Hà Nội

Thảm họa rình rập chung cư mini vì "quên" một bước cơ bản trong xây dựng?

30-09-2023 11:49 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo chuyên gia, nếu kiểm soát thủ tục hoàn công chặt chẽ, đúng quy định, tất cả vi phạm về trật tự xây dựng sẽ được xử lý ngay từ ban đầu, từ đó giảm thiểu được thiệt hại nghiêm trọng khi xảy ra hoả hoạn.

Gần 3 tuần trôi qua, người dân cả nước vẫn chưa khỏi bàng hoàng sau vụ cháy thương tâm xảy ra tại chung cư mini tại Khương Hạ, phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Tuy nhiên vẫn còn đó nỗi lo khi Hà Nội đang tồn tại hàng nghìn chung cư mini chưa có "lời giải" về đảm bảo an toàn cháy nổ.

Theo thống kê, toàn thành phố hiện có khoảng 2.000 chung cư mini, tập trung ở quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ. Bên cạnh đó, còn hàng nghìn cơ sở cho thuê trọ khác đang hoạt động.

Với lợi thế căn hộ nhỏ, nằm chủ yếu ở quận trung tâm, giá thành phù hợp, chung cư mini đã nhanh chóng thu hút người mua và trở thành một sản phẩm bán rất chạy trên thị trường bất động sản trước đây.

Từ vụ cháy chung cư mini: Công tác nghiệm thu công trình đang bị 'bỏ quên'? - Ảnh 1.

Hà Nội hiện có hàng nghìn chung cư mini chưa đảm bảo an toàn.

Từ năm 2005, Luật Nhà ở đã quy định có 2 loại hình nhà ở là nhà riêng lẻ và chung cư. Chính vì vậy, tên gọi chung cư mini không có trong luật. Các hình thức nhà dưới 7 tầng thì hộ gia đình cá nhân được cấp giấy phép xây dựng nhà riêng lẻ. Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, quy định chặt chẽ các điều kiện, quy chuẩn, tiêu chuẩn về căn hộ.

Theo quy định, trong mọi trường hợp, nhà ở liền kề tại Hà Nội không được cao hơn 6 tầng; trong nhà ở liền kề không được xây cao quá 4 tầng, các ngõ (hẻm) có chiều rộng nhỏ hơn 6m. 

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế, tại nhiều khu vực, hàng loạt toà nhà cao từ 7 – 9 tầng, và xây dựng hết diện tích đất (mật độ xây dựng 100%). Nếu không quản lý chặt chẽ việc này, không ai có thể dám chắc những sự việc tang thương như vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ không tái diễn.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, một chủ thầu xây dựng có nhiều năm kinh nghiệm tại Hà Nội cho biết, với mỗi công trình trong quá trình xây dựng, sau khi hoàn thiện đều phải làm một thủ tục hành chính, đó là hoàn công. Thủ tục này sẽ thể hiện tình trạng thực tế của công trình và thay đổi so với thiết kế ban đầu.

Theo quy định, tất cả các công trình xây dựng từ công trình nhà nước đến công trình tư nhân, từ chung cư đến chung cư mini, từ toà nhà cao tầng đến nhà ở liền kề,... đều phải thực hiện thủ tục này. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là chỉ tại các công trình lớn, thủ tục hoàn công mới đươc quản lý khắt khe, đúng quy định. Còn đối với chung cư mini, nhà ở liền kề, việc hoàn công dường như đang bị "lãng quên".

Về vấn đề này, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty luật Pháp Trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hoàn công là một thủ tục hành chính trong quản lý xây dựng để nhà nước xác nhận bên đầu tư, bên đơn vị thi công đã hoàn thành công trình sau khi được cấp giấy phép xây dựng và hoàn tất công tác nghiệm thu. Hoàn công thể hiện tình trạng thực tế của công trình và thay đổi so với thiết kế ban đầu.

Từ vụ cháy chung cư mini: Công tác nghiệm thu công trình đang bị 'bỏ quên'? - Ảnh 2.

Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty luật Pháp Trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Theo quy định của Luật xây dựng 2014 và Nghị định 59/2015/ NĐ-CP, các công trình xây dựng nhà ở hay công trình xây dựng khác đều phải xin giấy phép xây dựng và thực hiện hoàn công. Riêng ở nông thôn, nhà ở riêng lẻ khi xây dựng tại các khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hoá thì mới cần hoàn thiện thủ tục này.

Khi làm thủ tục hoàn công các thay đổi, sai phạm như cơi nới, nâng tầng, xây sai mật độ xây dựng, thiếu hoặc không có hệ thống phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm so với thiết kế được phê duyệt khi xin giấy phép xây dựng đều thể hiện rõ. Nếu kiểm soát thủ tục hoàn công chặt chẽ, đúng quy định tất cả vi phạm về trật tự xây dựng sẽ được xử lý ngay từ ban đầu, từ đó giảm thiểu được thiệt hại nghiêm trọng khi xảy ra hoả hoạn.

"Lấy ví dụ đối với vụ cháy chung cư mini cao 9 tầng, tại số 37, ngách 29/70 Khương Hạ, phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nếu cơ quan quản lý giám sát hoàn công chặt chẽ thì ngay từ khi đưa vào sử dụng, chủ toà nhà sẽ phải dỡ bỏ số tầng xây vượt, cắt bỏ "chuồng cọp", thi công thêm lối thoát hiểm, đồng thời bổ sung hệ thống báo cháy, chữa cháy. Như thế, con số thiệt hại có thể giảm được rất nhiều so với thực tế xảy ra", luật sư Lực nhận định.

Xem thêm video được quan tâm:

Ám ảnh vụ cháy Khương Hạ, nhiều nhà trọ, chung cư đồng loạt mở “chuồng cọp” phòng hỏa hoạn | SKĐS


Minh Ngọc
Ý kiến của bạn