Hà Nội

Thâm nám mặt, nách và nhiều vùng da khi mang thai có phải là dấu hiệu bệnh?

08-09-2022 06:55 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Nhiều thai phụ xuất hiện những mảng da sẫm màu trên khuôn mặt (nám da), các vùng da trên cơ thể trở nên sẫm màu như vùng da cổ, da nách, da bụng và vùng kín. Vì sao hiện tượng này phát triển trong thai kỳ và điều trị thế nào?

1. Nám da khi mang thai

Quá trình mang thai có thể khiến tóc và da của nhiều phụ nữ thay đổi, có thể đẹp lên nhưng cũng có thể xấu đi.

Hiện tượng thâm nám da là một chứng rối loạn da trong đó các tế bào hắc tố (tế bào tạo màu) trong da của bạn sản xuất thêm sắc tố vì một lý do nào đó. Trong thai kỳ, nó thường được gọi là chloasma, hoặc "mặt nạ của thai kỳ", hiện tượng này chỉ gây ảnh hưởng về thẩm mỹ chứ không ảnh hưởng đến thai nhi hay gây ra biến chứng thai kỳ nào khác.

Những người có nhiều sắc tố hơn trên da có nhiều khả năng phát triển bệnh nám da hơn, vì họ tự nhiên có sản xuất melanin tích cực hơn.

Thâm nám mặt, nách và nhiều vùng da khi mang thai có phải là dấu hiệu bệnh? - Ảnh 1.

Tăng sắc tố da khi mang thai rất phổ biến.

2. Các triệu chứng của thâm nám da khi mang thai

Triệu chứng chính của thâm nám da là sạm da trên mặt và một số vùng da khác trên cơ thể. Bạn có thể nhận thấy các mảng hoặc đốm sẫm màu trên trán, má, cằm hoặc quanh miệng, vùng nách, vùng bụng... Các vùng da khác trên cơ thể cũng có thể nám đen. Những khu vực này có thể trở nên sẫm màu hơn khi bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều hơn khi mang thai.

Lưu ý, đau nhức hay ngứa không phải là triệu chứng của nám da do đó, nếu thai phụ gặp những dấu hiệu này hoặc phát triển kích ứng nghiêm trọng, bạn có thể đang gặp một tình trạng khác. Khi đó nên đi khám để tìm nguyên nhân. Ví dụ, các bác sĩ da liễu có thể chẩn đoán tình trạng da có phải do vi khuẩn, nấm hay các vấn đề liên quan khác hay không.

3. Nguyên nhân gây nám da khi mang thai

Tăng sắc tố da khi mang thai rất phổ biến. Bà bầu có thể nhận thấy núm vú, quầng vú, nách hoặc một đường (linea nigra) kéo dài từ vùng mu trên bụng, hoặc bộ phận sinh dục của mình trở nên sẫm màu hơn, thậm chí sạm da khắp cơ thể.

Thay đổi nội tiết tố, đặc biệt là dư thừa estrogen và progesterone, là nguyên nhân chính gây ra nám da khi mang thai. Ngoài ra, các mảng tối trên mặt có thể trầm trọng hơn do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, sử dụng một số sản phẩm hoặc phương pháp điều trị chăm sóc da và thậm chí là do di truyền.

Chloasma cũng có thể trở nên tồi tệ hơn do sự mất cân bằng nội tiết tố có thể đã xuất hiện ngay cả trước khi mang thai. Các hormone kích thích tế bào hắc tố của cơ thể sẽ phản ứng với những tác nhân này bằng cách tạo ra sự dư thừa của các sắc tố bảo vệ (các mảng tối) trên da được gọi là melanin.

Thâm nám mặt, nách và nhiều vùng da khi mang thai có phải là dấu hiệu bệnh? - Ảnh 2.

Thâm nám da có thể bắt đầu ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ.

4. Khi nào xảy ra nám da trong thai kỳ?

Nám da có thể bắt đầu ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ, nhưng phổ biến hơn là thường bắt đầu vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng giữa.

Có nhiều yếu tố tác động đến sắc tố sẫm màu. Màu da và loại da của bạn có thể khiến tình trạng này ít nhiều dễ nhận thấy. Việc bạn ra nắng nhiều hay thậm chí thời gian trong năm khi bạn mang thai cũng có thể ảnh hưởng đến thời điểm bạn nhận thấy lần đầu tiên.

5. Sau sinh có hết thâm nám không?

Tin tốt là tình trạng tăng sắc tố này có thể sẽ không trở nên tồi tệ hơn sau khi bạn sinh con và biến mất hoàn toàn mà không cần bất kỳ phương pháp điều trị nhắm mục tiêu nào.

Theo TS.BS Lê Thị Anh Đào, BV. Phụ sản Hà Nội việc bị thâm một số vùng da trên cơ thể trong giai đoạn mang thai là hiện tượng khá phổ biến, liên quan đến việc tăng các nội tiết do thai nghén. Không chỉ có vùng nách mà nhiều vùng da trên cơ thể có hiện tượng tăng sắc tố này như vùng mặt, vùng da bụng, vùng kín. Những vùng da bị thâm này sẽ được phục hồi trở lại sau sinh. Có thể sử dụng một số loại kem an toàn như kem chống nắng.

