Từ thảm họa
Gần đây, series hài Loa phường thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả trẻ bởi quy tụ những diễn viên quen thuộc, được khán giả “tuổi teen” yêu thích như: Trung “ruồi, Minh “Tít”, Quỳnh Kool, Thương Cin, Hiếu Orion, Nhật Anh, Tuấn “tiền tỷ”, Việt Johan, Chí Lan... Theo giới thiệu từ nhà sản xuất, công chúng sẽ được thưởng thức những bộ phim hài hay, độc đáo, có ý nghĩa xã hội và tràn ngập tiếng cười sảng khoái từ series Loa phường. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều tập trong Loa phường đã đến với khán giả thời gian qua đã đi ngược lại mục đích ban đầu nhà sản xuất đặt ra, bởi không ít tập nội dung nhạt nhẽo, thậm chí định hướng khán giả theo chiều hướng xấu.
Chưa cần xem nội dung, khi nghe đến tên từng tập hài trong series Loa phường cũng khiến công chúng ngán ngẩm, đó là Thằng biến thái, Chiếc xu chiêng màu hường, Khi chồng bất lực, Trai bản tìm gái, Vụ hiếp dâm thần kỳ, Làm sao để thỏa mãn bạn gái chỉ với 200k? Đánh giá tâm hồn phụ nữ qua áo lót, Cái ấy của em đâu? Chiếc quần lót ren khi em có chửa... Tên gọi các tập phim đã sốc, khi xem series hài này, khán giả còn choáng hơn. Đặc biệt, tập 44 có tên gọi Muốn trốn nghĩa vụ phải có cái đầu sau khi phát hành trên mạng không lâu, nhà sản xuất đã phải gỡ bỏ vì bị khán giả chỉ trích gay gắt. Theo đó, tập này phản ánh tại phòng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, nhiều thanh niên với vẻ mặt u uất, khóc lóc đợi tới lượt khám tuyển. Bất ngờ một thanh niên đi ra với giọng mếu máo “Được nhận rồi, đạt rồi, xăm to thế này rồi mà nó vẫn nhận”. Một thanh niên khác đang ngồi chờ buông nhếch mép nói ngay: “Thời buổi này tưởng xăm mà ngon á. Muốn trốn nghĩa vụ phải có cái đầu...”. Ngay sau khi vào phòng khám sức khỏe quân sự, thanh niên này luôn thể hiện rằng mình có thị lực yếu, không thể nhìn rõ mọi vật nhằm không trúng tuyển khám sức khỏe nghĩa vụ. Tập phim này vì thế vừa nhạt vừa như đang hướng dẫn thanh niên tìm cách trốn nghĩa vụ quân sự.
Loa phường được nhiều khán giả nhận định là thảm họa hài Việt.
Trong nhiều tập đã phát hành của series hài Loa phường, người xem còn được nghe không ít câu nói, lời thoại dung tục, phi văn hóa. Điển hình tại tập 12 Vụ hiếp dâm thần kỳ xoay quanh việc một cặp vợ chồng mê lô đề, cờ bạc. Cặp vợ chồng chủ nhà trọ gọi cậu thanh niên thuê nhà lên để hỏi về giấc mơ đêm qua và thanh niên này vô tư trả lời: “Đêm qua cháu hiếp dâm vợ chú”. Bà chủ nhà cười híp mắt, trong khi đó, ông chủ nhà không tức giận mà còn hỏi cặn kẽ giấc mơ. Bằng sự liên tưởng, vợ chồng ông chủ nhà tìm ra được số đề cần đánh và sau đó trúng lớn. Ông chủ nhà mời cậu thanh niên lên uống rượu và tuyên bố: “Chú xin thay mặt cả họ nhà chú cảm ơn mày hiếp dâm vợ chú” rồi “Lần sau cứ hiếp rồi sang bảo chú”. Theo dõi các tập đã phát hành trong series hài Loa phường, giới chuyên môn nhận định các tập phim chỉ là các tình huống trong nhà ngoài phố, không có sự đầu tư về chuyên môn nghệ thuật. Bên cạnh đó, ngôn ngữ của các nhân vật trong các tập phim quá bình dân và nhiều khi quá đà đến mức tục tĩu. Đây là một series hài nhưng chọc cười người xem theo cách rẻ rúm.
Đến hậu quả khó lường
Thực tế cho thấy, khán giả nước nhà không ít lần phải “ngậm đắng nuốt cay” khi vô tình xem các series, tiểu phẩm hài xuất hiện như nấm sau mưa trên mạng, sóng truyền hình. Chọc cười người xem bằng mọi cách, tung đủ chiêu trò để “câu” khán giả nhằm thu lợi từ quảng cáo khiến chất lượng nhiều tiểu phẩm, chương trình hài gây khó chịu, tạo ra bức xúc với người thưởng thức. Trước những tập phim trong series hài Loa phường nói trên, nhiều chi tiết, tiểu phẩm hài nhảm khiến dư luận dậy sóng, báo giới tốn nhiều giấy mực từng xuất hiện trong những chương trình Chém chuối cuối tuần, Thách thức danh hài, Ơn giời cậu đây rồi, Diêm vương xử án, Hội quán tiếu lâm, Câu chuyện đêm chủ nhật, Cười là thua...
Nhà viết kịch Lê Chí Trung từng đánh giá, sự vô bổ, lố lăng... của hài nhảm như đám cỏ dại được dung dưỡng, không chỉ “ăn” hết đất của các chương trình nghệ thuật tử tế mà còn góp phần phá hỏng mọi giá trị thẩm mỹ nghệ thuật. Sự đầu độc thẩm mỹ không gây ra cái chết bất ngờ mà lâu ngày có thể biến con người trở nên lệch lạc, mù mờ về thị hiếu và thói quen thưởng thức nghệ thuật. Có cùng quan điểm, nhà biên kịch Chu Thơm lại ví những chương trình hài nhảm như thực phẩm bẩn. Bởi lẽ, hài nhảm không gây hậu quả ngay lập tức nhưng ngấm dần vào người xem, để rồi đến một lúc nào đó, rất có thể khán giả sẽ hành xử như những nhân vật trong các chương trình, tiểu phẩm... hài nhảm mà họ đã xem.