Hiện nay, Quỹ BHYT thực hiện chi trả chi phí điều trị cho tất cả các bệnh hiểm nghèo như nhóm bệnh về: tim mạch, ung thư, bệnh hiếm… Đây là các nhóm bệnh sẽ phải điều trị dài ngày hoặc suốt đời, có chi phí điều trị lớn. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp người dân tham gia BHYT đi khám chữa bệnh được sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, được Quỹ BHYT chi trả từ vài chục triệu đồng đến vài tỷ đồng.
Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2022, tại Hà Nội, có 1 bệnh nhân, mã thẻ BT220202XXXXXXX được Quỹ BHYT chi trả gần 2,9 tỷ đồng, 07 người được Quỹ BHYT chi trả hơn 1 tỷ đồng, 22 người được Quỹ BHYT chi trả từ gần 800 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng/người và hàng trăm người bệnh được chi trả vài trăm triệu đồng. Trong 7 tháng đầu năm 2022, các cơ sở y tế đã khám chữa bệnh BHYT cho 5,4 triệu lượt người với chi phí đề nghị thanh toán là 9.664,7 tỷ đồng.
Đơn cử, trường hợp của bệnh nhân Cấn Thị H (19 tuổi ở huyện Thạch Thất) vừa trải qua đợt điều trị ung thư máu dài ngày ở Viện Huyết học và Truyền Máu Trung ương. May mắn qua 2 lần cấy tế bào gốc, H đã đáp ứng được với phác đồ điều trị và hiện đã được ra viện, hàng tháng chỉ đến viện khám và lấy thuốc. Nhờ tham gia BHYT hộ gia đình, H được Quỹ BHYT thanh toán tiền chữa bệnh 1 tỷ 155 triệu đồng.
Đây là bệnh nhân được Quỹ BHYT chi trả cao thứ 3 trong 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn TP Hà Nội. "Nếu không có Quỹ BHYT, thì gia đình em không thể trụ nổi. Quỹ BHYT đã tái sinh em một lần nữa"- bệnh nhân H tâm sự.
Trường hợp khác là bệnh nhân Nguyễn Tiến Bảo, quê ở Hà Tĩnh phát hiện bệnh suy tủy vào năm ngoái và phải cấy ghép tủy tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mất đã 12 năm, mẹ phải bươn chải với đủ nghề để kiếm sống nuôi 3 con ăn học. Tiến Bảo là con út trong gia đình, với hi vọng ra nước ngoài kiếm tiền để gia đình bớt khó khăn, học xong lớp 12, anh khăn gói ra Hà Nội học tiếng Nhật. Vượt qua các vòng thi tiếng Nhật, làm xong hết thủ tục, chỉ còn 1 tuần để bay sang Nhật thì anh phát hiện bị suy tủy. Gia đình vốn đã khó khăn nay còn bần cùng hơn. Mẹ anh đi phụ nhà hàng, lương tháng 3 triệu đồng, khóc rưng rức khi biết tin anh bị bệnh.
"Khi biết tin bị bệnh, gia đình mới cấp tốc đi mua thẻ BHYT hộ gia đình cho Bảo. Trong 1 tháng chờ thẻ BHYT có hiệu lực, gia đình phải tự chi trả chi phí điều trị, tiêu tốn hơn 100 triệu đồng. Sau đó, Quỹ BHYT chi trả cho 80% chi phí điều trị nên gia đình bớt khó khăn đi rất nhiều"- Mẹ của anh Bảo cho biết.
Tổng số tiền Quỹ BHYT chi trả cho quá trình điều trị những tháng đầu năm 2022 của anh Nguyễn Tiến Bảo là trên 786 triệu đồng. Hiện nay anh đã được ra viện, đang hồi phục sức khỏe tại gia đình. "Dù còn khó khăn nhưng gia đình tôi còn may mắn hơn rất nhiều người vì Bảo đáp ứng với thuốc điều trị, đang phục hồi tốt. Tấm thẻ BHYT chính là "phao cứu sinh" của con tôi và gia đình tôi"- Mẹ của anh Bảo xúc động nói.
Với mục tiêu tiếp tục mở rộng bao phủ BHYT, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95% dân số, để toàn bộ người dân, đặc biệt là người dân có hoàn cảnh khó khăn được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị khi đi khám chữa bệnh, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, thời gian qua, BHXH TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, lợi ích, tầm quan trọng của chính sách BHYT, đặc biệt đã đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền theo nhóm nhỏ, vào tận nhà người dân tuyên truyền để người dân nghèo, dân lao động tự do có thể tiếp cận, nắm bắt được chính sách.
Cùng với đó, BHXH TP Hà Nội cũng chú trọng quản lý chặt chẽ chi phí khám chữa bệnh, đảm bảo Quỹ BHYT chi đúng, chi đủ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giám định BHYT. BHXH thành phố cũng phối hợp tích cực với Sở Y tế và các cơ sở y tế khám chữa bệnh BHYT xử lý tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; phối hợp giải quyết kịp thời vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT, bảo đảm quyền lợi của người bệnh.
Ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, theo quy định hiện hành, nhiều đối tượng có thể tham gia BHYT hộ gia đình. Với ý nghĩa sẻ chia, lan tỏa, đa số người tham gia BHYT hộ gia đình được Nhà nước hỗ trợ mức đóng, gia đình nào càng nhiều người tham gia, mức đóng càng giảm.
Tùy từng tuyến, số năm tham gia BHYT hộ gia đình, người dân sẽ được Quỹ BHYT chi trả từ 40% đến 100% chi phí khám, chữa bệnh. Riêng 6 tháng đầu năm nay, Quỹ BHYT chi trả gần 46.300 tỷ đồng cho hơn 64 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT, trong đó chiếm phần không nhỏ là các trường hợp tham gia theo hộ gia đình.