Thăm ngôi chùa từng là nhà làm việc của bác sĩ Yersin

18-12-2023 09:44 | Xã hội
google news

SKĐS - Có một ngôi chùa gắn liền với cuộc đời bác sĩ Yersin, đó là chùa Linh Sơn Pháp Ấn (xã Suối Cát, Cam Lâm, Khánh Hòa). Ngôi chùa này chính là nhà làm việc và nghiên cứu y khoa của bác sĩ Yersin trước đây.

Bác sĩ xây nhà để nghiên cứu

Theo tư liệu còn lưu lại tại chùa Linh Sơn Pháp Ấn và Hội ái mộ bác sĩ Yersin (Khánh Hòa), năm 1895, bác sĩ Yersin đến Trại chăn nuôi Suối Dầu thì phát hiện một khu đất trống, nằm tựa lưng vào núi, bao bọc bởi bạt ngàn cây xanh nên quyết định xây dựng tại khu đất này một ngôi nhà để ở và nghiên cứu y khoa.

Sau khi xây dựng xong ngôi nhà, bác sĩ Yersin viết thư về cho mẹ, tả lại rằng: "Nơi con ở là một căn nhà bên triền đồi, nhìn xa xa là trại chăn nuôi thực nghiệm và núi rừng xanh biếc thôi thúc con nghiên cứu, khám phá thiên nhiên và các công trình liên quan y học. Dưới chân đồi nơi con ở là con đường mòn chạy ngang qua".

Con đường mòn ngày ấy là Quốc lộ 1A trước chùa bây giờ, còn căn nhà bên triền đồi của bác sĩ chính là chùa Linh Sơn ngày nay.

Năm 1943, bác sĩ Yersin qua đời, nhà làm việc của ông được giao lại cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa quản lý và sau này được tu bổ, xây dựng thành chùa Linh Sơn Pháp Ấn.

Thăm ngôi chùa từng là nhà làm việc của bác sĩ Yersin- Ảnh 1.

Chùa Linh Sơn Pháp Ấn là nhà làm việc của bác sĩ Yersin trước đây.

Bên cạnh các hạng mục, công trình được xây dựng mới, căn nhà do bác sĩ Yersin xây dựng trước đây vẫn giữ nguyên hiện trạng, dùng để thờ cúng Phật và đặt bàn thờ bác sĩ Yersin…

Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa khẳng định, chùa Linh Sơn Pháp Ấn chính là nhà làm việc của bác sĩ Yersin trước đây, là một trong những địa danh gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp nghiên cứu khoa học của ông. Ngày 28/9/1990, Bộ Văn hóa - Thông tin đã có quyết định công nhận chùa Linh Sơn Pháp Ấn là di tích quốc gia.

Thăm ngôi chùa từng là nhà làm việc của bác sĩ Yersin- Ảnh 2.

Bàn thờ của bác sĩ Yersin tại chùa Linh Sơn Pháp Ấn.

Đến chùa Linh Sơn Pháp Ấn ngày nay, khách thập phương cũng như đông đảo thầy thuốc được xem nhiều tư liệu về cuộc đời bác sĩ Yersin. Đồng thời được nghe các nhà sư trong chùa kể thêm về những cống hiến của người bác sĩ vĩ đại.

Bác sĩ Yersin (sinh năm 1863, tại bang Vaud, Thụy Sỹ), ông vừa là bác sĩ vừa là nhà khoa học nghiên cứu về vi khuẩn học, thiên văn học, nông học. Ông là người sáng lập ra Viện Pasteur Hà Nội; Viện Pasteur Đà Lạt; Viện Pasteur Nha Trang; Hiệu trưởng Trường Y khoa Đông Dương (nay là Đại học Y Hà Nội); Viện trưởng danh dự Viện Pasteur Paris…

Bác sĩ Yersin cũng là người đầu tiên tìm ra vi khuẩn dịch hạch, đồng thời nghiên cứu, điều chế thành công vaccine phòng chống dịch bệnh.

Tháng 3/1943, bác sĩ Yersin mất tại Khánh Hòa và theo di nguyện của ông, mộ phần của ông được đặt tại Suối Dầu (Cam Lâm).

Thăm ngôi chùa từng là nhà làm việc của bác sĩ Yersin- Ảnh 3.

Bên cạnh việc đặt bàn thờ bác sĩ Yersin, ngôi nhà của ông xây trước đây còn được dùng để làm nơi thờ Phật.

Bên cạnh bàn thờ của bác sĩ Yersin tại chùa Linh Sơn Pháp Ấp còn có cuốn sổ dày ghi lại những dòng lưu bút đầy xúc cảm của đông đảo người dân, thầy thuốc dành cho ông khi đến thăm chùa.

Một du khách tên Nguyễn Thảo ghi: "Thế hệ trẻ chúng con mãi ghi nhớ công lao vĩ đại của bác sĩ Yersin, đóng góp của ông cho nền y học luôn được mọi người trân trọng. Mỗi lần đến thăm chùa cũng là một lần được nghiêng mình kính cẩn, tưởng nhớ ông, được biết đến căn nhà làm việc của ông".

Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa)  ghi: "Luôn trân trọng tri ân bác sĩ Yersin, một nhà khoa học vĩ đại có trái tim nhân ái đã giúp cho nhân loại thoát khỏi đại dịch và để lại nhiều công trình cho muôn đời sau…".

Thăm ngôi chùa từng là nhà làm việc của bác sĩ Yersin- Ảnh 4.

Một số cây gỗ do chính tay bác sĩ Yersin trồng tại chùa Linh Sơn Pháp Ấn ngày nay đã thành Cây di sản.

Khách đến chùa Linh Sơn Pháp Ấn còn được trực tiếp xem nhiều cây gỗ quý do chính tay bác sĩ Yersin trồng. Đặc biệt là 3 cây Teak, nằm ngay vị trí trung tâm của chùa, trải qua thời gian, bóng cây phủ mát cả một góc chùa. Cả 3 cây này đã được Hội Bảo trợ môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản; Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VIETKINGS) công nhận là cây bách niên cổ mộc.

Alexandre Yersin qua tiểu thuyết Dịch hạch và thổ tảAlexandre Yersin qua tiểu thuyết Dịch hạch và thổ tả

Một lần nữa chân dung của bác sĩ, nhà khoa học nổi tiếng Alexandre Yersin (1863-1943) đã sống lại qua cuốn tiểu thuyết Dịch hạch và thổ tả/Peste et Choléra của nhà văn Patrick Deville. Tác phẩm vừa đoạt giải Femina - một giải thưởng danh giá ở Pháp, chỉ sau giải Goncourt.


Đông Hưng
Ý kiến của bạn