Hà Nội

Thầm lặng sau trận chiến COVID-19

24-05-2021 18:31 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Không trực tiếp tham gia khám chữa, cấp cứu bệnh nhân, nhưng các y, bác sĩ, cán bộ làm công tác y tế dự phòng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ luôn là những người đi đầu trong trận chiến COVID-19. Họ vào vùng tâm dịch để điều tra, truy vết, xác minh những trường hợp nghi ngờ. Họ thầm lặng cống hiến.

Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID -19 ngành y tế, thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ đã kịp thời nắm bắt, nhận định, đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, cũng như trên cả nước, chủ động đề xuất, tham mưu Sở Y tế, Ban chỉ đạo Phòng chống COVID-19 tỉnh các biện pháp đáp ứng, triển khai các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm tại Công ty TNHH Công nghệ Namuga Phú Thọ

Không kể thời gian trong ngày chống dịch

Trực tiếp chỉ đạo, tham gia các hoạt động giám sát, phát hiện, truy vết, cách ly, khoanh vùng và các hoạt động ngăn chặn dịch COVID-19 lan rộng trên địa bàn.

Từ khi xuất hiện dịch viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 đến nay, nhân viên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ đang căng mình trên khắp các mặt trận thực hiện công tác giám sát, phát hiện, truy vết, phòng chống dịch.

Mỗi khi nhận được thông tin về liên quan đến ca bệnh mới phát sinh hoặc ca nghi ngờ mắc, dù ở bất cứ đâu, những cán bộ y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật lập tức tìm hiểu rõ căn nguyên nguồn lây nhiễm.

Phối hợp Trung tâm y tế các huyện, thành, thị thực hiện truy vết thần tốc, từ đó, tham mưu những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm khống chế dịch bệnh kịp thời, không để dịch lây lan ra cộng đồng.

Công việc của họ không chỉ tốn thời gian mà còn vất vả và nguy hiểm… nếu không có sự tận tụy, lòng yêu nghề thì khó có thể hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ ấy.

Lấy mẫu xét nghiệm tại Cơ sở cách ly tập trung - Trung tâm Giáo dục Quốc phòng an ninh, Trường Đại học Hùng Vương

ThS.BS. Cù Thị Bích Hạnh - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ cho biết: Với nhiệm vụ được giao, chúng tôi đã phân công nhiệm vụ cho cán bộ trực 24/24h, vận hành hệ thống thông tin báo cáo.

Điều tra, giám sát các ca bệnh truyền nhiễm, công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh phòng, chống COVID-19.

Khi có thông tin phản ánh trường hợp người dân trở về từ vùng dịch, cán bộ Khoa sẽ phối hợp với Đội đáp ứng nhanh của các huyện, thành, thị tiến hành điều tra, truy vết, cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm các trường hợp nghi mắc hoặc có nguy cơ cao trở về từ vùng dịch. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, phun khử khuẩn tại nơi ở, phương tiện mà người dân di chuyển.

Hàng ngày, tổng hợp số liệu thống kê để báo cáo cấp trên kịp thời có giải pháp chỉ đạo thực hiện phòng, chống dịch COVD-19.

Để đảm bảo tiến độ, cán bộ Khoa luôn làm việc không kể giờ giấc, ngày đêm, gác lại việc gia đình, con cái để tập trung cho công việc.

Qua ngày, qua đêm

Thực hiện điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp nghi nhiễm

Khoa Xét nghiệm những ngày này cũng vất vả không kém. Bên cạnh việc hỗ trợ của đồng nghiệp tuyến dưới trong việc lấy bệnh phẩm, cán bộ khoa luôn trong tâm thế sẵn sàng xông pha “trận chiến”.

Chỉ cần có chỉ đạo lấy mẫu trường hợp nghi mắc COVID-19 là không quản ngày, đêm, mưa gió, họ lại lên đường làm nhiệm vụ; nhanh chóng chuyển ngay mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm, phục vụ cho việc khẳng định tình trạng bệnh, từ đó giúp lãnh đạo đơn vị có những quyết định, tham mưu hiệu quả cho công tác điều trị, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Công việc vất vả, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại, nguy hiểm hơn là phải tiếp xúc trực tiếp với những người có thể đã mang mầm bệnh để lấy mẫu, chỉ cần lơ là một chút thôi thì nguy cơ lây bệnh và mang cả mầm bệnh về cho gia đình là rất lớn.

