Hà Nội

Thăm lâu đài bằng đá khổng lồ ở Ninh Bình

10-04-2024 13:55 | Xã hội

SKĐS - Tòa lâu đài phối hợp hài hòa giữa đường nét cổ điển châu Âu cùng hệ thống mái cong truyền thống của người Việt. Tòa lâu đài này được xây dựng chủ yếu bằng đá xanh Ninh Vân trong 14 năm.

Lâu đài bằng đá uy nghi tọa lạc trên mảnh đất có diện tích 3.000m2 (tại xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), gồm 4 tầng, mặt bằng rộng 450m2, cao 27m. Nguyên liệu chủ yếu là loại đá xanh Ninh Vân. Một số chi tiết được sử dụng đá trắng ở miền Trung và Tây Nguyên.

‘Đột nhập’ lâu đài bằng đá khổng lồ ở Ninh Bình.

Thăm lâu đài bằng đá khổng lồ ở Ninh Bình- Ảnh 1.

Lâu đài đá có lối kiến trúc độc đáo, phối hợp hài hòa giữa đường nét cổ điển châu Âu (vòm trần đại sảnh, hệ thống cột, xà...) và hệ thống mái cong.

Thăm lâu đài bằng đá khổng lồ ở Ninh Bình- Ảnh 2.

Từ những phiến đá thô sơ, qua bàn tay tài hoa của những người thợ đá Ninh Vân (tỉnh Ninh Bình) đã chế tác, gắn kết tạo nên công trình toà nhà đá khổng lồ với tổng trọng lượng 2.025 tấn.

Thăm lâu đài bằng đá khổng lồ ở Ninh Bình- Ảnh 3.

Khi xây dựng, những người thợ đã lắp ghép những khối đá bằng ngõng, mộng (chỉ sử dụng thêm keo kết dính truyền thống là mật mía, vôi …), làm ròng rã trong 14 năm mới hoàn thành.

Trong đó, tầng 1 của toà nhà đá là tầng hầm, diện tích 410m2, cao 2,65 m, âm sâu dưới đất 1 m. Điểm nhấn của toà nhà đá chính là tầng 2 có diện tích 410 m2, cao 5 m. Tường bao quanh tầng 2 là sự kết hợp giữa 21 cột đá và vách bưng đá gồm 20 tấm đá. Cột đá có đường kính 0,5 m, cao 4,6 m.

Mỗi tấm đá có diện tích 5,5 m2, dày 0,35 m, cao 4,6 m, rộng 1,2 m. Bốn mặt tường có 18 cửa sổ, phào cửa sổ làm bằng đá trắng, các song cửa sổ cũng làm bằng đá trắng, tạo ra sự thông thoáng của tường vách và có tác dụng như những cột đỡ cho phần kết cấu trên.

Xung quanh tầng 2 có lan can đá, cao 0,89 m. Chiều rộng của hiên là 1,54 m lát đá có hình đồng tiền cổ thời Đinh "Thái Bình Hưng Bảo". Dựng trên dầm đá của lan can đá ở 4 xung quanh tầng 2 là 28 cột hiên cao 3,3 m, đường kính cột 0,3 m. Nếu tính cả đế và dầm đá, cột đá cao 4,5 m. Các dầm đá đều có phào, chỉ mài nhẵn. Dầm đá phía trên rộng và cao hơn để dựng lan can của tầng 3 trên đó.

Thăm lâu đài bằng đá khổng lồ ở Ninh Bình- Ảnh 4.

Điều đặc biệt ở tầng 2 là dựng 4 cột đá tròn lớn, cao 3 m, đường kính 0,9 m, chế tác theo truyền thống "thượng thu hạ thách" để đỡ các dầm đá cong. 4 cột đá cao và to được mài nhẵn lỳ nổi lên vân đá màu vàng và đen bóng loáng có thể soi gương được, sờ vào mát rượi.

Thăm lâu đài bằng đá khổng lồ ở Ninh Bình- Ảnh 5.

