Đó là căn nhà gỗ. Tường nhà cũng được xếp bằng những cây gỗ còn nguyên cả vỏ. Đây là kiểu nhà rất quen thuộc của những người nông dân Nga xưa. Quanh nhà là một khu vườn rộng lúc nào cũng ầm ĩ tiếng quạ. Ở bất cứ phòng nào trong ngôi nhà này, nhìn qua ô cửa sổ, ta cũng thấy ngọn tháp nhà thờ cổ kính. Sau nhà thờ là cánh đồng cỏ. Vát qua khu đồng cỏ là dòng sông Ô ka nằm mơ màng trong sương khói. Đây là nơi lưu giữ tuổi thơ của Xéc gây Exênhin. Lò nướng bánh mì của cha. Tấm áo choàng của mẹ. Gian bếp với ấm Samôva. Chiếc vali cói cùng Xergay (Xéc gây) lần đầu lên thành phố Matxcova. X. Exeenhin đã viết khá nhiều thơ về vùng đất này. Làng quê giờ vẫn vậy. Vẫn còn cây bạch dương, nơi Xéc gây từng ngồi chơi với bạn chăn cừu. Chính người bạn “bằng gỗ” này đã kể cho Xéc gây nghe chuyện anh bạn chăn bò đã đến đây ngồi khóc về mối tình không thành với một cô gái quê. Xéc gây cũng hiểu được bao nỗi niềm của cây, cả những nỗi buồn giấu trong từng thớ gỗ. Bây giờ, cây bạch dương đã trên trăm tuổi, mà trông vẫn xanh mướt. Hình như chính những câu thơ có sức sống vĩnh cửu của Xéc gây đã làm cho cây không có tuổi già.
Đối với nước Nga, mùa xuân là mùa tưng bừng nhất trong năm, được coi là mùa của sự sống, mùa của cảm xúc thăng hoa, mùa của tình yêu, mùa của những khởi đầu tốt đẹp...
Trước khi tới đây, tôi cứ băn khoăn mãi về một câu thơ của Xergay trong bài Thư gửi mẹ. Câu thơ rất đơn giản, câu chữ cũng chẳng có gì phức tạp, nhưng tôi cứ lật đi lật lại mãi mà vẫn không sao hiểu được. Nếu dịch cho thật sát nghĩa: “Con sẽ trở về khu vườn trắng của nhà ta”. Tại sao lại là khu vườn trắng? Vườn chìm trong tuyết chăng? Tôi đã thấy những khu vườn Nga trắng xóa trong tuyết. Trắng đến chói chang. Trắng đến nhức mắt. Cây cối rụng hết lá, chỉ còn những thân cành trần trụi, khô khỏng. Đi trong vườn mà ta có cảm giác như lạc dưới đáy biển. Tuyết đã đắp cho cây thành một rừng san hô trắng xóa. Nhưng mùa xuân đến rồi, làm sao còn tuyết nữa? Vậy thì sao khu vườn lại trắng được?
Tôi mang nỗi băn khoăn ấy về thăm căn nhà của Xéc gây ở làng Kôngxtăngtinnovo, tỉnh Riazan, đúng vào dịp mùa xuân như Xéc gây đã viết. Đối với nước Nga, mùa xuân là mùa tưng bừng nhất trong năm. Sau một thời gian dài đến gần sáu tháng, cây cỏ, đất đai ủ sâu trong tuyết. Mùa xuân, tuyết bắt đầu tan. Cây cối đâm chồi nảy lộc. Tất cả đều hối hả và gấp gáp. Bắt đầu là những búp non, chỉ sau một đêm, nhìn đã thấy khác. Rồi qua mấy ngày, cả khu vườn đã óng nuột, mỡ màng. Lá và hoa cùng trổ một lúc. Có khi hoa còn nhiều hơn lá. Hoa phủ kín vòm cây. Cả khu vườn của Xéc gây trắng xóa những hoa. Hoa mận. Hoa táo. Hoa tử đinh hương. Và bạt ngàn hàng trăm thứ hoa khác mà tôi chịu không thể biết được tên. Căn nhà gỗ của Xéc gây ướp trong làn hương thơm ngào ngạt. Đến 8 giờ tối rồi mà ngôi nhà vẫn rực lên trong quầng sáng kỳ lạ. Đó là thứ ánh sáng tỏa ra từ hoa. Tôi chưa gặp ở đâu vùng sáng kỳ ảo, mộng mị và ma quái đến như thế. Chỉ lúc ấy, tôi mới thấm thía câu thơ rất đơn giản của Xéc gây và thấy nó hay đến lạ lùng.