6. Phương pháp điều trị an toàn khi mang thai

Thai phụ nên trao đổi với bác sĩ về các cách điều trị nám da khi mang thai. Đa số trường hợp thâm nám sẽ giảm dần và mất đi sau sinh nhưng trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể giới thiệu đến bác sĩ da liễu. Thai phụ lưu ý không tự ý sử dụng các bài thuốc hoặc mua các loại kem bôi không rõ nguồn gốc, xuất xứ vì có thể không an toàn hoặc không hiệu quả khi sử dụng.

Quá trình điều trị tốt nhất thực sự mà các thai phụ có thể là phòng ngừa bằng cách thực hiện một số thói quen trong lối sống như mặc quần áo rộng rãi, mang mũ rộng vành, đeo kính râm để mang lại cảm giác thoải mái và bảo vệ làn da của mình.

Hạn chế tiếp xúc nắng

Vì mặt trời có thể kích hoạt sự phát triển của nhiều sắc tố hơn, bà bầu nên tránh xa các tia sáng của mặt trời, đặc biệt là trong thời gian dài. Hạn chế tắm nắng, đi biển vào lúc trời nắng to và thay vào đó hãy thử thư giãn dưới tán cây hoặc ô.

Nếu bạn đang tập thể dục, hãy cố gắng tránh những giờ nắng cao điểm, nên tập sáng sớm hoặc muộn hơn vào buổi tối khi mặt trời xuống thấp.

Thâm nám mặt, nách và nhiều vùng da khi mang thai có phải là dấu hiệu bệnh? - Ảnh 5.

Bà bầu không nên tắm nắng, đi biển vào lúc trời nắng to.

Dùng kem chống nắng

Sử dụng kem chống nắng an toàn cho bà bầu khi cần ra ngoài lúc trời nắng. Chuyên gia khuyên bà bầu nên tìm kiếm các sản phẩm có chứa oxit kẽm, titanium dioxide hoặc các chất ngăn chặn vật lý khác (kem chống nắng khoáng) thay vì những sản phẩm dựa trên chất ngăn chặn hóa học. Kem chống nắng ngăn chặn vật lý có xu hướng bảo vệ rộng hơn và có thể ít gây kích ứng da hơn.

Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da nhẹ nhàng

Sữa rửa mặt, kem dưỡng da và serum gây kích ứng da có thể khiến tình trạng nám da trở nên trầm trọng hơn. Thay vào đó, hãy tập trung vào các sản phẩm nhẹ nhàng. Đọc kỹ trên nhãn những từ như "không gây dị ứng", "nhạy cảm", "không chứa hương thơm" hoặc "bác sĩ da liễu đã phê duyệt" để có sự lựa chọn an toàn.

Thử các phương pháp và đắp mặt nạ tại nhà

Bà bầu có thể làm mờ vết nám bằng cách sử dụng các nguyên liệu sẵn có trong nhà. Mặc dù không có nghiên cứu cụ thể nào về các phương pháp này đối với chloasma, nhưng có thể tham khảo các phương pháp điều trị tại chỗ sau đây:

Nước chanh: Trộn một dung dịch gồm nước cốt nửa quả chanh tươi và nửa quả dưa chuột hoặc nước lọc. Axit trong nước ép có thể giúp loại bỏ sắc tố ở lớp trên cùng của da. Theo chuyên gia da liễu, cần lưu ý khi làm trắng da với chanh: Không được sử dụng thường xuyên vì có thể khiến da yếu đi, mỗi lần đắp không quá 15 phút vì để tránh làm cho da mặt bị bào mòn. Dùng thêm kem dưỡng ẩm để bổ sung thêm độ ẩm cho da.

Bột yến mạch và mật ong: Đắp mặt nạ làm từ bột yến mạch nấu chín (để nguội bớt để không còn nóng) và mật ong nguyên chất. Để trên da trong 10 phút trước khi rửa sạch. Mặt nạ giúp tẩy tế bào chết và các enzym trong mật ong có thể làm sáng da một chút.

Thâm nám mặt, nách và nhiều vùng da khi mang thai có phải là dấu hiệu bệnh? - Ảnh 3.

Thực hiện một chế độ ăn uống với nhiều trái cây tươi, rau quả và ngủ đủ giấc mỗi đêm có thể giúp thai phụ cải thiện tình trạng thâm nám da.

Ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi: Vì nám da cũng có thể là kết quả của sự mất cân bằng nội tiết tố, phụ nữ mang thai có thể cải thiện vấn đề bằng cách cung cấp đủ nước cho cơ thể, thực hiện một chế độ ăn uống với nhiều trái cây tươi và rau quả và ngủ đủ giấc mỗi đêm.

Bổ sung vào chế độ ăn uống của mình các axit béo omega-3 và hỏi bác sĩ về bất kỳ sự thiếu hụt vitamin tiềm ẩn nào. Một số nghiên cứu liên kết thâm nám da với sự thiếu hụt sắt và vitamin B12.

Sau khi mang thai, bạn có thể hỏi bác sĩ da liễu về các phương pháp điều trị khác nếu vết nám của bạn không tự mờ đi sau một thời gian dài.

Tiêu chảy khi mang thai, khi nào cần đi khám?Tiêu chảy khi mang thai, khi nào cần đi khám?

SKĐS – Tiêu chảy thường gặp khi mang thai. Nhiều người nghĩ rằng đó có thể do thay đổi nội tiết tố, chế độ ăn uống và căng thẳng. Mặc dù hầu hết các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy thường không nghiêm trọng nhưng chúng có thể gây ra các biến chứng khi mang thai nếu có các triệu chứng nghiêm trọng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Phục hồi chức năng khi mang thai.


Hoàng Nam
Ý kiến của bạn