Phóng viên Trung tâm KSBT tỉnh Phú Thọ đưa tin phẫu thuật cấp cứu trường hợp cách ly tại Bệnh viện Dã chiến 

Kỷ niệm nhớ nhất của đội ngũ cán bộ Khoa Xét nghiệm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là ngày 7/5/2021, khi tỉnh Phú Thọ có ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên (BN 3116) ở khu 2 Kim Đức, Việt Trì, công nhân Công ty TNHH Công nghệ Namuga Phú Thọ.

Ngay khi nhận được thông tin, ê kip 7 người chia làm 3 nhóm, nhanh chóng lên đường làm nhiệm vụ. Trong vòng 16 tiếng liên tục, dưới tiết trời nắng nóng của tháng 5, từ 10 giờ sáng hôm trước đến 2 giờ sáng ngày hôm sau, với bộ quần áo bảo hộ kín mít, mồ hôi chảy thành dòng nhưng trong khoảng thời gian đó đã có 2.227 mẫu xét nghiệm được thần tốc hoàn thành để phục vụ công tác xét nghiệm sàng lọc.

Nghỉ ngơi được 3-4 tiếng, cả đội lại lên đường lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 1.900 người ở khu 2, khu 10 xã Kim Đức. Xuyên ngày, xuyên đêm là thế, nhưng ThS.Cao Duy Khánh - Trưởng khoa Xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ và đội ngũ cán bộ Khoa luôn xác định: “Việc lấy mẫu xét nghiệm có ý nghĩa quyết định đến công tác chỉ đạo chống dịch, dù phải tăng ca, tăng kíp, không kịp ăn, không có thời gian ngả lưng, chúng tôi vẫn tranh thủ từng giây, từng phút để hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh nhất”.

Cùng với nhiệm vụ của các đồng nghiệp, thời gian qua, những chiếc máy phun thuốc khử khuẩn cũng là người bạn quen thuộc của các cán bộ làm công tác kiểm soát bệnh tật.

Với tổng trọng lượng khoảng 25 kg, mỗi khi có dịch bệnh, họ phải di chuyển liên tục khắp các ngóc ngách, điểm công cộng khác nhau trên địa bàn tỉnh để phun khử khuẩn.

Dù phải đối mặt với hoá chất, công việc khó khăn, nặng nhọc, xong ai cũng hướng tới mục tiêu là thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân.

BS CKI. Nguyễn Tiến Sâm - Trưởng Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Đội trưởng Đội phòng chống dịch của Trung tâm chia sẻ: Trung bình mỗi ngày cao điểm, chúng tôi phun khử khuẩn từ 200 đến 300 lít hóa chất đã pha chế tại các cơ sở cách ly tập trung, địa bàn có trường hợp nghi mắc, địa điểm tổ chức Lễ hội ... Tuy vất vả nhưng mọi người luôn nhiệt tình trong công việc và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Cùng với đó, công tác truyền thông cũng được chú trọng đặc biệt. Trung tâm thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan cung cấp thông tin, theo dõi tình hình diễn biến mới nhất về dịch bệnh tại tỉnh, đưa ra những thông tin xác thực nhất, tránh làm dư luận hoang mang, đồng thời chỉ đạo tuyến cơ sở triển khai các hoạt động truyền thông tại cộng đồng, giúp người dân có những kiến thức cơ bản về dịch bệnh và thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Dù nắng hay mưa, thời gian cao điểm dịch hay không bùng phát dịch… những cán bộ làm công tác y tế dự phòng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ vẫn kiên trì bám địa bàn, tích cực hướng dẫn Nhân dân phòng chống dịch bệnh. Họ được ví như những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận phòng chống bệnh tật, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Thêm niềm vui cho cộng đồng là thêm những đêm thức trắng, những bữa ăn vội vàng và những giấc ngủ tranh thủ. Vất vả, nguy hiểm nhưng các anh, chị vẫn bám trụ, tâm huyết, tận tụy cùng với cộng đồng với một mục đích duy nhất: Chung sức đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, đem lại bình yên cho mọi nhà


Hồng Hà (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ)
Ý kiến của bạn