Xéc gây Exênhin là nhà thơ thiên tài Nga. Những năm gần đây, giới phê bình nghiên cứu và đông đảo bạn đọc Nga đặt ông bên cạnh A. Puskin, L. Tonxtoi, A. Tsêkhop, F. Dostoepxki, N. Gôgol, và nhiều tên tuổi lớn của nền văn học Nga. Đề tài chính trong các sáng tác xuất sắc của ông chỉ là những chuyện rất vặt vãnh. Ông viết về con bò, con chó, con sói, con cáo, cây bạch dương, cánh đồng sau vụ gặt..., rồi những người nông dân bình dị, quen thuộc trong cái làng quê nhỏ bé của mình. “Tôi là nhà thơ cuối cùng của làng quê”. Xéc gây đã từng nói vậy. Và quả đúng như thế. Sau Xéc gây, ở nước Nga, hầu như không còn thi sĩ nào viết hay về làng quê nữa. Nói như M. Gorki, Xéc gây Exênhin là một đấng kỳ diệu mà thiên nhiên Nga đã tạo ra để cất lên nỗi buồn Nga, những nỗi niềm của làng quê và đồng ruộng nước Nga vàng.
Xung quanh cái chết của X. Exenhin, báo chí Nga thời “cải tổ” bàn đến khá nhiều. Có người cho rằng, Xéc gây bị Stalin bức hại. Điều này rất khó có sức thuyết phục. Đối với giới chính trị, văn nghệ sĩ chỉ là một thứ con hát, chẳng có gì quan trọng. X. Exenhin không phải là đối thủ của Stalin. Vậy thì ông ta bức hại Xéc gây để làm gì? Cũng có người cho rằng, Xéc gây tự tử vì tình ái. Điều này cũng khó tin nữa. Bởi Xéc gây là thi sĩ rất nổi tiếng. Đi đâu ông cũng được công chúng yêu mến, đặc biệt là các cô gái. Tôi không tin những tài năng lớn, những tâm hồn lớn như ông lại chết đuối trong một cái đĩa đèn.
Lần giở những sáng tác của Xéc gây Exenhin những năm cuối đời, đặc biệt là năm 1924-1925, ta thấy ông sống rất nặng nề. Tâm trạng thất vọng, u uất ấy phản ánh rất rõ trong bài thơ Con người đen tối viết năm 1924. Xéc gây Exenhin rất yêu Lênin và ông luôn hướng về Cách mạng Tháng Mười. Nhưng rồi ông lại thất vọng, vì cuộc đời đâu có phải như ông nghĩ. Trong bài Thư trả lời gửi cho mẹ, Xéc gây đã thuật lại bức thư của mẹ viết cho ông từ làng Côngxtangtinnovo:
Hãy về đi, con bồ câu của mẹ
Con hãy trở về vào ngày lễ nhé
Nhớ mua cho mẹ cái khăn San
Mua cho bố cái tẩu
Ở nhà ta bây giờ
Vô cùng túng thiếu
Mẹ chẳng muốn mình mang nỗi âu lo
Rằng con là nhà thơ
Con đã kết bạn bầu
Với niềm vinh quang tồi tệ
Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu từ ngày thơ bé
Con chỉ giản đơn là một thợ cày…
Rồi bà kể cho con trai nghe về bọn chính quyền địa phương đã đến nhũng nhiễu, o ép gia đình cũng như bà con dân làng khốn khổ như thế nào:
Bố mẹ sống mỗi ngày
Như trong bóng tối
Xéc gây đau đớn lắm. Ông tâm sự với mẹ:
Cả nước Nga bây giờ
Chỉ là một hành tinh lạnh buốt
Mà vầng mặt trời Lê nin
Cũng không sưởi ấm được
Chính vì thế, con buồn
Uống rượu, đánh nhau và đi lang thang…
Sau đó gần một năm, Xéc gây Exenhin đã treo cổ tự tử.
Bấy lâu nay, chúng ta đã bàn khá nhiều về việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Cuộc đời và tác phẩm của Xéc gây Exênhin đã cho ta bài học khá thú vị về vấn đề cấp thiết này. Sở dĩ tác phẩm của Xéc gây Exênhin được đông đảo bạn đọc thế giới đón nhận nồng nhiệt vì ông là nhà thơ rất Nga và cũng rất nhân loại. Dường như suốt đời, Xéc gây chỉ viết về cái làng quê nhỏ bé của mình. Nhưng để viết hay về cái làng quê nhỏ bé ấy, Xéc gây lại phải đi ra với thế giới rộng lớn. Xéc gây rời làng quê từ năm 14 tuổi, nghĩa là còn ở tuổi vị thành niên. Ông lang thang ở Matxcova, Xanh-Peterbua. Không những thế, ông còn lấy vợ Mỹ, rồi sống ở Pháp, ở Ý, ở Mỹ và nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới. Rồi bằng con mắt rộng lớn của nhân loại, ông ngắm lại con bò, con chó, cây bạch dương và hồ nước cụ thể ở cái làng quê nhỏ bé của mình. Chính vì vậy, ông phát hiện ra những vẻ đẹp Nga, những tinh chất Nga, mà nhiều khi ở lâu trong nước, chỉ quẩn quanh trong nước lại không thể nhìn ra được. Chính vì thế mà tác phẩm của ông mới có tầm nhân loại. Và chỉ khi có tầm nhân loại, nó mới vượt qua được ao hồ đồng ruộng Riazan, vượt qua cả những dãy núi sừng sững của biên giới nước Nga mà đến được với bạn đọc toàn cầu...