Mới chỉ qua lượt đấu đầu tiên của vòng bảng, có ít nhất 4 trận, các ông vua áo đen đã tạo ra những “tiếng còi méo”, thậm chí mắc lỗi nặng. Đỉnh điểm chính là trận đại chiến được cả thế giới chờ đợi Đức - Bồ Đào Nha đã bị ông trọng tài Milorad Mazic phá hỏng.
Đúng là Đức đã chơi hoàn toàn vượt trội, còn Ronaldo cùng các đồng đội đã có một màn trình diễn tệ hại và kết quả thắng thua không có gì phải bàn cãi. Thế nhưng, chính cái cách cầm cân nảy mực của ông trọng tài người Serbia đã khiến cho cuộc đấu trở nên vô cùng bất thường khi thời gian mới trôi qua chưa đầy một nửa.
Trọng tài đang là khâu yếu nhất của World Cup 2014 .
Nhiều người cho rằng thực sự ông đã gián tiếp “kết liễu” sớm Bồ Đào Nha với quyết định rút thẻ đỏ truất quyền thi đấu đối với trụ cột Pepe ở phút 37 đầy tranh cãi. Từ một pha quét tay của Pepe, Mueller đã lập tức ôm mặt lăn lộn và quá bức xúc trước màn kịch, trung vệ người Bồ đã húc nhẹ vào đầu đối thủ cùng với những lời nạt nộ. Tiền đạo của Đức sau đó cũng bật dậy và có hành vi gây hấn. Với hầu hết các trọng tài, đó sẽ chỉ là một thẻ vàng, nhất là khi còn có thêm một yếu tố luôn được vận dụng trong nghiệp vụ trọng tài bởi Bồ Đào Nha đang bị dẫn tới 2 bàn. Càng đáng nói hơn, lập tức dành ngay một thẻ đỏ cho Pepe song Mazic lại quên mất “phần” xứng đáng bị xử lý của Mueller. Có thể thấy, từ bước ngoặt định mệnh này, với sự chênh lệch quá lớn về lực lượng, tỷ số, người Đức có thể ung dung giữ sức và thử nghiệm đội hình, còn Bồ Đào Nha rơi vào sự chán nản, vô vọng. Bi kịch với người Bồ còn tiếp tục ở hiệp 2, với một pha Eder bị phạm lỗi trong vòng cấm song trọng tài cương quyết không cho họ hưởng phạt đền, bất chấp nó rõ ràng hơn nhiều tình huống mà Gotze “kiếm” được phạt đền cho Đức ngay từ đầu trận.
Có lẽ trận Đức - Bồ Đào Nha đã phơi bày đầy đủ cái gọi là thảm họa trọng tài của giải đấu trên đất Brazil. Trước đó, ít nhất có 3 trận đều có “vấn đề” trọng tài gồm Brazil - Croatia, Tây Ban Nha - Hà Lan, Mexico - Cameroon, với rất nhiều kiểu thức khác nhau. Trong đó, thật kỳ lạ chưa bao giờ các trọng tài lại có nhiều pha thổi phạt dễ dàng, thiếu chính xác và không thuyết phục đến thế. Ngược lại cũng hiếm khi nào lại có nhiều pha phá bẫy việt vị, kể cả ghi bàn hợp lệ bị chối từ như lần này. Đơn cử, xem lại băng ghi hình, người ta không thể hiểu vì sao cả hai bàn thắng hoàn toàn bình thường của Mexico vào lưới Cameroon lại đều bị trọng tài từ chối.
Trao đổi với PV báo Sức khỏe&Đời sống, dù khẳng định những tranh cãi, thậm chí sai lầm của trọng tài là muôn thuở nhưng Trưởng ban Trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi đánh giá trọng tài đang là khâu yếu nhất của World Cup 2014 đang có chất lượng chuyên môn rất cao. Gốc rễ của nó ngoài việc bản thân một số trọng tài không có được sự chuẩn bị tốt, chủ yếu còn do sự thiếu thống nhất, chặt chẽ của bộ phận điều hành, tổ chức của đội ngũ này. Chẳng hạn việc trọng tài thổi phạt đền vội vã, dễ dàng, đến mức ẩu, hay tình trạng phối hợp yếu giữa trọng tài chính với các trợ lý trọng tài trước hết là do không có định hướng về tiêu chí, cũng như chưa kịp thời có những rút kinh nghiệm cần thiết.
Xem ra ở chặng đường phía trước còn rất dài của World Cup, trọng tài sẽ càng là một nỗi ám ảnh.
Goal-line lần đầu “cứu thua” FIFA
World Cup 2014 là kỳ đầu tiên, FIFA đưa công nghệ goal-line (vạch vôi điện tử) vào ứng dụng nhằm chính xác tuyệt đối trong việc xác định bàn thắng. Và công nghệ tốn kém này đã sớm “cứu thua” cho FIFA ở trận đấu giữa Pháp với Honduras. Cụ thể, ở phút 48, tiền đạo Benzema dứt điểm khó, bóng đập cột dọc, rồi chạm vào người Valladares lăn vào lưới, trước khi được thủ môn này vợt ra. Với cú vào cuộc của goal-line, tình huống nhạy cảm đó đã được làm rõ: bóng đã lăn hẳn qua vạch vôi, bàn thắng được công nhận cho đội Pháp và thủ môn Valladares phản lưới nhà.
Bốn năm trước, ở vòng 1/16, đội tuyển Anh từng mất oan một bàn thắng khi Lampard sút bóng qua vạch vôi đội Ðức đến cả mét nhưng không được trọng tài công nhận vì tình huống diễn ra quá nhanh và thủ môn Neuer đã quá tinh quái.
Tường Nhi