên - những trí thức tương lai, nguồn chất xám của xã hội lại càng đáng được trân trọng. Thế nhưng, chuyện đạo trí tuệ của các thầy mà báo chí phát hiện quả không còn là chuyện riêng của những cá nhân bị “đạo” và đi “đạo”, thậm chí không còn là chuyện đáng xấu hổ của cả ngành đào tạo mà đấy còn là sự sỉ nhục giá trị người thầy trong quan niệm truyền thống dân tộc.

Vụ PGS.TS. Phan Thị Cúc và nhóm tác giả cộng sự thuộc Khoa Tài chính ngân hàng - ĐH Công nghiệp TP. HCM “xào nấu” trí tuệ của GS.TS. Trần Ngọc Thơ và nhóm tác giả cộng sự thuộc ĐH Kinh tế TP. HCM để làm nên những giáo trình khác do mình đứng tên khiến không chỉ sinh viên mà cả xã hội đều xôn xao và phẫn nộ. Đó là một thái độ đúng bởi tham nhũng sang cả lĩnh vực trí tuệ mà kẻ tham nhũng lại là thầy có học hàm học vị cao trong xã hội thì sự phát triển và tồn tại của xã hội quả là đang đứng trước nguy cơ.

 Sao chép cũng là một hình thức tham nhũng trí tuệ ở thời công nghệ cao. Ảnh: TL

Chính vì thế nên dư luận đồng tình và ủng hộ nạn nhân GS.TS. Trần Ngọc Thơ khi ông đã chứng minh rành rọt công trình Tài chính quốc tế của mình và cộng sự bị đánh cắp như thế nào và yêu cầu nhóm tác giả của Trường đại học Công nghiệp TP. HCM phải có lời xin lỗi. Xã hội càng ủng hộ GS.TS. Trần Ngọc Thơ hơn khi ông lên diễn đàn báo chí chỉ trích gay gắt hành vi “luộc” giáo trình của nhóm tác giả Phan Thị Cúc. Với tư cách bị hại, GS. Thơ lên án mạnh mẽ tệ nạn “đạo văn”, “luộc” sách, thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân và khẳng định “chiến lược phát triển và phổ cập giáo dục ĐH đang bộc lộ những bất cập nghiêm trọng” đã góp phần làm cho chất lượng giáo dục ĐH đi xuống. Kết cục, PGS.TS. Phan Thị Cúc bị sốc phải vào điều trị tại BV Thống Nhất và sau đó phải chịu kỷ luật của trường.

Tưởng vụ đạo sách đã hạ màn nhưng kịch tính bất ngờ phát triển khi nạn nhân của vụ đạo sách này lại chính là thủ phạm của vụ đạo sách khác cũng quanh nội dung giáo trình bị đạo. Hóa ra nhóm người bị “thó” trí tuệ lại cũng “thó” từ sách nước ngoài để làm ra thứ bị “thó”. Những người hiểu biết và quan tâm lĩnh vực này lại phát hiện ra giáo trình Tài chính quốc tế của GS.TS. Trần Ngọc Thơ và cộng sự đã “thó” lại gần như nguyên vẹn giáo trình  International Financial Managenment của GS. Jeff Madura của ĐH Florida Atlantic, Mỹ.

Lúc này thì GS.TS. Trần Ngọc Thơ không còn nhiệt tình và hùng hồn như trước ngoài việc dè dặt thanh minh: “Có thể có thiếu sót về một số danh mục tài liệu tham khảo, nhưng chúng tôi không cố ý. Có lẽ chúng tôi sẽ liệt kê toàn bộ nguồn tài liệu tham khảo trong lần tái bản tới. Qua vụ này, chúng tôi có thêm bài học rằng danh mục tài liệu tham khảo là rất quan trọng”. Quả là ngây thơ như thể sinh viên giải thích trong khi ông đang với tư cách là một vị GS.TS. đáng kính!

Đạo văn của đồng nghiệp trong nước đã là quá tồi tệ song đạo dịch của nước ngoài làm của mình khi không ghi rõ nguồn tư liệu chắc còn nguy hại hơn vì danh dự một quốc gia với uy tín khoa học của quốc gia ấy sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.Tác giả bài báo này khi đưa ra khái niệm “tham nhũng trí tuệ” cũng là “luộc” một nửa khái niệm “tham nhũng học thuật” của chính GS. Thơ khi ông hùng hồn ở vị trí nạn nhân. Tuy nhiên, chắc phải gọi là tham nhũng trí tuệ mới có thể chính xác hơn.

Nước ta có nhiều giáo sư, tiến sĩ vào loại nhất khu vực nhưng công trình khoa học có giá trị lại không tương xứng với khoảng cách tỷ lệ xa vời. Nghe nói lại sắp có khu “Văn miếu mới” để tạc danh những tiến sĩ nước nhà và không biết trong trùng điệp hàng bia tiến sĩ mới có bao nhiêu nhân vật khả kính tồn tại tên tuổi bằng trí tuệ người khác. Có lẽ điều này không đáng lo lắm bởi cuộc sống luôn biết phân biệt thật giả. Cái đáng lo là nhân cách bị đổ vỡ của những người thầy có bằng cấp, học hàm học vị cao đầy khả kính đang đào tạo cho nước nhà đội ngũ trí thức tương lai như cô Cúc, thầy Thơ...

Lê Đức Trí


Ý kiến của bạn