Chia sẻ với báo chí bên lề Hội nghị phổ biến thông tin về các Hiệp định thương mại tự do (FTA) ngày 18/12, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay Hiệp định TPP đang ở giai đoạn cuối cùng về rà soát pháp lý, trước khi các bên có thể ký kết. Sau quá trình ký kết sẽ có 2 năm cho các nước phê chuẩn theo đúng quy định pháp luật của mỗi nước. TPP là hiệp định đặt ra tiêu chuẩn rất cao trong đó có phần cam kết mở cửa thị trường các nước dành cho nhau, đây là cơ hội trực tiếp mà các nước đều hướng đến.
Riêng đối với Việt Nam, khi tham gia Hiệp định TPP, Việt Nam có những đối tác hàng đầu trong khu vực nằm trong khối này. Dự kiến khi các nước mở cửa thị trường, đưa thuế về 0% thì cơ hội cho doanh nghiệp (DN) của Việt Nam tương đối lớn. Tuy nhiên, khả năng tận dụng các cơ hội như thế nào là vấn đề cần đặt ra. Để được hưởng các ưu đãi thuế nhập khẩu trong lĩnh vực dệt may thì Việt Nam cần đáp ứng được quy tắc về xuất xứ, làm được một số khâu ở Việt Nam thì mới được coi đó là hàng được sản xuất ở Việt Nam, từ đó mới được hưởng ưu đãi của TPP. Chính vì vậy, quá trình chuẩn bị để phê chuẩn Hiệp định thì cũng chính là giai đoạn để chúng ta chuẩn bị nhằm tận dụng được những cơ hội mà Hiệp định mang lại.
Đưa ra những cam kết của Việt Nam trong TPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế trong Hiệp định TPP. Cụ thể, 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là cần có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nước, bởi vì nếu DN Việt Nam không nhanh thì DN nước ngoài sẽ vào khai thác và hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do “hộ” chúng ta.
Trả lời câu hỏi về giải pháp để các DN Việt có thể tận dụng được các cơ hội từ TPP, các chuyên gia kinh tế cho biết, trong tổng thể nền kinh tế, năng lực cạnh tranh của DN Việt trên thị trường quốc tế không phải là kém, nhưng trong một số ngành và đặc biệt trong một số nhóm DN có thể có năng lực cạnh tranh chưa đảm bảo cho quá trình hội nhập. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn còn thời gian chuẩn bị để nâng cao năng lực cạnh tranh cho những ngành này, thậm chí là có những bước cần tái cơ cấu lại để chuyển dịch lao động, chuyển dịch nguồn lực sang những lĩnh vực có lợi thế so sánh tốt hơn, từ đó tạo hiệu quả tốt hơn cho tổng thể nền kinh tế.
Cũng theo các chuyên gia kinh tế, trong quá trình hội nhập, có một nhóm mặt hàng Việt Nam đặc biệt quan tâm là mặt hàng nông sản. Quá trình tái cơ cấu cũng như tăng năng lực cạnh tranh cho ngành này cần có thời gian và sự đầu tư lớn. Do vậy, việc đàm phán cũng đảm bảo thời gian dài nhất có thể để cho những ngành này có thời gian kịp chuyển đổi, đáp ứng những yêu cầu của hội nhập. Đặc biệt, trong thời gian tới cần có những biện pháp rất mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh cho những ngành này.
Ngoài ra, để có thể tận hưởng lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do, DN cần tìm hiểu về nội dung cam kết liên quan đến mặt hàng của mình trên những khía cạnh thuế quan, quy tắc xuất xứ, biện pháp kỹ thuật, biện pháp phòng vệ (chống phá giá, chống trợ cấp), cũng như đánh giá được tác động của các cam kết đối với hoạt động kinh doanh của DN mình cũng như các đối tác, đối thủ cạnh tranh. Những việc làm này thời gian không còn nhiều cho các DN trong nước, bởi nếu không nhanh thì DN nước ngoài sẽ vào khai thác và hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do FTA “hộ” chúng ta và thiệt đơn, thiệt kép sẽ rơi vào các DN chậm chân, không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.