“Thảm họa” tu bổ di tích

12-07-2015 07:18 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Không thể phủ nhận việc tu bổ, tôn tạo di tích là hành động thiết thực góp phần giúp cho nhiều di tích thoát khỏi tình trạng tàn phế, tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cho thế hệ sau.

Không thể phủ nhận việc tu bổ, tôn tạo di tích là hành động thiết thực góp phần giúp cho nhiều di tích thoát khỏi tình trạng tàn phế, tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cho thế hệ sau. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, không ít vụ trùng tu, tôn tạo di tích ở nước ta đã vô tình “phá hoại” hoặc “làm mới” di tích, di sản khiến dư luận vô cùng bức xúc...

“Thảm họa” năm 2014

Chỉ tính riêng trong năm 2014, người dân, giới truyền thông đã phát hiện hàng loạt vụ trùng tu, tôn tạo di tích dẫn đến việc làm hỏng di tích. Các cơ quan quản lý văn hóa cấp Nhà nước qua đó đã vào cuộc xử lý một cách quyết liệt.

Chùa Sổ năm qua từng bị trùng tu theo kiểu “phá hoại di tích”.

Sự việc mở màn cho câu chuyện buồn về tu bổ, xây mới di tích trong năm qua xảy ra vào tháng 3 tại di tích đền thờ và lăng Ngô Quyền (xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội). Trong công tác trùng tu, tôn tạo tại lăng Ngô Quyền, đơn vị thi công đã tự ý xây mới một bức bình phong có tạo hình là một con “quái thú” thiếu tính thẩm mỹ và không phù hợp với truyền thống văn hóa người Việt. Sau khi bị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hà Nội “tuýt còi”, bức bình phong có hình quái thú tại lăng Ngô Quyền bị phá bỏ, trả lại sự trang nghiêm vốn có của khu di tích.

Khi sự vụ tại di tích đền thờ và lăng Ngô Quyền chưa kịp dịu xuống thì ngay sau đó lại nổi lên việc trùng tu kiểu “phá hoại” di tích tại đình cổ Quang Húc (xã Đông Quang, Ba Vì, Hà Nội) - đây vốn là ngôi đình đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Quá trình trùng tu đình Quang Húc, đơn vị thi công đã bộc lộ sai phạm: xà, cột khi ghép vào “không ăn nhập với nhau”, mái đình dột tứ tung, các mảng chạm cổ kính bỗng trở nên... tươi mới. Người dân địa phương khi ấy phải ra sức ngăn cản đơn vị thi công, đồng thời kêu cứu cơ quan có thẩm quyền, các chuyên gia về di tích lịch sử - văn hóa tới “cứu” đình Quang Húc. Cục Di sản (Bộ VH-TT&DL), Sở VH-TT&DL Hà Nội ngay sau đó đã vào cuộc và xác nhận có những sai phạm nghiêm trọng trong công tác trùng tu đình Quang Húc. Và khi được “nhắc nhở”, huyện Ba Vì đã nhận trách nhiệm và khắc phục những tồn tại, thiếu sót.

Bên cạnh đó, sự việc “làm sạch” tấm bia cổ Sùng Thiện Diên Linh - bảo vật quốc gia ở chùa Long Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, Hà Nam) cũng khiến dư luận bàng hoàng. Nhiều người dân địa phương cho biết, một tốp thợ xây đã dùng đá mài, giấy ráp, bàn chải sắt, phoi bào sắt... kỳ cọ mặt bia với mục đích “làm vệ sinh” cho bà con chiêm ngưỡng trong dịp tỉnh nhà nhận quyết định bảo vật Quốc gia với tấm bia Sùng Thiện Diên Linh diễn ra vào sáng 18/4/2014. Tuy nhiên, hành động “làm sạch” tấm bia cổ đã làm cho bề mặt bia Sùng Thiện Diên Linh xuất hiện thêm nhiều vết xước chẳng khác gì hành động phá hoại bảo vật quốc gia.

Về sau, cũng năm 2014, chúng ta còn ghi nhận thêm việc trùng tu tại đình Tiên Canh (Vĩnh Phúc) bằng cuốc xẻng, tháng 7/2014 là vụ trùng tu chùa Sổ (Thanh Oai, Hà Nội) với việc đơn vị thi công “phá” và không làm nhà bao che theo đúng nguyên tắc trước khi hạ giải... Đặc biệt, trong khuôn viên chùa còn được xây dựng một tòa nhà lục giác - một hạng mục mới không có trong thiết kế thi công.

Cần đào tạo đi đôi với chứng chỉ hành nghề

Bộ VH-TT&DL từng ban hành Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL vào cuối năm 2012 với mục đích ngăn chặn, hạn chế các vụ việc “trùng tu” cẩu thả và thiếu trách nhiệm tại nhiều di tích ở nước ta từng diễn ra trước đó. Tại Thông tư 18, Bộ VH-TT&DL quy định chỉ những người có chuyên môn, kinh nghiệm và buộc phải có chứng nhận hành nghề mới có thể tham gia công việc trùng tu, bảo tồn di tích, di sản. Thế nhưng, dù trước đó đã có quy định cụ thể nhưng tình trạng trùng tu, tôn tạo kiểu “làm mới”, “phá hoại” di tích vẫn xảy ra liên tiếp như đã nói trên.

Trong các trường hợp trùng tu, tôn tạo di tích đáng buồn ở trên thì hầu hết đơn vị thi công đều được chứng nhận đạt yêu cầu, tức là có chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, khi thực hiện trùng tu, các đơn vị thi công mắc lỗi chung là tháo dỡ và phá bỏ hầu hết các cấu kiện cổ, thiếu tính toán trong quá trình hạ giải; đồng thời đưa những hiện vật mới và không đúng kích cỡ ban đầu vào di tích trong khi nhiều chi tiết cổ và còn đậm chất mỹ thuật hoàn toàn có thể tiếp tục sử dụng. Yếu tố này phản ánh sự cẩu thả, nhận thức về giá trị di tích, di sản của cá nhân - tập thể trong công tác trùng tu, tôn tạo còn hạn chế, yếu kém.

Theo một số nhà nghiên cứu, chuyên gia lịch sử - văn hóa, việc Bộ VH-TT&DL quy định cá nhân, tập thể cần có chứng chỉ hành nghề mới được thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích là điều cần thiết. Tuy nhiên, chứng chỉ hành nghề đôi khi chỉ là hợp thức hóa hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích cho đúng luật, chứ không thể đảm bảo việc người được cấp chứng chỉ có đủ hiểu biết để không phá hỏng di tích. Vì thế, để ngăn chặn những “thảm họa” thời gian qua, ngoài giấy phép hành nghề thì điều quan trọng là cá nhân - đơn vị thực hiện công việc phải nắm vững kiến thức về di sản, lịch sử, văn hóa. Hơn nữa, trùng tu di tích có liên quan đến nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật... nên chúng ta cần mở các lớp đào tạo nghiệp vụ. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cần mở lớp đào tạo di sản trong các trường học, vấn đề trùng tu di tích cũng nên trở thành môn học trong các trường đại học chuyên ngành vì  bấy lâu nay chúng ta còn có một khoảng trống trong việc giáo dục bảo tồn di sản.

Quỳnh Phạm

 


Ý kiến của bạn