Thầm lặng y tá khoa cấp cứu

03-07-2014 10:00 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Y tá khoa cấp cứu thường rất cực. Ở bệnh viện quanh năm suốt tháng và xung quanh họ chỉ có bệnh nhân và... bệnh nhân.

Y tá khoa cấp cứu thường rất cực. Đi theo ca kíp vì vậy dường như không biết tới ngày Lễ Tết là gì. Ở bệnh viện quanh năm suốt tháng và xung quanh họ chỉ có bệnh nhân và... bệnh nhân.

Ngoài chuyện bệnh nặng, bệnh nhẹ, chuyện sống - chết thì hàng ngày, trong phòng cấp cứu thường có đủ các loại bệnh, lại đủ các mùi hôi. Có những ngày bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa dưới, đi cầu phân đen rất hôi. Ai không có trách nhiệm đi ngang phải đi nhanh, tay bịt mũi, nhưng các y tá cấp cứu thì không, vì khoa là nhà của họ, phải ở lại chăm sóc bệnh nhân. Nào là bệnh nhân tắc ruột chưa kịp đặt thông dạ dày, bệnh nhân nôn ra dính cả ga giường, mùi thức ăn và acid dạ dày quyện lại thành mùi chua chua. Chưa kể, nào là áp-xe mủ trào ra, nào là dò tiêu hóa, mùi nước tiểu ở bệnh nhân lớn tuổi... Đấy là còn chưa kể, khoa mổ rất nhiều bệnh nhân HIV, AIDS giai đoạn cuối, hay bệnh lao. Mà môi trường làm việc bảo hộ lao động của nước ta nói chung còn kém, nguy cơ lây nhiễm rất cao từ chất tiết của người bệnh mà chưa hề nghe thấy tiếng than của các chị em y tá.

Những đêm Giao thừa thức trắng ở Bệnh viện. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Dân Trí
Những đêm Giao thừa thức trắng ở Bệnh viện. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Dân Trí

Ở khoa cấp cứu lâu ngày, các y tá cấp cứu dường như quen mặt bệnh nhân. Họ thậm chí thuộc tên của bệnh nhân, bệnh nhân mắc bệnh gì, vào viện lần này vì chuyện gì hay bệnh nhân do bác sĩ nào điều trị. Thậm chí còn biết bệnh nhân nào còn sống hay đã theo (ông bà) rồi. Nhưng nhiều khi, bệnh nhân gặp họ trong thời gian rất ngắn, đến rồi đi, mổ chậm nhất cũng 2 - 3 ngày, có khi nhanh nhất là vài chục phút và như thế, bệnh nhân cũng không kịp nhớ tới họ.

Nói đến tay nghề của y tá cấp cứu thì tuyệt vời! Hôm trước có bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn, vì phải mổ cấp cứu gấp nên khi vào phòng mổ gây mê mới phát hiện ra bệnh nhân trước đó 30 phút đã uống một ly sữa. Kíp gây mê quyết định đặt thông dạ dày trong phòng mổ, cả y tá gây mê và bác sĩ không ai can đảm đặt vô; liền mời một y tá có kinh nghiệm phòng cấp cứu vào đặt vào một cách ngon lành, ai cũng vỗ tay thán phục.

Không những nhiệt tình, có tay nghề trong chuyên môn, mà y tá khoa cấp cứu còn có lòng thương người và thương bệnh nhân nghèo nữa. Khi thấy bệnh nhân nghèo, không có tiền điều trị, có vài y tá đã cố gắng liên hệ từ thiện giúp họ, thậm chí “móc” tiền túi mua dùm bệnh nhân viên thuốc ngoài danh mục khi bệnh nhân chưa có người nhà nữa.

Thật đáng yêu sao, các y tá khoa cấp cứu Bệnh viện Bình Dân!

BS. Phan Văn Hoàng


Ý kiến của bạn