Việc không thể không làm đối với những trí thức đến tham quan Kolkata là thăm tư gia nổi tiếng của đại thi hào Rabindranath Tagore - người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel (1913). Nhà lưu niệm Rabindranath Tagore nằm trong khuôn viên Trường đại học Rabindra Bharati ở 6/4 đường Dwarakanath Tagore Lane Jorasanko. Ngôi nhà vẫn được giữ nguyên trạng như lúc gia đình Tagore còn sống và giờ trở thành viện bảo tàng của thành phố.
Đại thi hào Rabindranath Tagore
Những người đi cùng nhóm phần lớn chỉ biết đến tên nhà thơ Tagore mà không biết thân thế của ông, kinh ngạc khi thấy tư dinh của một người viết mà lại to rộng, sang trọng như biệt thự của một vị quan. Tôi bảo họ rằng Tagore xuất thân từ một gia đình quý tộc trâm anh thế phiệt, nếu không thế thì đâu còn tâm trí nào mà có thể làm thơ. Quả thế, Tagore lúc sinh thời vẫn coi ngôi nhà mình là thiên đường với sân trước và sân trong rộng rãi, ba tầng gác thiết kế thông thoáng khác hẳn lối kiến trúc nội thất âm u của người Ấn. Đã đi một vòng quanh Kolkata, tôi đoán điều kiện sống của người Calcuta khi còn là thủ đô của Ấn Độ thời thuộc địa Anh (đến năm 1911) còn tồi tệ hơn thế này. Nếu không được sinh ra từ một môi trường văn hóa ưu việt (cha ông cũng là một nhà triết học và hoạt động xã hội nổi tiếng) và đầy đủ về vật chất thì cũng khó lòng mà yêu thơ được trong một ngôi nhà nằm giữa khu ổ chuột ngột ngạt mùi cống rãnh giữa cái nóng 40 độ C. Bảo tàng Rabindranath Tagore vẫn giữ nguyên bản những căn phòng và đồ đạc như thời chủ nhân lừng lẫy của nó còn sống và làm việc. Có một phòng riêng trưng bày những bức tranh của Tagore, một phòng treo chân dung những nhân vật trong gia tộc Tagore, tất cả đều là đàn ông, phụ nữ, chỉ duy nhất một người được phép xuất hiện trên tường là thân mẫu của nhà thơ.
Sân trong của căn biệt thự lộng lẫy
Bức tượng Đại thi hào Tagore bên ngoài
Khác với tư dinh lộng lẫy của Tagore, phòng làm việc của Mẹ Teresa - nhân vật vĩ đại thứ hai của Kolkata được giải Nobel, nằm trong nhà thờ dòng Thừa sai Bác ái ở số nhà 54A đường Bose, chỉ kê vừa chiếc giường đơn tí hon, một bộ bàn ghế gỗ tạp dùng để tiếp khách và tủ quần áo đựng vài đồ dùng cá nhân sơ sài. Vật trang trí duy nhất trên tường là hình Chúa Jesus bị đóng đinh trên cây thập giá giữa vòng thép gai. Lúc sinh thời, căn phòng nửa thế kỷ (1950 - 1997) được coi là luôn nóng khủng khiếp vì dù thời tiết thế nào, Mẹ Teresa cũng không bao giờ bật quạt (cho dù vị trí của nó ở ngay trên nóc bếp) như thể chịu đựng sức nóng của Ấn Độ là một cách tu hành khổ hạnh của người phụ nữ vĩ đại gốc Albani. Mẹ Teresa đến Ấn Độ từ năm 19 tuổi và trút hơi thở cuối cùng nơi xứ sở định mệnh. Trên trang tư vấn du lịch, Mother Teresa’s House được đánh giá là nơi đáng đến nhất ở Kolkata vì sự yên bình, thanh sạch. Ngôi nhà của dòng tu này vô cùng đơn sơ nhưng luôn thu hút cả người mộ đạo lẫn khách tham quan. Khi tôi đến cũng thấy các xơ đang làm lễ bên một chiếc bàn đá trắng có xếp chữ “Prayer is longing for God” bằng cánh hoa cúc. Trong tiếng kinh cầu nguyện du dương, những con chiên ngoan đạo cúi rạp đầu trên phiến đá trắng và kính cẩn trước bức tượng Mẹ Teresa - nhân vật được dân Ấn coi như một vị thánh. Mẹ Teresa, người sáng lập ra dòng Thừa sai Bác ái, được họa sĩ miêu tả với đôi mắt u uẩn, xót thương đang đi giữa những cánh tay gầy guộc vươn lên từ dưới vũng lầy tăm tối, những bàn tay khẳng khiu vì đói khát, nghèo túng và bệnh tật. Ngay bên cạnh phòng cầu nguyện là bảo tàng Mẹ Teresa - nơi lưu giữ những bức ảnh tư liệu, những bức thư với bút tích của Mẹ, đôi dép da sờn cũ Mẹ tự khâu, chiếc áo vải đơn sơ và cả kim tiêm, dây truyền dịch dùng để chữa bệnh cho Mẹ những ngày cuối cùng.
Một nhân vật ngoại quốc nổi tiếng nữa ở Kolkata cũng có hẳn một viện bảo tàng hoành tráng gấp ngàn lần ngôi nhà nguyện đơn sơ của Mother Teresa. Trước khi sang Ấn, tôi có viết thư cho nhà thơ Gayatri Majumdar đề nghị chị cung cấp cho một số thông tin hữu ích. Gayatri chỉ gợi ý tôi nên đến tham quan Park Street và Victoria Memorial Hall. Lúc ấy, tôi đoán đó là một khu phố đi bộ lừng danh và hào nhoáng. Nhưng khi đến nơi, thấy không khác gì những con phố xưa cũ trong nội đô cùng một vẻ buồn tẻ như thế, chỉ giữ lại chút gì nhọc nhằn từ thời thuộc địa. Và cuối cùng, nơi tráng lệ và đẹp đẽ duy nhất của Kolkata lại không mang tên người Ấn: Victoria Memorial Hall. Nhà tưởng niệm nữ hoàng Victoria nằm trong một khuôn viên rộng lớn xanh mướt cỏ cây và hồ nước. Công trình này không những ngốn một khoản tiền khổng lồ của chính phủ Ấn Độ từ lúc xây dựng mà hàng ngày vẫn phải vô cùng tốn kém để duy trì sự chăm sóc ngặt nghèo mới có thể giữ được vẻ mỹ miều đến như thế giữa một thành phố lầm bụi. Giờ công trình này cũng đồng thời là bảo tàng lưu giữ những hiện vật từ thời nữ hoàng Victoria. Nó nằm ở nơi sáng sủa nhất thành Kolkata, được bao quanh bởi một con đường có lẽ cũng khang trang nhất và ở cổng luôn có lính gác kèm xe bọc thép. Nếu không thế, rất dễ tưởng đâu Kolkata cứ nguyên như vậy, chẳng hề thay đổi từ mãi thế kỷ 19.
Di Li