Đầu 4 cột đá tròn được làm các dầm bằng đá cong gần như bán nguyệt tạo thành 8 vòm trần có 8 vòng tròn, trên đó vẽ các họa tiết hoa văn về lịch sử của Việt Nam từ thời Đông Sơn đến thời Nguyễn.

Cũng như tầng 2, tầng 3 của toà nhà đá có kiến trúc gồm 4 cột đá lớn nguyên khối cao 3,8 m, đường kính 0,9 m nằm 4 góc sát tường bao tầng. Tường của tầng 3 chỉ có 18 cột đá và vách bưng đá cũng giống như tầng 2. Điều độc đáo ở tầng 3 không có cửa ở phía Bắc như tầng 2, nhưng trên dầm đá phía Bắc ở giữa dựng một phù điêu đá lớn. Phù điêu đá cao 7,5 m, gồm bức phù điêu, 2 cột đá và mái phù điêu. Bức phù điêu này cao nhất, đứng ở chỗ quan trọng nhất, là mặt tiền của toà nhà đá, khẳng định Toà nhà Đá Việt.

Tầng 4 của toà nhà đá thi công vất vả hơn nhiều vì phải xây dựng ở độ cao trên 12m, phải dùng cần cẩu cỡ lớn để chuyển nguyên vật liệu lên cao. Đây là tầng có cao nhất với 14m, tính đến đỉnh tháp khánh đá, tạo cho toà nhà có độ cao 27m. Tầng 4 có Nghênh phong các xây toàn bằng đá cao 8,1m và một tháp đá cao 14m có 3 tầng xây toàn bằng các tấm đá lớn, trên tầng 3 của tháp đá treo khánh đá.

Thăm lâu đài bằng đá khổng lồ ở Ninh Bình- Ảnh 6.

Du khách tham quan lâu đài bằng đá.

Thăm lâu đài bằng đá khổng lồ ở Ninh Bình- Ảnh 7.

8 vòm có 8 vòng tròn, trên đó vẽ các họa tiết hoa văn về lịch sử của Việt Nam từ thời Đông Sơn đến thời Nguyễn

Thăm lâu đài bằng đá khổng lồ ở Ninh Bình- Ảnh 8.

Những tác phẩm nghệ thuật bằng đá đặt tại trong và ngoài khuôn viên toà nhà.

Thăm lâu đài bằng đá khổng lồ ở Ninh Bình- Ảnh 9.

Bức tranh con đường, núi rừng...ghép từ hàng nghìn viên đá nhỏ vô cùng đẹp mắt.

Thăm lâu đài bằng đá khổng lồ ở Ninh Bình- Ảnh 10.

Có thể thấy, từ những phiến đá thô sơ, qua bàn tay tài hoa của người thợ đá Ninh Vân, tỉnh Ninh Bình đã chế tác thành các tác phẩm, gắn kết bền chặt với nhau tạo nên công trình toà lâu đài đá khổng lồ "độc nhất vô nhị" ở Ninh Bình. Có lẽ, đây là toà nhà đá duy nhất, độc đáo và lớn nhất Việt Nam, nó toạ lạc trên mảnh đất Ninh Bình - nơi có nghề chạm khắc đá lâu đời.

Thăm lâu đài bằng đá khổng lồ ở Ninh Bình- Ảnh 11.

Sau khi thăm quan toà nhà đá với những vòm thiết kế hoa văn nổi bật các thời kỳ lịch sử, nhà Sử học Lê Văn Lan đã nói: Tòa nhà này, tôi có thể đặt cho 3 chữ kỳ: "Kỳ công - Kỳ vỹ - Kỳ tích". Phải nói rằng, công trình này như một di sản vô giá để lại cho đời sau. Tôi mong muốn đây sẽ trở thành một bảo tàng lịch sử để giới thiệu cho thế hệ trẻ và du khách nước ngoài về lịch sử Việt Nam, hiểu rõ hơn về mảnh đất, con người "dòng giống Tiên - Rồng".

Tuấn Anh
Ý kiến của bạn